Quân TQ năm 1979: "Chưa thấy đội quân nào ô hợp, hôi của như thế"

Hồng Chính Quang |

(Soha.vn) - Nói về lính Trung Quốc, tướng Lương chia sẻ: “Trang bị của quân Trung Quốc làm cho chúng tôi thấy rất bất ngờ bởi sự yếu kém của họ".

Lời tòa soạn: Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vào tháng 2/1979 do Trung Quốc phát động xâm lược Việt Nam đã qua đi được 35 năm. Dù Trung Quốc đã rút quân vào đầu tháng 3/1979 nhưng những hy sinh mất mát của người Việt Nam chỉ kết thúc thực sự vào năm 1989, sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Để giúp bạn đọc có những góc nhìn đầy đủ hơn về cuộc chiến bảo vệ từng tấc đất biên cương của quân và dân Việt Nam cũng như bản chất của hành động gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học” từ Đặng Tiểu Bình, chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả loạt bài về Chiến tranh biên giới phía Bắc.

>> Bài 1: Tướng Lương: Dù TBT Lê Duẩn đã dự kiến, tôi vẫn chưa tin TQ đánh

Kể tiếp về cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979, Thiếu tướng Lê Mã Lương chia sẻ: “Qua dự kiến của Tổng Bí thư Lê Duẩn khi đó, rõ ràng về mặt chiến lược Việt Nam không bị động bởi đã có sự dự kiến lực lượng Trung Quốc sang xâm lược Việt Nam. Đó là một dự kiến về mặt chiến lược, không gian chiến trường. Dù Bộ Chính trị không hề mất cảnh giác nhưng ở cấp dưới trong đó có cả tôi cũng suy nghĩ rằng: Không lẽ nào một nước XHCN với diện tích lớn như Trung Quốc lại đem quân đi đánh một nước XHCN có diện tích nhỏ hơn như Việt Nam mà chỉ có thể có những xung đột ở vùng này, vùng kia. Tuy nhiên, trong thâm thâm cũng như khi đi nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, tôi đều xác định cho anh em chúng ta sẵn sàng chiến đấu, mọi thứ có thể thay đổi: Trung Quốc có thể lật lọng với những cam kết với Việt Nam; Trung Quốc có thể phát động một cuộc chiến lớn như Nghị quyết của Trung ương. Và hơn lúc nào hết, Việt Nam phải chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu mới.

Đúng như Tổng Bí thư Lê Duẩn dự kiến, ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã phát động một cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Trước đó, trong suốt thời gian đầu năm 1979, các đơn vị phía biên giới thường xuyên có những kiểm tra và báo động. Khi đó, chúng ta liên tục chuyển trạng thái: từ thấp lên cao nhất – trạng thái “toàn bộ” rồi lại hạ nhiệt xuống “lên cao” rồi xuống nữa là “thường xuyên”. “Thường xuyên” là mức trực chiến thấp nhất. Chính khi chúng ta bước vào mức độ chiến đấu “trạng thái thường xuyên” thấp nhất (bộ đội không còn trong trạng thái căng thẳng nhất) thì Trung Quốc phát động chiến tranh trên toàn tuyến biên giới phía Bắc hơn 600 km ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc từ Quảng Ninh cho đến Lai Châu.

Bệnh viện huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) bị quân Trung Quốc tàn phá tháng 2/1979 (Ảnh tư liệu)
Bệnh viện huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) bị quân Trung Quốc tàn phá tháng 2/1979 (Ảnh tư liệu)

Chúng ta phải đối diện với 60 vạn quân Trung Quốc trên 1 tuyến biên giới rộng lớn. Trong khi đó, về phía ta, chủ yếu là quân ở sư đoàn 316 – một trong những sư đoàn thiện chiến của quân đội thuộc quân khu 2. Việt Nam đưa thêm Sư đoàn 3 từ miền Trung cũng là một sư đoàn thiện chiến ra Lạng Sơn từ 8/1978.

Chúng ta xác định, nếu chiến tranh xảy ra thì Lạng Sơn sẽ là hướng chủ yếu. Vì thế, Sư đoàn 3 ra ngay Thị xã Lạng Sơn để sẵn sàng đánh địch. Các đơn vị khác trên tuyến biên giới như sư đoàn 395 và Sư đoàn 345 hầu hết là các sư đoàn làm kinh tế, làm đường dọc tuyến biên giới được lệnh khẩn trương, cấp tốc trang bị lại để bước vào cuộc chiến đấu.

Khi đó tôi thuộc Sư đoàn 395 ở Quảng Ninh. Các đơn vị chủ lực khác của Việt Nam đang bị hút vào biên giới Campuchia. Còn Quân đoàn 1 thì án binh bất động để giữ Trung ương và hậu phương, đề phòng địch sử dụng quân dù nhảy thẳng vào Thủ đô Hà Nội hòng chia cắt hậu phương với tiền tuyến. Quân đoàn 1 sẵn sàng chiến đấu ở hậu phương.

Khi bước vào cuộc chiến đấu tháng 2/1979, tinh thần của nhân dân Việt Nam nói chung và các tỉnh phía Bắc sục sôi. Nhất là khi có sự phát lệnh tổng động viên, một không khí chống quân Trung Quốc xâm lược sục sôi từ Hà Nội lên đến các tỉnh biên giới phía Bắc sẵn sàng chiến đấu ở ngày đầu tiên. Nhân dân theo hướng dẫn tự đào hầm, hố như thời chống Mỹ để nếu quân Trung Quốc chia các mũi tiến về Hà Nội thì có thể sẵn sàng chiến đấu.

Tôi còn nhớ như in, tại thời điểm đó, nhân dân bình tĩnh, hết sức lạc quan và không hề tỏ ra sợ Trung Quốc. Còn phía trước, bộ đội ta với tinh thần được quán triệt quân Trung Quốc đông nhưng không mạnh. Đánh giá này của Trung ương về Trung Quốc có ý nghĩa rất lớn về mặt chiến lược”.

Theo tướng Lê Mã Lương, đội quân xâm lược Việt Nam tháng 2/1979 là quân giải phóng nhân dân Trung Quốc được trang bị rất kém: một khẩu súng trường, một chiếc ba lô với những thứ gì đó đảm bảo cho cuộc chiến đấu dài ngày.

“Trang bị của quân Trung Quốc làm cho chúng tôi thấy rất bất ngờ bởi cho đến năm 1979 mà trang bị cho quân đội của Trung Quốc lại yếu kém, ô hợp và hôi của như thế. Khi lực lượng chiến đấu của Trung Quốc đi trước hoặc chiếm được những vị trí, những đường phố của ta thì phía sau là đội quân dân binh rất đông vừa đảm bảo sức chiến đấu quân Trung Quốc nhưng lại là đội quân ô hợp để hôi của. Họ vào nhà dân vơ vét tất cả những gì có thể dùng được. Trong lịch sử, tôi chưa từng thấy một quân đội của một nước lớn nào phát động chiến tranh lại đưa dân binh đi để vơ vét của cải như thế. Thậm chí họ còn bắt gà, bắt lợn và xuống ao để bắt cá. Nếu không dùng được thì cho bộc phá giật nổ. Hành động của quân Trung Quốc khiến tôi liên tưởng đến năm 1945 khi quân Tàu – Tưởng sang Việt Nam đi giải giáp quân đội Nhật. Không thể tưởng tượng được quân đội của một nước mạnh như Trung Quốc lại vô kỷ luật như vậy. Bộ đội Việt Nam rất ngạc nhiên về hành động của lính và dân binh Trung Quốc”, tướng Lê Mã Lương nói.

Thiếu tướng Lê Mã Lương kể tiếp: “Trên hướng chúng ta dự kiến là hướng chủ đạo, đã có những trận đấu hết sức quyết liệt và những chiến sỹ của Sư đoàn 3 – một trong những sư đoàn dũng cảm ở miền Nam, đã chặn đứng quân địch, không để cho quân địch phát động những cuộc hành quân ồ ạt hoặc tiến sâu vào vùng nội địa của Việt Nam. Cùng với Sư đoàn 3, trên hướng Tây Bắc, Sư đoàn 316 là một trong những sư đoàn chặn đứng cuộc hành binh của Trung Quốc tiêu diệt hàng đại đội lính Trung Quốc - điều mà quân Trung Quốc không thực hiện được đối với quân Việt Nam.

Chưa có trận đánh nào quân Trung Quốc làm tê liệt nổi một đại đội của Việt Nam. Trong khi đó bộ đội ta tổ chức những trận đánh tiêu diệt gọn một đại đội của quân Trung Quốc. Đó mới chỉ là những trận đánh của các Sư đoàn chứ chưa phải là sư đoàn cơ động - chủ lực của quân đội Việt Nam. Suốt cho đến cuối tháng 2, đầu tháng 3/1979, mặc dù quân Trung Quốc đã phá hủy 5 thị xã, thị trấn: Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Phong Thổ, Lào Cai nhưng các đơn vị biên phòng, lực lượng tự về, sư đoàn làm kinh tế cùng 2 sư đoàn chiến đấu tinh nhuệ của ta là Sư đoàn 3 và Sư đoàn 316 đã chặn đứng những bước tiến của quân địch.

Trong kế hoạch của quân đội Trung Quốc, nếu như có thể tiến sâu về Hà Nội thì cố gắng tiến sâu nhưng đã không một đơn vị nào của Trung Quốc có thể vượt qua tuyến một (tuyến các tỉnh biên giới) để xuống tuyến hai và hướng về Hà Nội. Hai bên quần thảo với nhau ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc chứ quân Trung Quốc chưa tiến được sâu hơn. Chúng ta đã chặn được ý đồ của Đặng Tiểu Bình khi phát động cuộc chiến xâm lược Việt Nam “dạy cho Việt Nam một bài học”.

(còn nữa)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại