So sánh công suất các vụ thử hạt nhân đã được thực hiện; Nguồn: nextgiantleap.org
Đầu đạn hạt nhân chiến thuật W76-2
Ngoài thế hệ bom hạt nhân cỡ nhỏ B61-12 mới, Mỹ đang phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật W76-2 có đương lượng nổ nhỏ, không chỉ được trang bị trên các tàu ngầm hạt nhân, mà còn có thể bố trí trên các máy bay chiến đấu F-35.
W76 là một đầu đạn nhiệt hạch của Mỹ, được thiết kế để sử dụng cho tên lửa đạn đạo phóng từ biển UGM-96 Trident I (Sea-Launched Ballistic Missiles - SLBM) có tầm bắn hơn 12.000km và sau đó được chuyển sang UGM-133 Trident II (D-5) khi Trident I bị loại bỏ dần dần.
Biến thể đầu tiên, W76 mod 0 (W76-0, công suất 100Kt; 1Kt tương đương 100.000 tấn TNT) do Phòng thí nghiệm Los Alamos National thiết kế, được sản xuất từ năm 1978 đến năm 1987 và dần được thay thế bằng W76 mod 1 (W76-1, công suất 90Kt) từ năm 2008 đến 2018. Có thông tin cho biết, năm 2018, một số đầu đạn Mod 1 sẽ được chuyển đổi sang phiên bản mới W76 mod 2 (W76-2) công suất thấp.
Các đầu đạn Mod 2 đầu tiên có công suất 5-7Kt (bằng 1/3 công suất quả bom hạt nhân ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản, tháng 8/1945) đã được triển khai cho tàu USS Tennessee vào cuối năm 2019 thay thế đầu đạn W68 có công suất 50Kt.
Đầu đạn W76-2 lần đầu tiên được nhắc đến trong Tạp chí Đánh giá Tình trạng Hạt nhân (Nuclear Posture Review - NPR) của chính quyền Trump được công bố vào tháng 2/2018.
Theo một số nguồn tin, trong số 20 tên lửa trên tàu ngầm USS Tennessee (SSBN-734), có 1-2 tên lửa được gắn đầu đạn W76-2 đơn lẻ hoặc đa đầu đạn. 18 tên lửa còn lại mang theo đầu đạn W76-1 hoặc W88 (455 Kt). Mỗi tên lửa có thể mang tới 8 đầu đạn theo cấu hình đạn hiện tại, có thể phóng tới bất kỳ mục tiêu nào trên Trái Đất trong thời gian ngắn.
Một số chuyên gia cho rằng, công suất nổ nhỏ hơn có thể được tạo ra bằng cách loại bỏ hoặc vô hiệu hóa giai đoạn nổ thứ cấp của đầu đạn W76-1.
Còn Giám đốc dự án thông tin vũ khí hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ Hans Christensen cho biết, W76-2 được lên kế hoạch tạo ra trên cơ sở đầu đạn nhiệt hạch W76-1 bằng cách loại bỏ nhiên liệu nhiệt hạch (uranium, lithium và deuterium), do đó chỉ còn lại plutonium kích hoạt và công suất của vũ khí mới giảm từ 100 xuống còn 5-6Kt.
NUKEMAP - một công cụ bản đồ mà sử gia về vũ khí hạt nhân Alex Wellerstein, hiện là giáo sư tại Học viện Công nghệ Stevens ở New Jersey - đưa lên mạng lần đầu tiên vào năm 2012, ước tính, một đầu đạn W76-2 phát nổ trên mặt đất sẽ tạo ra một quả cầu lửa chỉ to hơn 150m, thiêu cháy mọi thứ, và gây ra các thiệt hại khác nhau trên diện tích xung quanh tâm nổ với đường kính 2.400m.
Quả cầu lửa của đầu đạn W88 sẽ nhỏ hơn 710m và sẽ có mức độ thiệt hại trên diện tích hình tròn có đường kính khoảng 29.000m. Sự lan truyền của bức xạ gây chết người và bụi phóng xạ cũng sẽ là những yếu tố sát thương trong những khu vực này và xa hơn, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết cụ thể.
Năm ngoái, tờ Defense News dẫn thông tin từ Cơ quan Quản lý An ninh hạt nhân quốc gia Mỹ cho biết, việc sản xuất đầu đạn hạt nhân công suất nhỏ W76-2 theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ đang được thực hiện; phân xưởng sản xuất W76-2 đầu tiên (First Production Unit - FPU) đã được hoàn thành tại Nhà máy Pantex (Texas) tháng 2/2019.
Khoảng 50 đầu đạn W76-2 sẽ được sản xuất; khoảng 65 triệu USD đã được Quốc hội Mỹ duyệt cho công việc chế tạo đầu đạn W76-2 trong tài khóa 2019, và 10 triệu USD được phân bổ để hoàn thành công việc vào năm 2020.
Toan tính của giới diều hâu Mỹ
Quân đội Mỹ cho rằng, với học thuyết quân sự mới của Nga về các trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân “leo thang để xuống thang” (Escalate to De-Escalate), khi đó vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được Nga sử dụng nếu Nga thất bại trong cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường. Do đó, đầu đạn W76-2 là “cần thiết để đối phó với quan niệm sai lầm rằng, Mỹ không đủ khả năng răn đe khu vực”.
Mô phỏng ảnh hưởng các đầu đạn W88 (trái), W76-1 (giữa) và W76-2 với tâm nổ là Washington; Nguồn: thedrive.com
Những đầu đạn này có thể lắp vào tên lửa hành trình gắn trên máy bay ném bom B-52 và rằng, “giờ đây, đầu đạn W76-2 công suất thấp mới mang lại cho Mỹ một loại vũ khí tốt hơn và hiệu quả hơn với tư cách là một vũ khí đánh chặn”.
Theo giới quan sát, sự ra đời của W76-2 có thể khiến quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân trở nên dễ dàng hơn đối với Nhà Trắng. Để so sánh, hàng nghìn tấn hóa chất gây nổ ở Beirut có thể tương đương với W76 mod 2 (W76-2), một "đầu đạn công suất thấp" của tên lửa đạn đạo Trident với công nghệ đa đầu đạn phân hướng (multiple independently targetable reentry vehicle - MIRV).
Theo chiến lược hạt nhân của Mỹ được thông qua vào năm 2018, sự hiện diện của vũ khí hạt nhân công suất thấp "sẽ đảm bảo rằng các đối thủ tiềm năng không thể tận dụng ưu thế trong chiến tranh hạt nhân hạn chế, khiến việc sử dụng vũ khí hạt nhân ít xảy ra hơn".
Giới chức Mỹ cho rằng, việc chế tạo đầu đạn mới dựa trên mẫu đầu đạn cũ W76-1 sẽ không dẫn đến gia tăng kho dự trữ hạt nhân, đồng nghĩa với việc nó phù hợp với cam kết của Mỹ về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng việc sản xuất này đã vấp phải phản đối từ chính nhiều ý kiến tại Mỹ.
Theo kênh CNN, một số cựu quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng vũ khí mới này trên thực tế làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột hạt nhân. Những người ủng hộ dự án W76-2 cho rằng, Mỹ trước đây không sở hữu phương án răn đe hiệu quả với vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, khiến Moscow chiếm lợi thế trên chiến trường khi Washington không thể sử dụng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) để tránh nguy cơ xung đột khu vực leo thang thành chiến tranh hủy diệt toàn cầu.
Cấu tạo của đầu đạn nhiệt hạch hiện đại; Nguồn: i.imgur.com
Phe phản đối lại cảnh báo W76-2 có thể dẫn tới xu hướng coi vũ khí hạt nhân là giải pháp giành chiến thắng, thay vì đóng vai trò răn đe ngăn ngừa xung đột như hiện nay. Sự xuất hiện của vũ khí này có thể mang tới giải pháp mới để lãnh đạo Mỹ đối phó các đối thủ ngoài Nga, cũng như hạ thấp ngưỡng cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân.
"Chiến lược sử dụng W76-2 ẩn chứa nhiều hiểm họa. Đầu tiên, đối thủ của Mỹ sẽ không thể phân biệt vụ phóng mang đầu đạn cỡ nhỏ như W76-2 với các đầu đạn có công suất lớn hơn như W76-1 và W88. Họ có thể nhầm lẫn và tung đòn đáp trả hạt nhân toàn diện", Katarzyna Zysk - nhà nghiên cứu tại Viện Quốc phòng Na Uy - cảnh báo.
Nguy cơ lớn hơn là các đòn đánh bằng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ có thể dẫn tới chiến tranh hủy diệt, sử dụng những đầu đạn lớn nhất trong kho vũ khí của Nga và Mỹ. "Với chỉ vài phút để phản ứng, các đối thủ sẽ coi đây là cuộc tấn công đánh phủ đầu từ Washington và tung đòn tương xứng để bảo đảm khả năng đáp trả", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway đánh giá.
Trong vòng 5 năm tới, Lầu Năm Góc dự định yêu cầu gần 167 tỷ USD để hiện đại hóa và đảm bảo độ tin cậy của vũ khí hạt nhân. Theo các tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, Tổng thống Trump có kế hoạch phân bổ 28,9 tỷ USD cho các chương trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân trong năm 2021.
Nhằm hiện đại hóa vũ khí hạt nhân, trong năm 2022, Lầu Năm Góc dự định yêu cầu 30 tỷ, trong năm 2023 - 33 tỷ, trong năm 2024 - khoảng 37 tỷ và năm 2025 - khoảng 38 tỷ USD.
Theo các tài liệu mà quân đội Mỹ công bố đầu tháng 2/2020, Bộ Quốc phòng nước này dự định phân bổ 7 tỷ USD để hiện đại hóa hệ thống chỉ huy, hệ thống điều khiển và liên lạc của các tổ hợp hạt nhân trong năm 2021, 2,8 tỷ USD để tạo ra máy bay ném bom chiến lược mới B-21, 4,4 tỷ USD để chế tạo tàu ngầm hạt nhân với khả năng mang theo tên lửa đạn đạo lớp Columbia, 474 triệu USD để sản xuất tên lửa hành trình tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và 1,5 tỷ USD cho các thành phần răn đe chiến lược trên mặt đất./.