Vụ bác sĩ “chạy” bệnh án tâm thần cho tội phạm: Bệnh viện chưa biết "lỗ hổng" ở đâu

D.Thu |

Đại diện Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết đến thời điểm cơ quan công an bắt 2 cán bộ của viện làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần cho tội phạm, bệnh viện chưa biết lỗ hổng ở khâu nào.

Vụ bác sĩ “chạy” bệnh án tâm thần cho tội phạm: Bệnh viện chưa biết lỗ hổng ở đâu - Ảnh 1.

Hai cán bộ của BV Tâm thần Trung ương 1 bị điều tra về hành vi làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần

Đại diện Bệnh viện (BV) Tâm thần Trung ương 1 cho biết vừa qua Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố, bắt giam 2 bị can là bác sĩ chuyên khoa II Thân Thái Phong, Phó trưởng Khoa Tâm thần người cao tuổi; và ông Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng (BV Tâm thần Trung ương 1), do tiếp tay lập bệnh án giả, giúp đối tượng vi phạm pháp luật trốn án.

Ông Dương Duy Đặng, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ của BV Tâm thần Trung ương 1, cho biết đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra mới chỉ phát hiện 2 bị can trên làm giả duy nhất hồ sơ bệnh án của Lê Thanh Tùng (32 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) là đối tượng "giang hồ" gây ra vụ cố ý gây thương tích có tính chất băng nhóm, thanh toán lẫn nhau với chi phí 85 triệu đồng để mua hồ sơ bệnh án tâm thần.

"Ngay khi cơ quan CSĐT đến thông báo lệnh bắt tạm giam đã tạm giữ bệnh án bị làm giả nói trên nên phía BV chưa được xem, chưa biết lỗ hổng ở khâu nào. BV đang đợi kết luận của cơ quan điều tra"- ông Đặng nói.

Cũng theo ông Đặng, thời gian qua cũng chưa có thêm cán bộ, nhân viên y tế nào của BV bị cơ quan điều tra triệu tập.

Phía cơ quan CSĐT đã đề nghị BV kiểm tra danh sách 94 hồ sơ bệnh án tâm thần nghi ngờ làm giả mạo, yêu cầu BV cung cấp các bản bệnh án photo để cơ quan công an nghiên cứu.

Trong quá trình BV nghiên cứu, rà soát thì đa số là bệnh nhân đã nằm viện và đang nằm viện.

Có trường hợp từng nằm viện 2-3 lần, có bệnh nhân đã từng được Viện Pháp y tâm thần Trung ương (Bộ Y tế) giám định, sau đó đưa vào BV Tâm thần Trung ương 1 điều trị bắt buộc.

Nói về quy trình nhập viện đối với bệnh nhân có các rối loạn tâm thần, ông Nguyễn Mạnh Phát, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp của BV Tâm thần Trung ương 1, cũng cho biết bình thường quy trình khám bệnh ở BV khá chặt chẽ, tất cả bệnh nhân đều phải có giấy giới thiệu từ tuyến dưới chuyển lên, sau đó qua phòng khám khám bệnh, chụp ảnh và dán lên giấy tờ liên quan trước khi đưa vào khoa, phòng điều trị, làm hồ sơ bệnh án, trừ một số trường hợp vào cấp cứu hoặc không có giấy tờ.

Vụ bác sĩ “chạy” bệnh án tâm thần cho tội phạm: Bệnh viện chưa biết lỗ hổng ở đâu - Ảnh 2.

Các bác sĩ tâm thần cho biết đôi khi đối tượng cố tình giả bệnh tinh vi và "diễn như thật" để đánh lừa bác sĩ

Đối với thủ tục khám bệnh, khi người bệnh đến viện sẽ được bộ phận tiếp đón, phát số để vào các buồng khám tại khoa khám bệnh.

Trong đó có những bệnh nhân phải vào điều trị ngay (cai nghiện ma tuý; điều trị theo quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của cơ quan tố tụng như toà án hay viện kiểm sát..).

Theo ông Phát, ngoài các triệu chứng người bệnh kể, hoặc do gia đình kể (do bệnh nhân kích động, không hợp tác...), bệnh nhân được làm các xét nghiệm thăm dò thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.

Sau khi kết thúc ở khoa khám bệnh sẽ vào các khoa nội trú. Các triệu chứng, chỉ định điều trị sẽ được thể hiện trong hồ sơ bệnh án nội trú theo quy định của Bộ Y tế (diễn biến, các vấn đề về mặt triệu chứng).

Sau quá trình điều trị, bệnh nhân xuất viện và được chuyển hồ sơ về bộ phận lưu trữ của Phòng Kế hoạch Tổng hợp thuộc BV.

Mặc dù quy trình được cho là khá chặt chẽ, tuy nhiên, đại diện BV Tâm thần Trung ương 1 cho biết cũng gặp nhiều khó khăn trong thực hiện.

"Có nhiều gia đình không muốn mất thời gian hoặc bệnh nhân phát bệnh nặng nên phải đưa thẳng lên bệnh viện trung ương cấp cứu, bất kể ngày đêm.

Lúc này BV vẫn phải tiếp nhận và làm các thủ tục để bệnh nhân nhập viện, trong khi đó theo quy định đã có quy định bệnh nhân vào viện phải có giấy giới thiệu từ địa phương.

Đại diện BV cũng thừa nhận việc làm giả hồ sơ là có, nhất là khi triệu chứng biểu hiện bệnh tâm thần thường chủ quan.

Chẳng hạn, đối tượng giả bệnh tâm thần (không có bệnh giả vờ có bệnh); bệnh này giả thành bệnh kia, tăng hoặc giảm tình trạng bệnh... "Đối với các trường hợp làm giả thông thường (không lưu hồ sơ bệnh án tâm thần gốc) thì có thể phát hiện được.

Nhưng với người bệnh tâm thần, các biểu hiện triệu chứng đa phần do chủ quan, do bệnh nhân và người nhà "tự cảm thấy".

Vì thế cũng có những ca bệnh, đối tượng cố tình giả bệnh nghiên cứu rất kỹ, rất tinh vi và "diễn như thật" đánh lừa bác sĩ.

Để phát hiện được những đối tượng giả điên đòi hỏi bác sĩ phải rất có kinh nghiệm, hội chẩn chuyên sâu, xin ý kiến tập thể mới có thể có những nghi ngờ về tình trạng bệnh của đối tượng"- ông Phát nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại