Vỡ đại tràng do thụt tháo bằng cà phê để “thải độc”

Ngọc Minh |

Mới đây, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai, tiếp nhận một bệnh nhân vỡ đại tràng do thải độc (detox) bằng phương pháp thụt tháo đại tràng với cà phê.

Bệnh nhân Đ.T.P (nữ, 38 tuổi) vào viện vì đau bụng vùng chậu dưới rốn dữ dội, đi ngoài ra máu sau khi sử dụng biện pháp thụt tháo thải độc bằng cà phê tại một phòng khám tư nhân.

Bệnh nhân chia sẻ từng sử dụng phương pháp thụt tháo thải độc bằng cà phê 2 lần, mỗi lần cách nhau một tuần. Đến lần thứ ba, ngay trong quá trình thụt tháo, bệnh nhân thấy đau dữ dội vùng bụng dưới kèm chảy máu qua hậu môn.

Kết quả khám, chụp cộng hưởng từ có hình ảnh tụ dịch khí khoang sau phúc mạc, nghi ngờ vỡ trực tràng. Vì vậy, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cấp cứu để xử lý tổn thương.

Bác sĩ Nguyễn Thành Khiêm, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết trongquá trình phẫu thuật, các bác sĩ ghi nhận tổn thương vỡ trực tràng 1/3 dưới, gây áp xe khoang sau phúc mạc. Kíp phẫu thuật đã tiến hành khâu chỗ vỡ trực tràng, đồng thời dẫn lưu rộng rãi khoang sau phúc mạc và làm hậu môn nhân tạo đoạn đại tràng Sigma.

Sau 14 ngày, bệnh nhân xuất viện và đã ăn uống, sinh hoạt bình thường, tuy nhiên chị P sẽ phải chịu một cuộc phẫu thuật nữa sau vài tháng để đóng lại hậu môn nhân tạo.

Cảnh báo tác hại khi tự ý thụt tháo đại tràng

Theo bác sĩ Khiêm, thụt tháo là một biện pháp dùng chất lỏng bơm ngược từ hậu môn vào trực tràng, các chất lỏng này có tác dụng làm mềm phân. Đây là phương pháp được chỉ định trong các trường hợp táo bón khó đi ngoài, cần làm sạch đại tràng để làm thủ thuật, phẫu thuật hay một số trường hợp đặc biệt cần thụt thuốc để chẩn đoán, điều trị.

Vỡ đại tràng do thụt tháo bằng cà phê để “thải độc” - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Thụt cà phê có thể bắt nguồn từ phương pháp điều trị của các bác sĩ người Đức khi nghiên cứu về bệnh ung thư vào đầu những năm 1900, sau đó vào những năm 1930 chính thức được bác sĩ Max Gerson đề nghị.

Max Gerson là một bác sĩ người Mỹ gốc Đức, cho rằng có thể giải độc cơ thể và cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng cần thiết để tự chữa lành bằng chế độ ăn uống dựa trên thực vật hữu cơ, nước trái cây tươi và thụt cà phê. Thụt cà phê được cho là giúp “kích thích lưu thông mật và sản xuất glutathione, một chất chống oxy hóa giải độc”.

"Ngày nay, nhiều người theo trường phái y học thay thế (không dùng thuốc, không phẫu thuật) tiếp tục giới thiệu phương pháp thụt tháo này với tuyên bố rằng chúng chữa được nhiều bệnh khác nhau, thậm chí cả ung thư. Họ cho rằng phương pháp này có nhiều lợi ích cho sức khỏe, có thể giúp điều trị dị ứng, trầm cảm, mệt mỏi, bệnh về da, các vấn đề về xoang, các vấn đề về tiêu hóa, hệ thống miễn dịch và giảm cân.

Tuy nhiên, trên thực tế, calo chủ yếu được hấp thụ ở ruột non, thụt tháo chỉ làm sạch ruột già nên kém hiệu quả trong việc tác động đến lượng calo hấp thu, do đó không có tác dụng giảm cân", bác sĩ Khiêm nói.

Theo bác sĩ Khiêm, có rất ít bằng chứng khoa học ủng hộ việc thụt cà phê. Năm 2020, Heejung Son (Hàn Quốc) đã tổng hợp 9 nghiên cứu về phương pháp này, đều không chứng minh được bất kỳ hiệu quả nào. Trong khi đó, có rất nhiều rủi ro nghiêm trọng đã được thông báo bao gồm: mất nước và mất cân bằng điện giải; bỏng, loét, rách trực tràng, hẹp đại tràng, nhiễm trùng huyết dẫn đến việc phải nhập viện cấp cứu và phẫu thuật.

Trong một số trường hợp, nó có thể dẫn đến tử vong, ít nhất 3 trường hợp tử vong do liên quan đến thụt cà phê đã được ghi nhận trong tài liệu y học.

BS. Lương Tuấn Hiệp,Khoa Phẫu Thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết việc bơm cà phê vào hậu môn sẽ làm trực tràng bị giảm kích thích, lâu dài làm mất phản xạ của trực tràng, không thụt cà phê là không đại tiện được. Đồng thời, việc mất phản xạ của trực tràng cũng làm tăng nguy cơ vỡ trực tràng trong những lần thụt tháo sau, do bệnh nhân không còn cảm giác buồn đại tiện nữa. Vì vậy, rất dễ bơm quá nhiều thuốc vào trực tràng và gây vỡ.

Không những vậy, đưa thuốc theo con đường trái tự nhiên sẽ đẩy hệ vi sinh đường ruột vào trạng thái mất cân bằng. Thụt cà phê có thể gây viêm đại trực tràng, có nhiều báo cáo khoa học về việc này.

Trường Y Harvard đã khuyến cáo việc làm sạch ruột sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất nước, mất cân bằng điện giải, suy giảm chức năng ruột và phá vỡ hệ vi khuẩn đường ruột.

Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ - U.S. National Institutes of Health - cho biết trên trang web của mình: "Không có bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào cho thấy các chương trình detox thải độc hoặc làm sạch thực sự loại bỏ độc tố khỏi cơ thể hoặc cải thiện sức khỏe". Ngoài ra, các quy trình làm sạch đại tràng hoặc thụt rửa "có thể có tác dụng phụ, một số trong đó có thể nghiêm trọng".

Các tạp chí y khoa uy tín như Endoscopy, American Journal of Gastroenterology... cũng thông báo trên trang của họ về việc làm sạch ruột có thể gây hại, bỏng trực tràng, thậm chí tử vong.

Thụt tháo đại tràng là một phương pháp điều trị cần được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa và được thực hiện tại các cơ sở y tế có cấp phép.

"Thay vì áp dụng các phương pháp không chính thống, mỗi người nên tự bảo vệ hệ tiêu hóa bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau củ…, đồng thời hạn chế bia rượu, thịt đỏ, đồ ăn nhiều dầu mỡ. Thường xuyên vận động cũng giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn mỗi ngày", bác sĩ Hiệp chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại