Loại quả đóng góp lớn cho xuất khẩu rau quả Việt Nam
Mới đây, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả ước đạt 6,4 tỷ USD, vượt mức kỷ lục 5,7 tỷ USD của cả năm 2023, báo VnExpress đưa tin.
Trong đó, sầu riêng là mặt hàng đóng góp lớn nhất, mang về hơn 3 tỷ USD trong 10 tháng, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các sản phẩm khác như chuối, xoài, thanh long và hàng chế biến cũng góp phần quan trọng.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định sầu riêng là loại trái cây mang lại những kết quả xuất khẩu đầy bất ngờ. Dù chính vụ kết thúc vào tháng 10, Việt Nam vẫn có hàng trái vụ, giúp dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD - một con số hiếm loại trái cây nào đạt được.
Ngoài sầu riêng tươi, Việt Nam cũng vừa ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt.
Không khó hiểu vì sao sầu riêng được nhiều quốc gia ưa chuộng. So với các loại trái cây khác, sầu riêng có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Thậm chí, chúng còn được mệnh danh là "vua của các loại trái cây", theo chuyên trang y tế Healthline.
Thành phần dinh dưỡng ấn tượng của sầu riêng
Sầu riêng có lớp vỏ nhiều gai và mùi hương nồng, điều có thể khiến một số người e ngại. Thế nhưng, đừng để vẻ ngoài và mùi hương của loại quả này đánh lừa bạn. Trên thực tế, sầu riêng có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, chứa nhiều dinh dưỡng hơn hầu hết các loại trái cây khác.
Một cốc 243 gram sầu riêng cung cấp:
- Calo: 357
- Chất béo: 13 gram
- Carb: 66 gram
- Chất xơ: 9 gram
- Chất đạm: 4 gram
- Vitamin C: 80% giá trị hàng ngày (DV)
- Thiamine: 61% DV
- Mangan: 39% DV
- Vitamin B6: 38% DV
- Kali: 30% DV
- Riboflavin: 29% DV
- Đồng: 25% DV
- Folate: 22% DV
- Magiê: 18% DV
- Niacin: 13% DV
Bảng thành phần dinh dưỡng này làm cho sầu riêng trở thành một trong những loại trái cây bổ dưỡng nhất trên thế giới, chuyên trang y tế Healthline nhận định.
Sầu riêng cũng giàu các hợp chất thực vật tốt cho sức khỏe, bao gồm anthocyanin, carotenoid, polyphenol và flavonoid. Nhiều chất kể trên có chức năng như chất chống oxy hóa.
Lợi ích của sầu riêng
Tất cả các bộ phận của cây sầu riêng - lá, vỏ, rễ và quả - đã được sử dụng trong y học cổ truyền Malaysia để điều trị các bệnh khác nhau, bao gồm sốt cao, vàng da và các bệnh về da.
Các nghiên cứu cho thấy sầu riêng mang lại những lợi ích sức khỏe sau:
1. Giảm nguy cơ ung thư
Chất chống oxy hóa trong sầu riêng có thể vô hiệu hóa các gốc tự do thúc đẩy ung thư. Trong một nghiên cứu trong ống nghiệm, chiết xuất sầu riêng đã ngăn chặn một dòng tế bào ung thư vú lây lan.
2. Ngăn ngừa bệnh tim
Một số hợp chất trong sầu riêng có thể giúp giảm cholesterol, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch hoặc xơ cứng động mạch.
3. Chống nhiễm trùng
Vỏ sầu riêng chứa các hợp chất có đặc tính kháng khuẩn và chống nấm.
4. Giảm đường huyết
Sầu riêng có chỉ số đường huyết (GI) thấp hơn nhiều loại trái cây nhiệt đới khác, có nghĩa là nó ít làm tăng lượng đường trong máu hơn.
Mặc dù những nghiên cứu này cho thấy nhiều hứa hẹn nhưng nhiều nghiên cứu được thực hiện trên động vật hoặc trong ống nghiệm. Do vậy, các nhà khoa học cần nghiên cứu kỹ hơn về lợi ích sức khỏe của sầu riêng bằng các nghiên cứu có kiểm soát ở người.
Cách sử dụng sầu riêng
Sầu riêng được sử dụng trong cả món ăn ngọt và mặn. Cả phần thịt và hạt sầu riêng đều có thể ăn được, tuy nhiên hạt cần được nấu chín.
Sầu riêng được mô tả là có vị giống phô mai, hạnh nhân, tỏi và caramel cùng một lúc.
Các chế phẩm phổ biến từ quả sầu riêng bao gồm:
- Nước ép, sinh tố
- Hạt sầu riêng luộc hoặc rang
- Súp
- Kẹo, kem và các món tráng miệng khác
- Món ăn kèm.
Sầu riêng cũng được sử dụng trong y học cổ truyền ở một số quốc gia châu Á và có một số đặc tính y học đang được nghiên cứu thêm.