Bệnh nhân là một cô gái ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Theo lời kể của bác sĩ Khâu Vương Kiện tại Bệnh viện Nhân dân Tùng Cương, trước đó cô gái đã thức cả đêm để nghịch smartphone, khi vừa tỉnh dậy, cô lại tiếp tục dùng điện thoại. Hậu quả là 5 phút sau, cô gái phát hiện ra mắt trái của mình không còn nhìn thấy gì nữa và phải đến bệnh viện.
Sau khi kiểm tra hình ảnh, các bác sĩ thấy xuất hiện tụ máu lớn gây cản trở tầm nhìn trên võng mạc của nữ bệnh nhân và kết luận rằng đây là bệnh võng mạc Valsava. Các mạch máu vỡ khi mắt gắng sức, áp lực hệ thống tĩnh mạch vùng đầu mặt tăng (xảy ra khi nôn mửa, hen suyễn, hắt xì mạnh hoặc bất kì quá trình phản ứng dữ dội nào của cơ thể).
Để khôi phục thị lực cho cô gái, các bác sĩ đã dùng laser tạo một lỗ nhỏ trên võng mạc để máu tụ có thể chảy ra. Bác sĩ Vương Kiện cho biết: “Chúng tôi phải xử lí nhanh chóng để bệnh nhân không phải chịu ảnh hưởng lâu dài.”
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác hại của việc sử dụng điện thoại quá nhiều đến mắt. Cụ thể như nghiên cứu của Đại học Toledo vào năm ngoái cho thấy tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình không chỉ làm hỏng võng mạc mắt mà còn thúc đẩy "sự phát triển của các phân tử độc”, dẫn đến thoái hóa điểm vàng.
Viện Hàn lâm Nhãn khoa Hoa Kỳ (AAO) khuyến cáo việc tiếp xúc với màn hình (dù với mục đích cá nhân hay công việc) làm gia tăng tình trạng mỏi mắt, khô mắt, đau đầu và mất ngủ. Cũng theo AAO, bạn nên cố gắng giữ một khoảng cách đủ xa với màn hình các thiết bị điện tử và sử dụng các miếng lọc chống chói để bảo vệ mắt.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên điều chỉnh ánh sáng màn hình để mắt không phải làm việc quá sức và nghỉ ngơi theo "quy tắc 20-20-20", nghĩa là sau mỗi 20 phút, hãy tạm rời mắt khỏi màn hình để nhìn một vật cách xa 20 feet (6m) trong 20 giây. Ngoài ra, chúng ta cần giữ ẩm cho mắt và ngừng sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.