49 chức danh Quốc hội bầu đạt tín nhiệm cao là… đáng buồn

Khả Danh |

(Soha.vn) - Đây là nhận định của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ĐB Quốc hội khóa XI, XII).

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, trong điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước phát triển tốt thì việc 49 chức danh do Quốc hội bầu được tín nhiệm cao là rất đáng mừng. Tuy nhiên, hiện nay tình hình kinh tế - xã hội có nhiều hạn chế, yếu kém, khuyết điểm như hiện nay mà cả 49 chức danh đều đạt tỷ lệ tín nhiệm cao thì  đánh giá như vậy là không chính xác.

“Kinh nghiệm rút ra từ kết quả kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 ở các địa phương, bộ ngành cho thấy chuyện ‘hòa cả làng’ dễ xảy ra lắm. Đánh giá không chính xác, không công tâm là điều đáng lo vì nó thêm một lần nữa làm mất lòng tin của dân”, GS Thuyết nhận định.


	GS Nguyễn Minh Thuyết

GS Nguyễn Minh Thuyết

Đối với công tác lấy phiếu tín nhiệm, có nhiều ý kiến cho rằng thời gian thảo luận quá ngắn, chỉ riêng chuyện nghiên cứu tài liệu để đánh giá 49 chức danh cũng đã mất rất nhiều thời gian, vậy thì các đại biểu làm thế nào để đánh giá chính xác, công bằng?

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, những vị trí mà đại biểu và người dân quan tâm nhiều nhất là các thành viên Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Viện KSND Tối cao và TAND Tối cao. Nhìn chung, các vị giữ những chức danh này có nhiều hoạt động được biết đến rộng rãi và công việc các vị đó phụ trách có ảnh hưởng rất rõ tới người dân nên đánh giá không phải quá khó.

Chỉ có điều, một số lĩnh vực người dân va chạm hằng ngày như y tế, giáo dục, giao thông, công an, ngân hàng… thì dư luận quan tâm nhiều; một số lĩnh vực khác như ngoại giao, quốc phòng, khoa học,… ít có điều kiện để đánh giá hoặc ít có va chạm để bức xúc hơn. Bởi vậy, đại biểu cần tìm hiểu kỹ để nhìn nhận cho công bằng”, GS Thuyết nói.

Từng có hai khóa là ĐB Quốc hội, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ kinh nghiệm về việc đánh giá là ĐB Quốc hội phải có đầy đủ thông tin, nghiên cứu, cân nhắc kỹ, không để bị chi phối bởi tình cảm hoặc dư luận chưa qua kiểm chứng. 

Ông nói: “Ở các nước khác, khi ứng cử vào một chức danh quan trọng thì ứng viên cần phải trình bày chương trình hành động với Quốc hội. Ở nước ta, tất cả các ứng viên đều không phải cam kết gì, cho nên việc đánh giá sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, ĐB Quốc hội vẫn có thể căn cứ vào các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm, các báo cáo kết quả công tác của Chính phủ, bộ ngành, kết quả chất vấn và những điều báo chí, cử tri phản ánh, những điều bản thân ĐB Quốc hội quan sát, tìm hiểu được qua các kênh chính thống hoặc kênh riêng để đánh giá”.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng thẳng thắn bày tỏ, công tác lấy phiếu tín nhiệm – bỏ phiếu tín nhiệm ở ta còn cồng kềnh và chậm chạp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan trực thuộc Quốc hội có quyền đề nghị đánh giá các chức danh, nhưng trên thực tế lại chưa lần nào làm được việc này. 

Việc lấy phiếu tín nhiệm của ĐB Quốc hội cũng khó, vì phải có 2/3 đánh giá tín nhiệm thấp hoặc 2 năm liền có hơn 50% ĐB Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì mới xem xét đưa ra Quốc hội để bỏ phiếu.

“Việc bỏ phiếu tín nhiệm với một chức danh do Quốc hội bầu phải cần tới hai năm, chưa kể thêm thời gian năm đầu tiên được bầu. Quy định này không phù hợp với Luật HĐGS của Quốc hội, vì theo Luật thì chỉ cần có kiến nghị của 20% tổng số ĐB Quốc hội là đã phải bỏ phiếu tín nhiệm rồi, chứ không cần tới 2/3 tổng số ĐB Quốc hội hoặc chờ tới 2 năm”, GS Thuyết nói.

Cuối cùng, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, đây là giai đoạn quá độ, cho dù còn nhiều điều cần phải điều chỉnh trong công tác lấy phiếu tín nhiệm – bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng việc đưa được công tác này áp dụng vào cuộc sống cũng là rất đáng mừng. Hy vọng tới kỳ họp Quốc hội tới công tác đánh giá tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu sẽ mạch lạc hơn.

“Tuy nhiên, tôi phải nói rằng việc đưa ra ba tiêu chí đánh giá như hiện nay (tín nhiệm cao – tín nhiệm – tín nhiệm thấp) dễ tạo ra tâm lý xuề xòa, không bỏ phiếu tín nhiệm cao thì cũng bỏ phiếu tín nhiệm, chứ ít khi đưa nhau xuống tận hạng cuối cùng. 

Cho nên theo tôi thì ĐB Quốc hội nên nghĩ theo hướng tích cực, tức là lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là để tìm ra nhân sự phù hợp nhất, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ nhất định, chứ không phải để kỷ luật ai, như vậy thì mới dẹp bỏ được tâm lý nể nang, để hướng tới sự phát triển chung của đất nước”, GS Thuyết bày tỏ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại