Lời tòa soạn: Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vào tháng 2/1979 do Trung Quốc phát động xâm lược Việt Nam đã qua đi được 35 năm. Chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả loạt bài về Chiến tranh biên giới phía Bắc.
>> Bài 1: Tướng Lương: Dù TBT Lê Duẩn đã dự kiến, tôi vẫn chưa tin TQ đánh
>> Bài 2: Quân TQ năm 1979: "Chưa thấy đội quân nào ô hợp, hôi của như thế"
>> Bài 3: Chiến tranh biên giới năm 1979: VN đã tuân thủ ý kiến TBT Lê Duẩn
>> Bài 4: "Vì sao năm 1979 Trung Quốc không dám đem máy bay đánh VN?"
>> Bài 5: "Lá đơn đặc biệt" 2 ngày sau khi TQ xâm lược VN năm 1979
>> Bài 6: "Triệu Tử Long của Việt Nam" và chuyện đánh Trung Quốc năm 1979
Tiếp tục câu chuyện với chúng tôi, “tướng Triệu Tử Long” của Việt Nam nhớ lại: “Hỏa lực của địch rất mạnh. Pháo của Trung Quốc ngày đó mạnh hơn của Việt Nam. Pháo Việt Nam bắn ngắn hơn và tần suất bắn ít hơn rất nhiều. Quân Việt Nam bắn 1 nhát thì địch bắn 20 – 30 nhát. Với điều kiện khi đó, chúng ta chỉ dùng pháo khi phát hiện vị trí họ tập trung”.
“Tôi còn nhớ, trận chiến khốc liệt nhất là trận chiến ở cao điểm 1100. Ngày đó, do tình hình chiến sự nên chúng tôi đã phải nhờ đến sự tăng cường của Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 390 do Thượng tá Nguyễn Khắc Nghiên (sau này là Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên – nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) chỉ huy.
Lúc đó, địa hình bên ta núi có đất hoàn toàn, còn bên địch là núi đá. Địch bắn pháo để mở rào rồi dùng bộ binh để tấn công. Ban đầu chúng ta dùng pháo để tấn công khiến địch bị tổn thất nặng nề nhưng chúng ta cũng gặp phải một số vấn đề. Nguyên nhân là địch ở trên cao, còn chúng ta ở vị trí thấp hơn. Khi pháo của chúng ta bắn ra thì bị lộ mục tiêu và ngay sau đó, quân Trung Quốc dùng pháo binh để bắn vào vị trí phát hiện mục tiêu có pháo.
Rút kinh nghiệm, chúng ta sử dụng chiến thuật là ở chắc trong công sự tấn công ra và dùng mìn. Trận ấy, địch bị thương khá nhiều. Quân ta phòng ngự tại vị trí đó là một tiểu đoàn (khoảng hơn 400 người). Số lượng địch phải hơn 1 tiểu đoàn (khoảng 600 quân).
Họ quyết chiếm cao điểm 1100 nên đã tấn công 2 lần nhưng lần nào cũng bị quân Việt Nam đánh bật ra. Đây cũng là trận mà họ đánh dài ngày nhất: họ bắn pháo trong khoảng 1 ngày rưỡi nhưng công sự của ta chắc chắn, không bị sập chiếc nào, các chiến sỹ của ta vẫn an toàn. Sau khi bắn pháo , đến ngày thứ 2, địch dùng hỏa lực bắn dồn dập rồi mới đưa bộ binh tấn công. Chúng ta đã biết thủ đoạn đó nên dã có biện pháp để đánh chặn.
Đánh xong trận đó, anh Nghiên nói với tôi: “Em đã hoàn thành nhiệm vụ”. Tôi đáp lại anh Nghiên là: “Sư đoàn đánh giá trung đoàn của đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ””.
Lính Trung Quốc bị bắt tại Cao Bằng (Ảnh tư liệu)
Trong khoảng thời gian ở Vị Xuyên, có lẽ kỷ niệm khó quên nhất đối với Đại tá Trần Minh Vân là việc ông cùng Sư đoàn đã đổi tên một loạt các địa danh mà ai mới nghe lần đầu hẳn cũng sẽ phải rùng mình.
“Ở Vị Xuyên ngày ấy, tại các giao thông hào đi xuống các đơn vị, một số được các chiến sỹ đặt nhiều tên nghe rất kinh khủng như Cối Xay Thịt, Lò Vôi Thế Kỷ, Thác Gọi Hồn, Ngã Ba Cửa Tử… Đó chính là những địa điểm trước đây đã xảy ra những trận chiến khốc liệt và đã có những hy sinh tại đó.
Lúc đó, tôi nghĩ rằng, nếu để nguyên những tên gọi như vậy thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của các chiến sỹ. Vì thế, sư đoàn đã phát động phong trào thanh niên thi đua đặt lại tên cho những địa danh đó”.
Sau khi đã đặt lại tên và có những tổng kết, đại tá Trần Minh Vân cho hay: “Việc đặt tên đó có tác động rất lớn: tác động tư tưởng làm cho anh em khi đi qua đó thì đỡ ngại hơn, tinh thần anh em hăng hái hơn, không có cảm giác rợn người, tránh việc làm cho anh em hoang mang, dao dộng”.
Nhớ về kỷ niệm khiến ông xúc động nhất ở chiến trường Vị Xuyên, người lính già kể lại: “Hình ảnh khiến tôi cảm động nhất là khi xuống thấy các anh em vận chuyển thương binh về hầm. Một chiến sỹ bị thương khi đó thì cần phải có nhiều người mới đem xuống được bởi việc đưa từ trên núi xuống rất khó. Có những chỗ anh em phải cõng nhau để chạy chứ không bò hay khiêng được.
Có những lúc địch bắn rát quá thì mình phải chờ thời cơ khi địch dừng bắn thì mình mới vận chuyển được anh em. Những khi phải để anh em chịu đau chờ thời cơ để vận chuyển xuống công sự như vậy tôi rất đau lòng nhưng cũng không thể làm gì hơn bởi tôi không thể để anh em bị thương 2 lần được.
Tôi luôn đau đáu về việc cứu thương. Khi nhìn những thương binh dưới công sự để cứu chữa, tôi rất thương anh em. Những hình ảnh đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và phải rút kinh nghiệm từng ngày, từng tuần, từng tháng để hạn chế những hy sinh của anh em. Chỉ cần anh em báo lên có người bị thương thì ngay lập tức tôi phải tìm hiểu nguyên nhân. Nếu là do di chuyển thì phải củng cố công sự và tổ chức di chuyển như thế nào để giảm thiểu thương vong. Còn nếu là do quân địch tấn công thì phải tìm cách để củng cố trận địa.
Nhiều anh em bị thương khi đang làm nhiệm vụ cứu thương và vận tải chứ anh em chốt ở phía trên thì ít bị thương. Đó là những người vận chuyển đạn dược và cứu thương. Đó là những người không ở dưới công sự nên dễ bị thương nhất. Từ đó, rút kinh nghiệm, chúng tôi đào hào để di chuyển nhưng pháo bắn mạnh thì giao thông hào chưa chắc đã chịu nổi”, đại tá Trần Minh Vân xúc động mạnh.
Một trong những kỷ niệm khiến ông xúc động không kém chính là hình ảnh những người phụ nữ không quản hiểm nguy đã lên tận chiến trường để thăm hỏi và động viên các chiến sỹ trong các đơn vị chiến đấu ngày ấy. Đại tá Vân kể: “Phía sau chúng tôi, thị xã Hà Giang thì đã hòa bình nhưng trước mặt chúng tôi là quân lính Trung Quốc. Chỉ có hơn chục cây số mà phía sau là hòa bình, phía trước là chiến tranh ác liệt, hy sinh.
Có một lần chị em Hội phụ nữ tỉnh Sông Bé ra thăm. Những người lính khi đó rất quý những chị em phụ nữ đã không quản bom đạn lên thăm hỏi. Ngày ấy, được các chị em tặng quà và động viên nên tinh thần anh em rất phấn chấn. Các chị em hỏi chúng tôi: “Các anh, các em cần gì?”. Các anh em bảo rằng: “Các bác, các má, các chị lên động viên là tốt lắm rồi, không cần chi viện gì thêm”. Với chúng tôi, sự động viên của những người phụ nữ chẳng sợ bom đạn đó là quá đủ rồi…
Câu chuyện của về cuộc chiến tranh biên giới của đại tá Trần Minh Vân – vị dũng tướng trong các trận chiến khốc liệt - chỉ kết thúc khi trời đã về chiều. Tiễn tôi ra tận đường cái với lời dặn dò nếu có thời gian rảnh lại về thăm ông, tôi không khỏi xúc động trước hình ảnh về người lính già trong cái nắng chiều xiên của một ngày cuối tháng 7 trên mảnh đất nhiều dấu ấn lịch sử này.