Việt Nam mua vũ khí hiện đại của Mỹ: Muốn nhanh nhưng phải từ từ!

Bình Nguyên |

Giới quan sát quốc tế đang rất kỳ vọng và háo hức theo dõi xem liệu trong chuyến thăm tới đây, Tổng thống Obama có chính thức dỡ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam không?

Các tập đoàn vũ khí hàng đầu của Mỹ "đi trước đón đầu"

Đã có những động thái của cả hai phía Hoa Kỳ và Việt Nam gần đây cho thấy rất có thể sẽ có lệnh dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương.

Các Tập đoàn sản xuất vũ khí lớn của Hoa Kỹ cũng hết sức quan tâm, "bày tỏ chính kiến" và "đi trước đón đầu" bằng Hội thảo Xúc tiến Công nghiệp quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ, tổ chức ngày 12/05 tại Hà Nội.

Sở dĩ có những bước đi khá sốt sắng như vậy do Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng với tổng kim ngạch mua sắm vũ khí hàng năm có thể lên tới hàng tỷ USD.

Trong vòng 10 năm tới, để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân đội và thay thế những vũ khí trang bị có nguồn gốc Liên Xô và các nước Đông Âu, vốn đã quá cũ, hiệu quả chiến đấu suy giảm nghiêm trọng, không còn đáp ứng được môi trường chiến tranh kỹ thuật số.

Rõ ràng, một thị trường vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD đã khiến các tập đoàn công nghiệp lớn của Hoa Kỳ không thể khoanh tay ngồi nhìn, chậm chân là để vuột mất cơ hội, nên việc họ rất nóng lòng "chào hàng" cũng là điều dễ hiểu.

Hiện chưa rõ trong chuyến thăm Việt Nam tới đây, Tổng thống Mỹ Obama có chính thức dỡ bỏ hoàn toàn bộ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam hay không, nhưng dường như mọi chỉ dấu đều cho thấy khả năng này không hề thấp.

Việt Nam mua vũ khí hiện đại của Mỹ: Muốn nhanh nhưng phải từ từ! - Ảnh 1.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ.

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, kể cả trong trường hợp lệnh cấm được dỡ bỏ, chắc chắn rằng phía Mỹ sẽ không bán ngay cho Việt Nam những vũ khí sát thương tối tân nhất. Họ cũng sẽ phải chờ xem phản ứng của các bên liên quan sẽ như thế nào, liệu Việt Nam có hào hứng hay không?

Điều này có thể thấy được ngay bởi Mỹ phải cân nhắc rất kỹ tới cán cân quân sự trong khu vực, với vai trò là một nước lớn, họ có trách nhiệm duy trì sự cân bằng, sao cho không dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang hay xảy ra các cuộc xung đột, ảnh hưởng tới lợi ích chiến lược của mình.

Điển hình cho việc này là Mỹ rất thận trọng khi bán vũ khí cho các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan hay Trung Đông. Không phải cứ khách hàng thích gì là được bán "thả cửa", kể cả khi họ có hàng núi tiền.

Việt Nam mua vũ khí Mỹ: Muốn nhanh nhưng phải từ từ

Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: "Chủ trương của Việt Nam là mua sắm vũ khí, trang bị chỉ vừa đủ nhằm tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, để ta trả giá ít nhất, trong thời gian ngắn nhất nếu có vấn đề xảy ra với Tổ quốc".

Một điều có thể khẳng định là với Việt Nam, vũ khí Nga (hệ 1) đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò là xương sống bởi lẽ đây là đối tác đặc biệt tin cậy và bộ đội ta đã quá quen thuộc với những vũ khí "hệ 1" từ hơn nửa thế kỷ qua.

Và trên hết, không phải chỉ mỗi Nga mới bán cho Việt Nam những vũ khí tối tân nhất, có nhiều quốc gia phương Tây sẵn lòng chào bán cho ta những vũ khí hiện đại không kém. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà đến nay các vũ khí "hệ 2" mới bắt đầu được Việt Nam để mắt tới.

Trước tiên phải kể đến tàu hộ vệ tên lửa Sigma do Tập đoàn Damen (Hà Lan) đề xuất và đã có những đàm phán cụ thể giữa các bên về việc Việt Nam sẽ mua tới 4 chiếc. Dù vậy, hiện nay hợp đồng này đang bị tạm hoãn.

Việt Nam mua vũ khí hiện đại của Mỹ: Muốn nhanh nhưng phải từ từ! - Ảnh 2.

Tàu hộ vệ tên lửa Sigma.

Nhưng Israel mới chính là quốc gia phương Tây đầu tiên "đột phá" được vào thị trường Việt Nam khi thành công với 2 dự án lớn gồm chuyển giao công nghệ sản xuất súng bộ binh thế hệ mới (GALIL) và cung cấp tên lửa phòng không Spyder tiên tiến.

Như vậy, cả hải, lục, phòng không - không quân đều đã có thể mua vũ khí hiện đại phương Tây từ rất lâu mà không cần phải chờ tới khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.

Trong trường hợp Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương, liệu Việt Nam có mua ngay không? Có nhiều ý kiến cho rằng là "không"! Vì sao vậy?

Thứ nhất, yếu tố tin cậy phải được đặt lên hàng đầu. Việt Nam có thể mua nhiều loại vũ khí hiện đại từ các quốc gia khác nhau, kể cả Mỹ (trong trường hợp dỡ bỏ cấm vận), nhưng chắc chắn Nga vẫn sẽ là bạn hàng truyền thống được tin cậy nhất.

Vũ khí Mỹ sẽ có "phần" ở Việt Nam, nhưng như đã nói, không thể đốt cháy giai đoạn, cả hai bên cần phải xây dựng lòng tin. Quan tâm là một chuyện, quyết định lại là chuyện khác.

Thứ hai, mua sắm phải phù hợp với tiềm lực kinh tế. Nhu cầu hiện đại hóa quân đội rất lớn, nhưng ngân sách có hạn nên Việt Nam phải "liệu cơm gắp mắm" sao cho hài hòa, thích hợp với từng giai đoạn.

Vũ khí Nga sẽ có chỗ đứng vững chắc do có giá hợp lý, đồng bộ, dễ khai thác sử dụng, tận dụng được hệ thống cơ sở vật chất sẵn có, nhất là phù hợp với con người và nghệ thuật chiến tranh của Việt Nam, giúp tiết kiệm được nhiều chi phí.

Việt Nam mua vũ khí hiện đại của Mỹ: Muốn nhanh nhưng phải từ từ! - Ảnh 3.

Tiêm kích Su-30MK2 của Nga trong biên chế Không quân Việt Nam.

Trong khi đó, vũ khí Mỹ vốn khá đắt đỏ cả về giá mua ban đầu lẫn chi phí vận hành, thường là gấp rưỡi đến gấp đôi vũ khí cùng loại của Nga. Nếu Việt Nam mua sắm sẽ phải cân nhắc rất kỹ về vấn đề tài chính.

Một ví dụ điển hình là Indonesia mua tiêm kích F-16 cũ của Mỹ rồi nâng cấp đã có giá trên 30 triệu USD/chiếc và chỉ dùng được thêm 15-20 năm. Trong khi đó, 1 chiếc Su-30MK2 mới tinh của Nga chỉ có giá 40-50 triệu USD. Hay như giá 1 chiếc tiêm kích F-15F/Fcủa Mỹ có giá không dưới 100 triệu USD.

Ngoài ra, không thể một sớm một chiều có thể chuẩn bị đủ nhân lực, vật lực về cở sở hậu cần kỹ thuật để khai thác đồng bộ, có hiệu quả. Điều này cần thời gian, có khi lên tới 3-5 năm hoặc thậm chí lâu hơn.

Đó là chưa kể, làm sao để tích hợp thông tin chỉ huy tác chiến giữa các "hệ" vũ khí khác nhau là hết sức khó khăn, chỉ cần sai lệch một chút có thể dẫn tới tình trạng "quân ta bắn quân mình" hoặc chiến đấu không hiệu quả.

Với Indonesia hay Malaysia khi sử dụng cùng lúc 2 hệ vũ khí đã gây không ít khó khăn trong việc phối hợp chúng với nhau.

Với tất cả lý do trên, sẽ là "lạc quan tếu" nếu ai đó cho rằng ngay khi được dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, Việt Nam sẽ thả cửa mua vũ khí hiện đại của Mỹ. Ai rồi cũng sẽ có phần, kể cả Mỹ, nhưng muốn nhanh thì cũng phải từ từ.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại