ĐB Quốc hội đề nghị chặn “kẽ hở” trong xuất khẩu khoáng sản

Khả Danh |

(Soha.vn) - Chiều nay, góp ý cho Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), ĐB Trương Thị Huệ cho rằng: “Quy định như hiện nay vẫn tạo sơ hở và điều kiện cho xuất khẩu khoáng sản chưa chế biến sâu ra nước ngoài”.

ĐB Trương Thị Huệ (tỉnh Thái Nguyên) nêu quan điểm: "Khoản 1, Điều 1 sửa đổi Khoản 23, Điều 5 của luật thuế 2008 về đối tượng không chịu thuế. Khoản này có quy định đối với sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản, khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác. So với luật năm 2008 có bổ sung từ "thành sản phẩm khác". Nội dung này thực tế đã được Chính phủ quy định tại Nghị định 123.

“Chúng tôi cũng hiểu quy định như vậy để nhấn mạnh yêu cầu chế biến sâu khoáng sản và không cho phép xuất khẩu quặng thô để nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên cho đất nước và cho mai sau. Chúng tôi cũng cho rằng quy định như vậy vẫn còn chung chung chưa rõ, vẫn tạo sơ hở và điều kiện cho xuất khẩu khoáng sản chưa chế biến sâu ra nước ngoài”, ĐB Huệ nói.

Bên cạnh đề xuất này, ĐB Trương Thị Huệ nêu thí dụ, để chế biến được 1 kim loại là titan thì có những 3 giai đoạn trung gian: từ tinh quặng đến xỉ titan, đến titalit và tita kim loại. Vậy, ở đây xác định công đoạn nào là thành phẩm của kim loại titan?

“Thực tế cũng đã có cục thuế địa phương hỏi Bộ Tài chính về sản phẩm hợp kim là Silicon manganese, rồi hợp kim Sắt silic manganese và Fero manganese… có phải là thành phẩm khác để được áp dụng mức thuế suất bằng không hay không? Bộ Tài chính đã phải vận dụng tới 8 điểm của 2 thông tư và xin ý kiến của Bộ Công thương thì mới trả lời được. Vì vậy, tại khoản này chúng tôi đề nghị là phải có danh mục cụ thể cần thiết, chi tiết thế nào là sản phẩm khác của các kim loại được quy định tại điểm này và nhất là đối với một số kim loại quý hiếm cần thiết của đất nước và của nền kinh tế chúng ta”, ĐB Huệ bày tỏ.

ĐB Quốc hội đề nghị chặn “kẽ hở” trong xuất khẩu khoáng sản
 

Bàn tới những vấn đề khác của dự thảo luật, Trần Xuân Hoà – tỉnh Quảng Ninh kiến nghị hai điểm:

Thứ nhất, tại Khoản 4, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung về bổ sung sửa đổi Điều 10 Luật thuế giá trị gia tăng, tại Điểm a, b Khoản 2, Điều 10 có cụm từ "hộ, cá nhân kinh doanh" như vậy ở đây có vấn đề là theo quy định tại Điều 4, Luật thuế GTGT hiện hành về Điều 4: người nộp thuế không có đối tượng nộp thuế được gọi bằng cụm từ "hộ kinh doanh" mà chỉ có người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT sau đây gọi là cơ sở kinh doanh. 

Do vậy, đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung như sau: hoặc bổ sung cụm từ "hộ hoặc hộ kinh doanh” vào Điều 4 nêu trên hoặc dùng cụm từ "cơ sở kinh doanh" tại cả Điểm a, Điểm b như đã quy định ở Điều 4 trên đây cho thống nhất trong văn bản.

Thứ hai, đề nghị nghiên cứu xem xét bổ sung quy định chặt chẽ về thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng vì theo quy định pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp có thể lợi dụng kẽ hở để chậm nộp thuế. 

Ví dụ: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu Khoản 4, Điều 1, về việc sửa đổi bổ sung Điều 17, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định: thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu tối đa 275 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Luật thuế GTGT, Khoản 2, Điều 14 quy định: thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo thời hạn nộp thuế nhập khẩu. 

Do đó nhiều doanh nghiệp khi nhập khẩu khai báo hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu để được hưởng 275 ngày ân hạn nộp thuế. Khi hết thời gian ân hạn, doanh nghiệp mới khai báo chuyển mục đích nhập khẩu hàng hóa để tiêu thụ nội địa, như vậy doanh nghiệp chỉ phải nộp thuế GTGT tại thời điểm chuyển đổi mục đích tránh được việc phải nộp vào thời điểm nhập khẩu.

Một vấn đề khác cũng đang có tính thời sự rất cao, Đối với đề xuất giảm thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê nhà, cho thuê mua nhà ở, dự thảo luật quy định giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán 15 triệu đồng/m2 cũng được đề cập. 

ĐB Trần Văn Huynh (tỉnh Kiên Giang) cho rằng: “Việc quy định chỉ giảm thuế GTGT đầu ra cho nhà ở xã hội, theo quy định của pháp luật về nhà ở và nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2, rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, chỉ tập trung đầu tư các căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, thiết kế kiến trúc gia tăng các trường hợp chuyển đổi mục đích xây dựng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để được hưởng ưu đãi. Vì vậy, cần cân nhắc toàn diện trước khi ban hành chính sách này”.

Bên cạnh đó, ĐB Huynh cũng bày tỏ về ngưỡng đăng ký nộp thuế và phương pháp tính thuế, dự thảo luật bổ sung quy định về ngưỡng đăng ký thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, theo đó áp dụng phương pháp khấu trừ đối với cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 1 tỷ đồng trở lên, trừ hộ có cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp trực tiếp trên GTGT và bổ sung quy định về cách xác định GTGT theo phương pháp trực tiếp.

“Tôi đề nghị xem xét quy định mức ngưỡng doanh thu tính thuế thấp hơn phương pháp, phương án đề xuất của Chính phủ vì với mức doanh thu 1 tỷ đồng trên 1 năm thì tỷ lệ các doanh nghiệp thuộc diện áp dụng phương pháp trực tiếp là khá lớn, dẫn đến chưa thể hiện được bước tiến bộ hơn trong quản lý áp dụng thuế GTGT, chưa đáp ứng mục tiêu tiến tới cơ bản thực hiện phương pháp khấu trừ thuế đề ra trong chiến lược cải cách thuế”, ông Huynh nhấn mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại