>> Bài 1: Tướng Lương: Dù TBT Lê Duẩn đã dự kiến, tôi vẫn chưa tin TQ đánh
>> Bài 2: Quân TQ năm 1979: "Chưa thấy đội quân nào ô hợp, hôi của như thế"
>> Bài 3: Chiến tranh biên giới năm 1979: VN đã tuân thủ ý kiến TBT Lê Duẩn
>> Bài 4: "Vì sao năm 1979 Trung Quốc không dám đem máy bay đánh VN?"
Lời tòa soạn: Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vào tháng 2/1979 do Trung Quốc phát động xâm lược Việt Nam đã qua đi được 35 năm. Dù Trung Quốc đã rút quân vào đầu tháng 3/1979 nhưng những hy sinh mất mát của người Việt Nam chỉ kết thúc thực sự vào năm 1989, sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Để giúp bạn đọc có những góc nhìn đầy đủ hơn về cuộc chiến bảo vệ từng tấc đất biên cương của quân và dân Việt Nam cũng như bản chất của hành động gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học” từ Đặng Tiểu Bình, chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả loạt bài về Chiến tranh biên giới phía Bắc.
Trong câu chuyện với chúng tôi, cựu binh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là giảng viên trường ĐH Phương Đông), tác giả bài thơ Bình độ 400 nổi tiếng còn cung cấp một lá đơn xin chiến đấu được chép lại mà ông cất giữ như một kỷ vật hết sức thiêng liêng.
Theo lời ông Hùng kể, chập tối ngày 22 tháng 2 năm 1979, những người lính Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn An Lão, Sư đoàn Sao Vàng, mặt trận Lạng Sơn, đang chiến đấu lấy lại đồi Thâm Mô (gần thị xã Đồng Đăng) thì "tóm" được một thanh niên nhỏ nhắn, da đen, nhanh nhẹn tên Thành, mang theo lá đơn xin chiến đấu.
"Anh Thành cho biết đã bắt tàu từ Hà Nội lên và đưa cho chỉ huy đơn vị một lá đơn xin cầm súng chiến đấu "Kính gửi các thủ trưởng đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam". Trong đơn, anh Thành bày tỏ không thể ngồi yên học hành khi đồng bào và đồng chí của anh đang đổ máu trên tuyến đầu Tổ quốc bảo vệ từng tấc đất thân yêu. Và anh khẩn thiết đề nghị các thủ trưởng hãy cho anh sống, chiến đấu tại nơi đây... Sau khi xem xét đơn các thủ trưởng đã đồng ý với lá đơn đề nghị của anh.
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu như không có sự việc chỉ sau vài tiếng đồng hồ nộp đơn từ đêm hôm đó đến sáng hôm sau, anh Thành đã không còn nữa. Những người đồng đội đã xác nhận, anh ấy đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh tại mặt trận...", ông Hùng bùi ngùi kể lại
Năm 1980 nhận hồ sơ, khi lập danh sách đề nghị tiểu đoàn chuyển trung đoàn công nhận liệt sỹ Phạm Quang Thành, đơn vị đã xác định được quê quán của anh ở xóm 2, thôn Mỹ Bổng, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình..
Trong di vật còn lại được gửi về lên cấp trên bao gồm một số ảnh tập thể sinh viên, thư của người bạn gái, bản chính đơn xin chiến đấu...
Cũng theo ông Hùng cho biết, liệt sỹ Thành từng tham gia chiến đấu và là thương binh chống Mỹ nhưng vẫn quyết tâm, tự nguyện xung phong lên chiến đấu, anh dũng ngã xuống ở mặt trận biên giới phía Bắc.
Ông Hùng tâm sự: "Anh Thành nộp đơn xong rồi cầm súng chiến đấu luôn cùng đơn vị và hy sinh ngay trong đêm ác liệt đó nên nhiều anh em vẫn còn chưa biết rõ mặt mà chỉ biết qua những tấm ảnh trong di vật còn lại.
Hơn 35 năm rồi nhưng chúng tôi vẫn không thể nào quên về anh, một trường hợp rất đặc biệt, đi hàng trăm km lên nộp đơn, chiến đấu và hy sinh chỉ vài giờ sau đó. Tuy nhiên, chỉ có điều canh cánh đến giờ là không biết biết gia đình đã tìm và đưa anh về với quê hương chưa. Thực sự, chiến tranh quá ác liệt và nếu không có nó, có lẽ, anh Thành đã có thể sống và cống hiến cho đất nước nhiều hơn..."
Nội dung lá đơn của Phạm Quang Thành:
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập -Tự do - Hạnh phúc
ĐƠN XIN CHIẾN ĐẤU
Kính gửi các thủ trưởng trong đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam
Tên tôi là: Phạm Quang Thành, là học sinh năm thứ nhất khoa toán trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi xin trình bày một việc sau đây:
Sau khi nghe sự kiện 4 giờ sáng ngày 17-2-1979 bọn phản động Trung quốc đã xâm phạm lãnh thổ nước ta, lòng tôi như lửa đốt. Tôi không thể ngồi yên học hành khi đồng bào và đồng chí của tôi đang đổ máu trên tuyến đầu Tổ quốc bảo vệ từng tấc đất thân yêu. Tôi đã làm đơn xin đi chiến đấu, nhưng vì tôi là một người lính đã trở về trường học tập nên việc xin nhập ngũ là rất khó. Chính vì vậy tôi đã đi từ Hà Nội lên đây và sẽ xin vào công tác ở bất cứ đơn vị cầm súng đánh giặc. Tôi biết đó là một khuyết điểm của mình, nhưng đánh xong giặc tôi sẽ xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân với khuyết điểm của mình. Là một đoàn viên thanh niên cộng sản mang tên Bác Hồ vĩ đại. Tôi càng tự hào bao nhiêu thì tôi càng hiểu trách nhiệm của mình bấy nhiêu. Trong khi tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang vang vọng trong lòng. Vậy, tôi khẩn thiết đề nghị các thủ trưởng hãy cho tôi sống và chiến đấu tại nơi đây. Tôi xin hứa sẽ hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ gì cấp trên giao phó. Được như vậy tôi chân thành cảm ơn
Hà Nội ngày 19/2/1979
Người làm đơn
(ký tên)
Phạm Quang Thành