Đã trong ngành y, không ai chấp nhận được thuốc giả
Giáo sư Nguyễn Khánh Trạch – Nguyên trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội cho biết, qua theo dõi trên báo chí thấy vụ thuốc giả, thuốc trị ung thư của công ty VN Pharma, GS Trạch lấy làm buồn vì đây là việc vô nhân đạo, không thể chấp nhận được.
Thứ hai, là việc bệnh nhân bị ung thư phải dùng thuốc giả để chữa bệnh thì điều đó càng dã man hơn vì những người bị ung thư thường có tâm lý bi quan, chữa ung thư lại tốn kém nếu dùng thuốc giả thì khác nào "bồi" thêm cú nữa làm cho bệnh nhân bị ung thư nặng lên.
Việc làm này khiến cho người bệnh suy sụp thêm nên việc nhập thuốc giả cho bệnh nhân ung thư là không thể tha thứ được.
GS Trạch cho biết, thuốc giả luôn là “miếng bánh ngon” của bất cứ quốc gia nào. Đánh giá về tác hại của thuốc giả, vị GS hơn 50 năm trong ngành cho biết, thuốc giả có thể nguy hại tới sức khỏe người bệnh nhưng mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào những chất liệu làm nên viên thuốc đó.
Khi thuốc giả chỉ là bột mì, tác hại chỉ xẩy ra nếu để nhiễm nấm mốc. Còn nếu là hoạt chất khác thì có thể gây tổn thương cho các cơ quan trong cơ thể. Nhìn chung dù là chất gì nhưng đã là thuốc giả thì đều là bất lợi cho người bệnh.
GS Trạch đưa ra ví dụ: Một người bị sốt, nhiễm trùng cần kháng sinh mà kê thuốc giả sẽ làm bệnh không khỏi, thậm chí còn khiến bệnh nặng hơn.
Dù là một nhân viên y tế nhỏ bé cũng đau xót bởi việc này
Đối với vụ việc VN Pharma nhập hơn 9000 hộp thuốc H – Capita về Việt Nam gây bức xúc không chỉ cho bệnh nhân mà ngay cả những người trong ngành y cũng bức xúc. GS Trạch cho biết, ai nghe thông tin này cũng đau xót dù là nhân viên nhỏ bé nhất trong giới y khoa.
Qua vụ việc này, GS Trạch cho rằng rõ ràng là do sơ xuất của cơ quan quản lý nhà nước, cấp phép cho nhập thuốc này vào Việt Nam, cụ thể ở đây là Cục Quản lý Dược. Cục Quản lý Dược đã sơ xuất không kiểm tra xem tình hình thực tế như thế nào.
Trong trường hợp này, GS Trạch đưa ra hai giả định:
Thứ nhất: Các nhà nhập khẩu thuốc nếu đã có dã tâm như thế thì họ sẽ có đủ cách đánh lừa cơ quan nhà nước nên cơ quan quản lý không tiên lượng trước được việc này. Nên tôi nghĩ cơ quan nhà nước cũng có phần trách nhiệm nhưng cái chính là những người cố tình âm mưu nhập thuốc giả.
Vậy cần chứng minh xem có phải chỉ là dã tâm của doanh nghiệp hay không?
Thứ hai: Có trường hợp cơ quan nhà nước biết nhưng vì lợi ích cá nhân nên họ đã không cẩn thận.
“Vậy, trong trường hợp của công ty VN Pharma, cơ quan nhà nước có thiếu sót ai cũng nhận thấy. Vấn đề ở đây là cần làm rõ họ bị lừa hay họ bảo kê, che đậy cho những người đó.
Nếu họ bị lừa thì thiếu sót nhẹ hơn, còn họ đồng tình núp bóng bảo kê cho nhà nhập khẩu đó thì tội hai bên ngang nhau” – GS Trạch nhấn mạnh.
Đối với cá nhân Bộ trưởng Bộ Y tế, đứng trước vụ việc này vẫn có phần lỗi và cần cho họ quyền giải trình hay chứng minh trách nhiệm của mình đến đâu. GS Trạch cho biết, khi đã làm Bộ trưởng thì không thể không biết việc nhập lậu thuốc là như thế nào và ngăn chặn nó ra sao.
Trong ngành y, từ nhân viên y tá đến bác sĩ đều không ai chấp nhận được thuốc giả nên trong trường hợp này cần xem xét kỹ trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu và nên chứng minh được trách nhiệm cơ quan quản lý. Có như vậy dư luận mới không suy diễn nhiều chuyện.
Theo GS Nguyễn Khánh Trạch, thuốc giả trà trộn vào thị trường thuốc rất nhiều, không riêng gì thuốc ung thư. Nhưng có một số thuốc tối quan trọng, cấp thiết thì việc kiểm soát các thuốc đó là rất chặt chẽ.
Trên thị trường có nhiều thuốc giả cũng khó phát hiện được, thuốc giả vẫn trà trộn vào trong nhà thuốc. Qua vụ việc này, GS Trạch cho rằng, Bộ Y tế nên có chương trình kiểm soát khắt khe hơn.