Việt Nam ghi dấu ấn trong hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

MỸ HẠNH |

Từ năm đầu (2014) tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) với việc cử hai sĩ quan đầu tiên tới làm nhiệm vụ ở Phái bộ ở Nam Sudan trong vai trò sĩ quan liên lạc, đến nay số lượng sĩ quan được Việt Nam cử đi theo hình thức cá nhân tăng cả về số lượng và lĩnh vực, nhiệm vụ tham gia.

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 tạo ấn tượng tốt

Không chỉ đảm nhận các vị trí sĩ quan liên lạc, quan sát viên quân sự, sĩ quan tham mưu, sĩ quan hậu cần… các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được cử tham gia các Phái bộ GGHB LHQ còn hướng tới ứng tuyển vào những vị trí cao hơn ở phái bộ cũng như các vị trí chỉ huy khác nhau...

Việt Nam cũng xem xét mở rộng lĩnh vực tham gia trong hoạt động GGHB LHQ thời gian tới, phù hợp với nguồn lực quốc gia và nhu cầu của LHQ, như: Cảnh sát, quân cảnh, dân sự, vận tải đường không.

Việc Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC 2.1) được triển khai và hoạt động hiệu quả ở Nam Sudan tạo được những ấn tượng tốt đẹp đối với LHQ. Phó tổng Thư ký LHQ và Cố vấn quân sự LHQ đã hai lần gửi thư cho Chính phủ Việt Nam để cảm ơn những đóng góp của BVDC 2.1 cho sứ mệnh GGHB LHQ.

Các BVDC cấp 1 thuộc Tiểu đoàn Bộ binh Mông Cổ, Ghana… đóng tại Bentiu đều đánh giá cao khả năng chuyên môn và thái độ phục vụ của BVDC 2.1 của Việt Nam. BVDC 2.1 thường tiếp nhận các bệnh nhân được chuyển lên từ các BVDC cấp 1 thuộc các đơn vị đóng tại địa bàn.

Được biết, từ khi triển khai tới Nam Sudan, Đội cấp cứu đường không (AMET) của BVDC 2.1 đã chuyển thành công 4 ca bệnh lên các bệnh viện tuyến trên ở thủ đô Juba của Nam Sudan.

Có những thiết bị y tế của BVDC 2.1 hiện đại tới mức gây ngạc nhiên và bất ngờ cho các đồng nghiệp ở BVDC cấp 2 của Vương quốc Anh. Trong quá trình chuyển giao BVDC cấp 2 của Anh cho Việt Nam ở Bentiu, Nam Sudan, các bác sĩ của Anh chia sẻ rằng, ở BVDC cấp 2 của Anh cũng không được trang bị những thiết bị y tế hiện đại như vậy.

Thậm chí, ở BVDC 2.1 có những chuyên khoa và máy móc không thuộc yêu cầu bắt buộc của LHQ như sản, vật lý trị liệu, tai mũi họng, nhưng vẫn được Việt Nam mang sang nhằm bảo đảm đáp ứng tốt các nhu cầu khám, chữa bệnh tại địa bàn.

Đại tá Javkhlanbayar, chỉ huy Tiểu đoàn Bộ binh Mông Cổ (Monbatt) đóng tại căn cứ tiền phương của Phái bộ GGHB LHQ ở Bentiu khẳng định tầm quan trọng của một bệnh viện như BVDC 2.1 tại căn cứ Bentiu. Chỉ huy đơn vị của Mông Cổ nhấn mạnh: “Tôi tin rằng bệnh viện của Việt Nam sẽ cung cấp các dịch vụ điều trị y tế tốt nhất có thể ở địa bàn này”.

Tỷ lệ nữ tham gia Gìn giữ hòa bình vượt mong đợi

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho BVDC cấp 2 số 2 (BVDC 2.2) nhằm sẵn sàng triển khai tới Bentiu, sau khi BVDC 2.1 kết thúc nhiệm kỳ hoạt động một năm vào tháng 10 tới.

Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Trung úy, bác sĩ Từ Quang, Đội trưởng Đội AMET thuộc BVDC 2.2 cho biết các thành viên trong đội đã được chuẩn bị kỹ về chuyên môn, nhất là trình độ ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở một lĩnh vực tương đối mới và đặc biệt.

Đội AMET sẽ phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thường xuyên di chuyển bằng đường không, trong môi trường đa văn hóa và đa ngôn ngữ nên không thể thiếu các kỹ năng trong giao tiếp cũng như ngoại ngữ và sức khỏe…

Một trong những ấn tượng mà Việt Nam đã tạo được trong tham gia hoạt động GGHB LHQ là việc đáp ứng ngoài sự mong đợi của LHQ về tỷ lệ nữ tham gia hoạt động này. Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ và tuân thủ các tiêu chí của LHQ đưa ra về nâng cao vai trò của phụ nữ trong hoạt động GGHB LHQ.

Năm 2017, Việt Nam đã cử nữ sĩ quan đầu tiên làm sĩ quan tham mưu tại Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan. BVDC 2.1 của Việt Nam đóng tại Nam Sudan có tỷ lệ nữ là 16% (cao hơn so với mức kêu gọi của LHQ là từ 10 đến 15%).

Ngoài ra, theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Việt Nam khẳng định nếu được lựa chọn thay thế Đội Công binh của Vương quốc Anh tại Nam Sudan, Việt Nam sẽ cử ít nhất 10% quân nhân trong Đội Công binh là nữ.

Với sự tham gia và đóng góp ngày càng tích cực cho hoạt động GGHB LHQ được quốc tế ghi nhận, Việt Nam đã chứng tỏ có đầy đủ năng lực tham gia hoạt động GGHB LHQ nói chung.

Cục GGHB Việt Nam mới đây được LHQ lựa chọn là một trong 4 cơ sở huấn luyện của khu vực để huấn luyện cho lực lượng GGHB theo Dự án hợp tác ba bên (TPP) của LHQ, tạo nền tảng để đưa Cục GGHB Việt Nam trở thành cơ sở huấn luyện GGHB mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Gần đây nhất, Việt Nam đã tiếp nhận cương vị Chủ tịch Hiệp hội các trung tâm GGHB châu Á-Thái Bình Dương (AAPTC) năm 2020 từ Thái Lan và sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị AAPTC vào năm 2020. Đây là cơ hội để Việt Nam khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế quốc tế, đóng góp thiết thực vào hoạt động GGHB LHQ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại