Vừa rút khỏi Hiệp ước INF, Mỹ “vội vã” thử tên lửa bị cấm?

Trí Dũng |

Hãng AP dẫn nguồn một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc ngày 13/3 cho biết, Hoa Kỳ đang lên kế hoạch trong năm nay sẽ thử nghiệm tên lửa bị cấm trong hơn 30 năm bởi Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF).

Theo nguồn tin, Mỹ đang xem xét thử một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn khoảng 1.000 km vào tháng 8 tới đây.

Nguồn tin nêu rõ: "Chúng tôi sẽ thử một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất vào tháng 8. Theo đó, nếu cuộc thử nghiệm thành công, loại tên lửa này có thể được triển khai trong khoảng 18 tháng nữa và sẽ có tầm bắn khoảng 1.000 km. Tuy nhiên, hiện tại nguồn tin không tiết lộ việc triển khai loại tên lửa này ở châu Âu hay châu Á”.

Nguồn tin cho biết thêm, Mỹ cũng đang xem xét thử một tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn khoảng 3000-4000 km vào tháng 11 tới, và nhấn mạnh 2 loại tên lửa này là vũ khí thông thường, không phải là vũ khí hạt nhân. Đồng thời, nguồn tin lưu ý rằng các cuộc thử nghiệm sẽ bị hủy, nếu Nga và Hoa Kỳ tìm cách "cứu được" Hiệp ước INF trước tháng Tám.

Hồi tháng 2 vừa qua, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) trong vòng 6 tháng trừ phi Moscow chấm dứt những hành vi mà Washington cho rằng đã vi phạm hiệp ước được ký kết giữa hai nước vào năm 1987 này.

Đáp trả, Tổng thống Nga Putin ngày 4/3 vừa qua đã ký một sắc lệnh về việc ngừng thực hiện Hiệp ước xóa bỏ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) với Mỹ.

Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (có tầm bắn từ 500 - 5.500km).

Vừa rút khỏi Hiệp ước INF, Mỹ “vội vã” thử tên lửa bị cấm? - Ảnh 1.

Đại sứ Nga tại Mỹ Antonov

Đánh giá về căng thẳng Nga-Mỹ liên quan đến Hiệp ước INF, trong cuộc trả lời phỏng vấn Kênh 1 của Nga, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng, Washington có khả năng sẽ không thỏa hiệp đối với tình hình xoay quanh Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).

"Tất cả quyết định xoay quanh Hiệp ước INF được đưa ra trước cả tuyên bố rút khỏi văn kiện này. Nhiều sĩ quan Mỹ đồng tình với tuyên bố các loại tên lửa này là cần thiết để răn đe Trung Quốc.

Sau đó một số câu chuyện được thêu dệt lên nhằm cáo buộc chúng tôi sở hữu loại tên lửa vi phạm Hiệp ước INF. Đối với tôi dường như Mỹ sẽ không thỏa hiệp trong vấn đề này". ông Antonov nói, đồng thời nhấn mạnh, việc tương tác với một nước Mỹ "luôn sử dụng ngôn ngữ tối hậu thư" gây ra nỗi thất vọng.

Theo ông Antonov, Nga và Mỹ, với tư cách là hai cường quốc hạt nhân lớn và là thành viên thường trực HĐBA LHQ, đều gánh vác trách nhiệm đặc biệt đối với các biện pháp an ninh quốc tế.

Đại sứ Antonov cho rằng, vẫn còn khả năng gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Tấn công Chiến lược mới (New START) nhưng thời gian còn lại rất ít. Ông Antonov khẳng định: "Chúng ta cần tiến hành thảo luận nghiêm túc trên bàn đàm phán, và tốt hơn hết là không có sự tham gia của truyền thông".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại