Bạn đọc P.N.T. (nữ, 36 tuổi, phamthi….@gmail.com) hỏi: Chào bác sĩ, tôi đã có 2 con (2 và 4 tuổi) và đã bước qua tuổi 36. Tôi đọc các lời khuyên thấy tuổi này không nên tránh thai bằng thuốc ngừa thai hằng ngày nữa nhưng tôi cũng chưa muốn triệt sản. Tôi đang nghĩ đến phương án đặt vòng tránh thai .
Tuy nhiên, nghe nói rằng vòng tránh thai có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng do nằm ở vị trí đủ gây cấn, vướng nếu "thâm nhập" sâu, có khi sợi dây còn dư ra ngoài âm đạo… Có thật vậy không? Ngoài vòng tránh thai có biện pháp nào khác phù hợp với tôi không?
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, trả lời:
Không có chống chỉ định dùng thuốc ngừa thai khi bước qua tuổi 36 như bạn nghĩ. Chỉ không được uống thuốc ngừa thai khi bạn có một số bệnh lý hoặc yếu tố nguy cơ như : tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, bệnh lý huyết khối tĩnh mạch, suy chức năng gan, thận, khối u vú - tử cung- buồng trứng…
Phụ nữ trên 40 tuổi có tình trạng thừa cân, béo phì, nghiện thuốc lá… cũng không nên dùng thuốc ngừa thai nội tiết (thuốc uống, thuốc dán) vì làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Do vậy trước và trong khi uống thuốc ngừa thai, người phụ nữ cần được theo dõi, thăm khám định kỳ để việc uống thuốc được an toàn và hiệu quả.
Vòng tránh thai (còn gọi là Dụng cụ tránh thai trong tử cung – IUDs) là một biện pháp tránh thai có hiệu quả cao (tỷ lệ thất bại – có thai trong năm đầu sau đặt vòng chỉ là 0,8/100 ca), tiện lợi vì có tác dụng lâu dài sau một lần đặt (ví dụ vòng TCu 380 được 10 năm).
Tuy nhiên, vẫn có một số tác dụng phụ gây khó chịu như đau bụng và ra kinh nhiều hơn trong vài tháng đầu, một số nhỏ bị rong kinh …
Cần khẳng định là vòng TT không ảnh hưởng đến vấn đề quan hệ tình dục vì được đặt sâu trong tử cung, chỉ có phần dây (mềm và ngắn khoảng 2-2,5 cm ) là thò ra ngoài cổ tử cung (chứ không phải ra khỏi âm đạo) nhằm mục đích kiểm soát khi khám và tháo vòng dễ dàng khi không sử dụng nữa.
Không có chuyện dây vòng gây vướng víu khó khăn khi giao hợp nếu được đặt đúng cách. Nếu có sự than phiền của người chồng khi có cảm giác đau hoặc khó chịu với dây vòng thì cần tái khám để bác sĩ kiểm tra lại, có thể cắt ngắn bớt dây. Ngoài ra, bạn có thể quay lại bệnh viện lấy vòng ra bất kỳ lúc nào nếu cảm thấy không thoải mái.
Mô tả vòng tránh thai có dây - ảnh: TRUNG TÂM CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN TP HCM
Ngoài 2 biện pháp trên, vợ chồng bạn còn có thể áp dụng một số biện pháp tránh thai hiệu quả cao khác như que cấy tránh thai, Bao cao su. Không nên áp dụng những cách tránh thai truyền thống không an toàn như Ogino-Knauss (đếm ngày tháng), xuất tinh ngoài, uống thuốc ngừa thai khẩn cấp… vì hiệu quả thấp, dễ mang thai ngoài ý muốn .
Nên nhớ rằng không có một biện pháp tránh thai nào là trọn vẹn, mỗi biện pháp luôn có những ưu điểm và khuyết điểm riêng, do vậy bạn cần đến các cơ sở có cung cấp dịch vụ ngừa thai để được tư vấn và chọn lựa cho mình một biện pháp thích hợp nhất .
Chúc gia đình bạn nhiều hạnh phúc .