Ấn Độ thông hầm, điều nhanh vũ khí tới vùng tranh chấp với Trung Quốc

Minh Thu |

Vào cuối tháng này, Ấn Độ sẽ cho thông đường hầm chiến lược giúp giảm thời gian điều động binh sĩ và vũ khí tới vùng biên giới tranh chấp với Trung Quốc.

Vào cuối tháng này, Ấn Độ sẽ cho thông đường hầm chiến lược giúp giảm thời gian điều động binh sĩ và vũ khí tới vùng biên giới tranh chấp với Trung Quốc.

Ấn Độ sắp cho thông đường hầm chiến lược dài 9 km mang tên Atal Rohtang nối hai thị trấn Manali và Leh, nằm trên độ cao hơn 3.000 m thuộc dãy núi Himalaya.

Atal Rohtang hiện là một trong những đường hầm dài nhất thế giới nằm ở cao lớn. Một khi đường hầm được thông, nó sẽ giúp quân đội Ấn Độ giảm được khá nhiều thời gian điều động binh sĩ và vũ khí tới khu vực đang xảy ra tranh chấp khu biên giới với Trung Quốc ở tỉnh Ladakh.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), đường hầm Atal Rohtang kết nối thị trấn Manali của tỉnh Himachal Pradesh với thị trấn Leh ở tỉnh Ladakh. Giới chức Ấn Độ cho biết, công trình này sẽ giúp cắt giảm 4 tiếng đồng hồ di chuyển giữa hai thị trấn.

Điều này đồng nghĩa với việc quân đội Ấn Độ có thể tăng tốc triển khai binh sĩ và vũ khí tới gần biên giới Trung - Ấn. Theo kế hoạch, đường hầm sẽ đi vào sử dụng chính thức vào cuối tháng này.

“Chúng tôi từng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng đường hầm mà chủ yếu là việc tiếp cận con đường nằm ở hai thị trấn. Do địa hình và thời tiết, những con đường này không thể sử dụng trong cả năm mà chúng tôi chỉ có 6 tháng trong năm để đi qua”, ông K.P.Purushottam, kỹ sư trưởng cho hay.

Hôm 17/9, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tuyên bố không ai có thể ngăn cản binh sĩ Ấn Độ thực hiện sứ mệnh tuần tra khu vực biên giới ở tỉnh Ladakh. Theo ông Singh, Trung Quốc đã điều động số lượng lớn binh sĩ tới khu vực này và phía Ấn Độ cũng có hành động tương tự.

Ông Singh cho biết thêm, trong vài tháng qua, bất đồng chính giữa binh sĩ Trung - Ấn hoạt động ở vùng biên giới là liên quan tới hoạt động tuần tra ở biên giới Ladakh. Đặc biệt, binh sĩ Trung - Ấn xảy ra đụng độ đẫm máu ở thung lũng Galwan, khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ tử vong vào ngày 15/6.

Phía Trung Quốc chưa từng tiết lộ số quân nhân thương vong trong vụ việc này. Song đây được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017.

Ông Singh cũng phủ nhận những thông tin cho rằng binh sĩ Ấn Độ không được phép tuần tra tại một số khu vực ở thung lũng Galwan.

“Không lực lượng nào trên thế giới có thể ngăn cản binh sĩ Ấn Độ thực hiện tuần tra. Binh sĩ của chúng tôi hy sinh cả mạng sống vì nhiệm vụ”, RT dẫn lời ông Singh.

Ông Singh thừa nhận, Bắc Kinh và New Delhi vẫn chưa thể giải quyết bất đồng ở biên giới dù giới chức hai bên đã nhiều lần tổ chức đàm phán.

Còn chia sẻ với Reuters hôm 16/9, các quan chức Ấn Độ cho hay, kể từ cuối tháng Tám, ít nhất đã xảy ra 3 vụ nổ súng chỉ thiên cảnh cáo ở phía tây dãy núi Himalaya, nơi binh sĩ Trung - Ấn xảy ra đối đầu suốt nhiều tháng qua.

Một trong 3 vụ việc được xác định xảy ra ở bờ phía bắc hồ Pangong Tso ngay trước thời điểm Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ở Moscow hôm 10/9.

Theo quan chức Ấn Độ, dù vụ nổ súng bên bờ phía bắc hồ Pangong Tso không được cả phía Trung Quốc và Ấn Độ công bố, nhưng lại là sự việc nghiêm trọng nhất. Dù vị quan chức này không cung cấp thêm thông tin chi tiết, nhưng tờ Indian Express đưa tin, vụ bắn chỉ thiên này có tới 100 – 200 viên đạn được bắn ra.

Giới chức Trung - Ấn cũng từng lên tiếng thừa nhận, một vụ bắn súng chỉ thiên đã xảy ra vào ngày 7/9 ở phía nam hồ Pangong Tso.

Trung - Ấn từng ký kết một thỏa thuận vào năm 1996 về việc binh sĩ hai nước hoạt động ở khu vực biên giới tranh chấp không được sử dụng súng. Do đó, sự kiện bắn chỉ thiên vào ngày 7/9 đánh dấu lần đầu tiên xảy ra nổ súng ở vùng tranh chấp biên giới giữa Trung - Ấn, kể từ sau vụ việc xảy ra vào năm 1975 khiến 4 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Vào ngày 15/9, để chuẩn bị cho giai đoạn mùa đông khắc nghiệt, quân đội Ấn Độ đã cho vận chuyển nhu yếu phẩm,vũ khí, đạn dược cùng thiết bị cho hàng ngàn binh sĩ đang hoạt động dọc biên giới tranh chấp với Trung Quốc trên dãy Hiamlaya.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại