Day dứt của người mẹ 42 tuổi được đề nghị phong Mẹ VNAH

“Suốt hai năm trời, tôi vẫn không thể chấp nhận thực tế là thằng Cò đã mất, tôi vẫn ước ao đó không phải là sự thật" - chị Nguyễn Thị Anh – mẹ của liệt sĩ Nguyễn Quý Dương nói.

Trái ngược với suy nghĩ về hình ảnh một Mẹ Việt Nam anh hùng già cả, lưng còng tóc bạc ngậm ngùi bên những mâm cơm ngóng đợi con về, người phụ nữ đang đề nghị được phong Mẹ Việt Nam anh hùng trước mặt tôi đây vẫn còn mặn mòi, xuân sắc. Chị năm nay mới 42 tuổi, còn nhiều hoài bão trong cuộc đời. Chị là Nguyễn Thị Anh – mẹ của liệt sĩ Nguyễn Quý Dương (xã Thịnh Lang, TP.Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình).

“Tết 2008 tôi về nước, Cò còn tự tay chặt một cành đào rồi trang trí và bảo: Năm nay cả bố và mẹ đã về nên cả nhà ta phải ăn tết to”, chị Anh tâm sự.
“Tết 2008 tôi về nước, Cò còn tự tay chặt một cành đào rồi trang trí và bảo: Năm nay cả bố và mẹ đã về nên cả nhà ta phải ăn tết to”, chị Anh tâm sự.

Khi chị vừa tròn 39 tuổi thì cậu con trai độc nhất Nguyễn Quý Dương  (SN 1991) hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Ông nội Dương là cựu chiến binh ở chiến trường miền Nam thời chống Mỹ. Gia đình bên ngoại thì có tới hơn 20 người công tác trong ngành công an. Thừa hưởng truyền thống ấy, ngay từ bé Dương đã nuôi trong mình ước mơ lớn lên trở thành công an. Ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3, Dương không học đại học mà nộp đơn tình nguyện đi nghĩa vụ công an.

Sau 6 tháng huấn luyện tại Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh Hòa Bình, đầu năm 2010, Nguyễn Quý Dương được điều động về Phòng Cảnh sát phòng chống chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn – Công an tỉnh Hòa Bình. Với tinh thần cầu tiến, Dương đã nhanh chóng hòa nhập và được lãnh đạo đơn vị điều động tham gia nhiều vụ chữa cháy lớn, giành nhiều phần thưởng, bằng khen.

Tháng 11/2010, trong lần cùng đồng đội cứu hỏa vụ cháy xảy ra tại Công ty TNHH Thành Đạt VT (tại Kỳ Sơn, Hòa Bình) thì tai nạn thảm khốc đã xảy ra, Nguyễn Quý Dương hy sinh, 6 chiến sĩ khác bị thương nặng.

Mẹ liệt sĩ Dương nhớ lại: “Tôi còn nhớ như in cái ngày định mệnh ấy. Đó là ngày thứ 7, tức ngày 27/11/2010.…8h sáng hôm đó, nó còn nhắn tin cho tôi  hỏi  mẹ đã nghỉ làm chưa? Đi mua tặng con một đôi giầy, chiều hai mẹ con mình đánh cầu lông với nhau. Chưa kịp nhắn tin lại thì đã thấy nó đến tận công ty tìm tôi. Lúc sau thấy tôi bận quá nên nó nói, mẹ bận thì cứ  làm việc đi con sẽ tự đi  mua, mua bằng tiền của mẹ thì cũng là quà của mẹ. Nói vậy rồi nó đi luôn, không ngờ đó lại là lần cuối cùng tôi gặp mặt con”.

Nỗi đau ở lại

Từ Nghĩa trang liệt sĩ TP.Hòa Bình, chị Anh mời chúng tôi về nhà. Anh Nguyễn Chí Cường – bố của liệt sĩ Dương đang chăm sóc cây cối. Ngôi nhà nhỏ vắng lặng nằm sâu trong ngôi làng thuộc xã Thịnh Lang nay thuộc thành phố Hòa Bình. Tuy lên phố, nhưng căn nhà nhỏ của chị vẫn đậm nét quê, với vườn tược, nhiều cây cối, chim muông.

Thắp nén nhang trước bàn thờ người liệt sĩ trẻ, chị Anh bắt đầu câu chuyện chậm rãi: "Ngày trước hai vợ chồng cưới nhau chỉ có hai bàn tay trắng. Nghèo quá, nên sau khi sinh Cò (tên gọi Dương lúc ở nhà) vợ chồng tôi đều lần lượt đi xuất khẩu lao động. Chồng tôi đi Lybia, hai năm sau tôi đi Nhật. Cuộc sống nơi đất khách quê người cơ cực lắm, xa con nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng bám trụ, những mong sau này con không phải vất vả như mình".

Vợ chồng chị Anh trầm ngâm trước những kỷ vật thời thơ ấu của con trai.
Vợ chồng chị Anh trầm ngâm trước những kỷ vật thời thơ ấu của con trai.

Sau 7 năm đi Nhật, năm 2008 vợ chồng chị lần lượt về nước. “Tết năm đó, Cò còn tự tay chặt một cành đào rồi bảo: Năm nay cả bố và mẹ đã về nên cả nhà ta phải ăn tết to”. Niềm vui đoàn tụ chưa được lâu thì 2 năm sau, người con trai độc nhất hy sinh khiến cuộc sống của vợ chồng chị bị sụp đổ hoàn toàn. Gạt nước mắt, chị lật lại từng tấm ảnh con trai chụp chung cùng đồng đội, từng lá thư nó viết cho chị từ ngày chị rời quê đi làm ăn xa… Nhìn những kỷ vật của con, lòng chị cảm thấy ấm áp, nhưng thẳm sâu trong ánh mắt ấy là sự đau đớn và xót xa.

“Đây là đôi bốt bố mua tặng Cò từ bên Lybia gửi về. Hộp sáp màu này là quà mà bố đặt một người bạn xách tay từ Hàn Quốc về lúc Cò mới 8 tuổi. Chiếc mũ này là di vật mà nó đội lúc hy sinh trước khi làm nhiệm vụ… Còn đây là thư nó gửi, kia là mặt nạ nó đeo hôm tổ chức trung thu tại đơn vị…”.

Cầm nắm những di vật của con, ông Cường khắc khoải: “Thằng Dương nó giữ đồ dùng cẩn thận lắm. Nó còn bảo, con phải giữ bằng được để sau này cho con của con dùng”. Như sợ không giữ được sự điềm tĩnh vốn có, ông đứng dậy rồi cầm lọ cám đi về phía mấy lồng chim đang treo trên cành cây.

“Ông ấy cũng không thích nuôi chim đâu, nhưng tất cả là của thằng Cò đấy. Ngày trước nó còn sống, nó thích trồng cây, nuôi chim cảnh, thích ca hát, thích chơi thể thao… nó sống hiếu động lúc nào cũng vui cười. Giờ nó không còn nên ông ấy thay nó chăm mấy con chim đó” – chị Anh nghẹn ngào.

Nói rồi chị chỉ tay về phía bàn thờ, nơi ấy có mấy chiếc bằng khen, huân chương Dương giành được trong những lần hội thao. 3 năm liền Dương đạt giải nhất toàn đoàn trong cuộc thi giải cầu lông trẻ toàn tỉnh Hòa Bình. Không chỉ chơi thể thao giỏi, Dương còn là một cây văn nghệ xuất chúng. Cậu hát hay, diễn kịch giỏi và nấu ăn rất ngon…

Theo Nghị định số: 56/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 22.5.2013, những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”: a) Có 2 con trở lên là liệt sĩ;b) Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;c) Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ;d) Có 1 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ;đ) Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

Những day dứt trong đớn đau

“Suốt hai năm trời, tôi vẫn không thể chấp nhận thực tế là thằng Cò đã mất, tôi vẫn ước ao đó không phải là sự thật. Có lần cũng nghe địa phương nói tôi đủ điều kiện xét phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, thế nhưng ...”, chị bỏ dở câu nói.

Vợ chồng chị đã vượt qua và chấp nhận nỗi đau mất con - thành bố mẹ liệt sĩ  khi tuổi đời còn quá trẻ. Tuy nhiên, chị vẫn ở trong độ tuổi sinh đẻ nên vẫn hy vọng có thêm mụn con nữa. Việc chấp nhận trở thành Mẹ Việt Nam anh hùng cũng đồng nghĩa với việc vợ chồng chị sẽ không thể có thêm bất cứ một người con nào. Dù không nói ra, nhưng tôi đọc được trong ánh mắt chị nỗi đau của một người mẹ mất con, niềm day dứt của một người vợ nghĩ mình chưa hoàn thành bổn phận với nhà chồng.

“Trước đây lúc thằng Cò còn sống nó thích có em lắm. Có lần mẹ ốm nằm trong phòng bố nó trêu nó là mẹ có em bé, nó còn chạy vào phòng ôm mẹ, thơm vào bụng mẹ, nói là rất vui. Tiếc là vợ chồng tôi không thể sinh thêm một đứa nữa” – chị Anh thở dài buồn bã.

Rồi chị nói thêm: “... Giờ đây nhiều lúc tôi cũng cảm thấy cô đơn lắm, gia đình cũng chỉ ước chúng tôi có thêm một người con nữa, nhưng số trời đã định, có cố cũng không được thì đành chịu thua”. Nỗi đau mất con cộng thêm với nỗi đau không thể làm mẹ thêm một lần càng khiến chị day dứt. Nhà chồng neo người, anh lại là con trai duy nhất nên đã có lúc chị muốn nghe lời hàng xóm để anh đi bước nữa, nhưng anh không đồng ý. Gần đây sức khỏe của chị Anh ngày càng giảm sút, sau nhiều lần mang thai không thành vợ chồng chị đành buông bỏ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại