"Triệu Tử Long của Việt Nam" và chuyện đánh Trung Quốc năm 1979

Hồng Chính Quang |

(Soha.vn) - Đại tá Trần Minh Vân cho hay: “Quân Việt Nam không bao giờ sang trận địa quân TQ. Chỉ sau này sang mới biết quân TQ tử trận khá nhiều".

Lời tòa soạn: Báo điện tử Trí Thức Trẻ xin tiếp tục giới thiệu tới độc giả loạt bài về Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.

>> Bài 1: Tướng Lương: Dù TBT Lê Duẩn đã dự kiến, tôi vẫn chưa tin TQ đánh
>> Bài 2: Quân TQ năm 1979: "Chưa thấy đội quân nào ô hợp, hôi của như thế"
>> Bài 3: Chiến tranh biên giới năm 1979: VN đã tuân thủ ý kiến TBT Lê Duẩn
>> Bài 4: "Vì sao năm 1979 Trung Quốc không dám đem máy bay đánh VN?"

>> Bài 5: "Lá đơn đặc biệt" 2 ngày sau khi TQ xâm lược VN năm 1979

Qua sự giới thiệu của Anh hùng, Viện sỹ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và Quân đoàn 1, chúng tôi tìm đến nhà của Anh hùng, Đại tá Trần Minh Vân  – nguyên Sư trưởng Sư đoàn 312 (quân đoàn 1) ở Thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Vốn là người con đất võ Bình Định, Đại tá Trần Minh Vân đã từng ở chiến trường Quảng Trị, tham gia chiến đấu trên 300 trận đánh, lập nhiều chiến công oanh liệt, bị thương 14 lần và được mang biệt danh “Triệu Tử Long”.

Là một vị sư trưởng của một sư đoàn tiếng tăm lừng lẫy nên không khó để chúng tôi có thể hỏi thăm đến nhà ông. Căn nhà tình nghĩa của Đại tá Trần Minh Vân được Bộ Tư lệnh Binh đoàn Quyết Thắng xây tặng nằm cạnh một con suối gần Quốc lộ 1A, trên khu vực Quân đoàn 1 đóng quân. Hẹn qua điện thoại, sợ phóng viên trẻ không biết nhà, phải đi tìm giữa trời nắng, ông ra tận cổng đón tôi.

Sau khi nghe ý định viết bài về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của chúng tôi, ông đồng ý rồi trầm ngâm nhìn ra cây sung ven suối. Ông kể: “Ngày 31/3/1987, nhận được lệnh của Bộ Tổng tham mưu, Sư đoàn 312 lên Vị Xuyên (Hà Giang) từ ngày 25/6/1987 đến ngày 2/7/1988. Quân số của Sư đoàn khi đó khoảng gần 10.000 người. Nơi chúng tôi đóng quân ngày đó là ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Ngày đó chúng tôi phải đối diện với Trung đoàn 241, Trung đoàn 24 của Sư đoàn 79 thuộc Tập đoàn quân 27”.

Xẻ núi đưa pháo lên điểm tựa (Ảnh: Nhà báo Đào Văn Sử/báo QĐND)
Xẻ núi đưa pháo lên điểm tựa (Ảnh: Nhà báo Đào Văn Sử/báo QĐND)

Nhớ lại khu vực đóng quân năm xưa, người lính già chia sẻ: “Cùng đóng trên 2 quả núi nhưng quân Trung Quốc ngày đó ở vị trí cao hơn, còn ta ở vị trí thấp hơn. Tuy nhiên, khoảng cách tương đối xa (khoảng 200-300 mét), muốn đánh được ta, địch phải vượt qua một vực. Địa hình của bên ta khi đó là nửa đất nửa đá, còn bên địch hoàn toàn là đá”.

Theo Đại tá Trần Minh Vân, trong chiến thuật phòng ngự thì yếu tố quan trọng nhất là công sự. Nếu công sự vững chắc thì trận địa vững chắc. Công sự vững chắc sẽ làm cho tư tưởng của bộ đội an tâm hơn, khi nghỉ ngơi cũng đàng hoàng hơn, tránh bom đạn của địch, giảm thiểu thương vong . Với địa hình nửa đất, nửa đá thì chúng ta có thể đào công sự dễ dàng hơn so với địa hình chỉ có đá. Địa hình chỉ có đá thì khó cải tạo làm công sự nhưng đất thì dễ sạt lở vì đất đó là đất pha cát sỏi.

Đại tá Trần Minh Vân tự hào: “Trong thời gian khoảng 7 tháng, Sư đoàn 312 đã làm 937 công sự và cũng khá tốn kém. Cho đến thời điểm đó, Sư đoàn 312 là Sư đoàn đào được nhiều công sự nhất trong số các đơn vị đã chiến đấu ở Vị Xuyên.

Địch đánh nghi binh nhiều nên trước khi mình xây dựng trận địa thì mình phải căn cứ vào cách đánh và địa hình để xây dựng công sự làm sao để có thể hỗ trợ lẫn nhau và chi viện cho nhau. Còn bên địch, họ bố trí nhiều trận địa cối hướng sang bên ta. Đồng thời, do địa hình toàn là núi đã nên họ đã lợi dụng các điểm cao, các hang đá để xây dựng hệ thống công sự trận địa kiên cố vững chắc cùng với các bãi mìn phía trước”.

Với tình hình chiến sự khi đó không dồn dập như tháng 2/1979, Đại tá Trần Minh Vân chia sẻ thêm về cách đánh địch: “Cách đánh là mình phải lợi dụng thời cơ bất ngờ nhất để đánh địch. Khi địch tấn công ta sẽ lộ sơ hở và chúng ta phải tận dụng sơ hở đó để tấn công lại chứ không đánh phủ đầu. Chính vì thế, anh em rất tự tin tổ chức chiến đấu trong thế phòng ngự và luôn sẵn sàng tấn công khi có thời cơ. Với chiến thuật như vậy, chúng ta đã hạn chế được thương vong và rút kinh nghiệm được nhiều.

Với trận địa phòng thủ - tấn công đó, khi chiến đấu, công tác hậu cần rất quan trọng: chuẩn bị vũ khí, đạn dược. Chúng tôi không những phải đào hầm dự trữ cho lương thực mà còn phải đào hầm cho vũ khí đạn dược. Thời kỳ đó ở Vị Xuyên mưa gió thất thường với độ ẩm rất cao nên không cẩn thận thì sẽ ẩm hết cả đạn dược. Tôi còn nhớ ngày đó, nhiều khi không chỉ phải hong khô người mà còn phải hong khô cả đạn dược”.

Suốt câu chuyện với ông, chúng tôi được nghe ông nhắc rất nhiều về những người lính bị thương và công tác cứu chữa cho thương binh. Vị Đại tá già nhớ lại: “Một công tác vô cùng quan trọng là đảm bảo cho thương bệnh binh. Vì mình và địch ở gần, địa hình rất phức tạp nên việc vận chuyển thương binh ở địa hình đó không hề đơn giản. Địa hình phòng ngự là núi đá nên khi chiến đấu phòng ngự, các chiến sỹ phải leo lên các vị trí cao.

Tôi còn nhớ, có những chiến sỹ bị thương trên các mỏm đá cao như ngọn cây nên việc đưa thương binh xuống rất khó khăn. Đầu tiên là phải ròng dây như ròng rọc, sau đó 2 người phải đẩy cáng ra rồi thả dần, thả dần để cho thương binh nằm đúng vào chiếc cáng rồi khiêng đi. Công việc này không như ở đồng bằng”.

Theo Đại tá Trần Minh Vân, ngày đó chiến đấu, quân Trung Quốc dùng hỏa lực bắn phá ác liệt về phía ta rồi tổ chức lực lượng bộ binh tấn công ta thành nhiều hướng. Tuy nhiên, nhờ thế trận bố trí phòng ngự nên dù có một số lính Trung Quốc tấn công ta nhưng đã bị ta phục kích và tiêu diệt. Chính vì sợ bị phục kích nên họ chủ yếu bắn pháo sang.

“Trong thời kỳ tôi ở đó, họ tấn công bằng bộ binh khoảng 5 - 6 lần nhưng lần nào cũng bị quân ta chặn đứng. Quân ta ở trong công sự bắn ra khiến họ sợ mà phải bỏ chạy. Nhưng chúng ta cũng không ra khỏi công sự để truy kích được bởi nếu ra khỏi công sự là ngay lập tức bị bắn ngay. Pháo binh của Trung Quốc bắn rất chính xác.

Mình phòng ngự gần với quân Trung Quốc, nhưng quân Việt Nam không bao giờ sang bên trận địa của quân Trung Quốc. Sau này hòa bình rồi, anh em tôi sang cửa khẩu Thanh Thủy, thấy nghĩa trang bên đó thì mới biết quân Trung Quốc tử trận cũng khá nhiều”, Đại tá Trần Minh Vân nói.

Đại tá Trần Minh Vân cũng cho hay: “Ở trận địa ở Hà Giang không có hiện tượng lính Trung Quốc ôm cột mốc di chuyển sang bên Việt Nam và hôm sau, quân Việt Nam lại ôm cột mốc chôn lại vị trí cũ bởi trận địa bên Vị Xuyên Hà Giang có địa hình rất khó di chuyển mà chỉ có ở trận địa bên Lạng Sơn bởi bên đó trận địa bằng phẳng hơn”.

(còn nữa)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại