Đề nghị không thành lập Toà án Hiến pháp

Khả Danh |

(Soha.vn) - Ủy ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, xuất phát từ đặc điểm mô hình tổ chức bộ máy và điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay thì việc thành lập Tòa án Hiến pháp với chức năng tài phán là không phù hợp.

Cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành là phù hợp

Ông Phan Trung Lý - Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho biết, về cơ bản các ý kiến của nhân dân đều tán thành việc bổ sung một chương mới về các thiết chế Hiến định độc lập.

Về Hội đồng Hiến pháp (Điều 120) hiện có hai loại ý kiến chính: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không nên thành lập Hội đồng Hiến pháp mà duy trì cơ chế bảo Hiến hiện hành, bởi vì việc bổ sung thiết chế mới này trong khi chưa rõ vị trí, nguyên tắc hoạt động và cơ chế phối hợp với các cơ quan khác, dễ dẫn đến sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, làm cồng kềnh bộ máy, dẫn tới hoạt động không hiệu quả.

Loại ý kiến thứ hai tán thành sự cần thiết phải thành lập Hội đồng Hiến pháp, nhưng đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ quyền hạn đối với thiết chế này cho phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.

Đề nghị không thành lập Toà án Hiến pháp
 

Theo quan điểm của UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp thì Hiến pháp hiện hành đã xác định cơ chế bảo vệ Hiến pháp thông qua các quy định về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là về Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành cơ bản phù hợp với tính chất và đặc điểm mô hình tổ chức của bộ máy nhà nước ta, nhưng thực tiễn thời gian qua cho thấy cơ chế này chưa thực sự hiệu quả nên cần phải tiếp tục được hoàn thiện.

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, việc xây dựng cơ chế bảo vệ Hiến pháp đã được thể hiện trong các nghị quyết của đại hội X, XI và tranh luận tại hội nghị trung ương 5 khóa XI cũng chỉ rõ “nghiên cứu các mô hình các cơ quan bảo vệ Hiến pháp phù hợp với thể chế chính trị và điều kiện cụ thể của nước ta”.

“Do đó, cùng với việc tiếp tục khẳng định và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, dự thảo đề xuất phương án thành lập Hội đồng Hiến pháp, quy định về Hội đồng Hiến pháp trong dự thảo không mâu thuẫn với quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, đồng thời thể hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp – hành pháp – tư pháp”, ông Lý nói.

Ủy ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội hai phương án:

Phương án một, tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng dân tộc, Các UB Quốc hội và các cơ quan khác của nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp.

Phương án hai, thành lập Hội đồng Hiến pháp như trong dự thảo.

Ông Phan Trung Lý cho biết thêm, có ý kiến đề nghị cần thành lập cơ quan bảo Hiến độc lập như Tòa án Hiến pháp để có chức năng phán quyết các hành vi vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp – hành pháp – tư pháp.

“Về vấn đề này, UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, xuất phát từ đặc điểm mô hình tổ chức bộ máy và điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay thì việc thành lập Tòa án Hiến pháp với chức năng tài phán là không phù hợp”, ông Lý nhấn mạnh.

Đề xuất Chủ tịch nước có quyền cách chức Tổng tham mưu trưởng

Liên quan tới dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, chiều qua, ông Phan Trung Lý đã thông tin về các ý kiến về vai trò của Chủ tịch nước với hoạt động hành pháp:

Ủy ban soạn thảo Hiến pháp nhận thấy, Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nhà nước về đối nội, đối ngoại. Trong một số trường hợp cần thiết, Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề mà Chủ tịch nước quan tâm nhằm giúp Chủ tịch nước thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Do đó, UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp chỉnh lý và trình Quốc hội cho ý kiến về nội dung này theo hướng: “Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”.

Về thẩm quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang, có ý kiến cho rằng có nên cân nhắc Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang như trong Hiến pháp? Về vấn đề này, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp nêu quan điểm: Quy định về vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước là kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992.

Mặt khác, các quy định về phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, bổ nhiệm, cách chức các chức danh trong lực lượng vũ trang nhân dân hoặc giữ chức vụ chủ tịch quốc phòng và an ninh đã làm rõ hơn nội hàm thẩm quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước.

Về thẩm quyền phong hàm cấp tướng và bổ nhiệm các chức danh trong quân đội nhân dân Việt Nam tại khoản 5 Điều 93 có hai loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị ngoài thẩm quyền phong hàm cần bổ sung quy định về thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng thời, ngoài việc bổ nhiệm cần bổ sung việc miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, Chủ tịch nước với tư cách là thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân nên cần thiết phải quy định thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ Tư lệnh quân khu, quân chủng, quân đoàn và tương đương, vì đây là các chức danh chỉ huy quân đội chứ không phải là chức danh quản lý nhà nước.

Ủy ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, căn cứ vào mô hình tổ chức bộ máy của nhà nước ta và thực tiễn công tác cán bộ hiện nay, việc Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam là phù hợp.

Do đó, UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp dự kiến chỉnh lý để trình Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung các trường hợp về phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân trong các lực lượng vũ trang nhân dân và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam cho đầy đủ và phù hợp.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại