Nga vỗ ngực tự tin: Xe tăng Abrams có Trophy cũng vậy thôi, Kornet-EM sẽ xé vụn!

Chỉ Nhàn |

Hệ thống tên lửa chống tăng tự hành Kornet-EM hoàn toàn có khả năng "xé vụn" phiên bản mới nhất xe tăng Abrams (Mỹ), dù cho nó được trang bị hệ thống phòng vệ Trophy của Israel.

Hãng thông tấn quốc gia TASS dẫn nguồn tin hàng đầu chính phủ hoặc quân đội Nga cho biết, hệ thống phòng vệ chủ động Trophy được trang bị cho các phương tiện chiến đấu của Israel và Mỹ không phù hợp để đối phó với vũ khí chống tăng hiện đại của Nga.

Trophy: "Thần hộ mệnh" tăng Mỹ - Israel

Trophy là hệ thống phòng vệ chủ động được Rafael Systems và Elta Group phát triển cho các phương tiện chiến đấu của Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) nhằm chống lại các mối đe dọa trên chiến trường.

Theo nhà sản xuất, Trophy có khả năng đánh chặn - phá hủy các loại đạn tên lửa chống tăng, đạn rocket và đạn xuyên thép bắn từ nòng pháo tăng hướng vào "xe mình".

Một hệ thống Trophy cơ bản gồm radar EL/M-2133 băng tần F/G có nhiệm vụ phát hiện, phân loại các mối đe dọa. Radar có 4 anten được gắn quanh xe và tháp pháo (với tăng) cung cấp trường quan sát tới 360 độ.

Nguyên lý hoạt động, khi tên lửa hay đạn pháo bắn vào phía xe, radar - cảm biến sẽ thu tín hiệu quả đạn địch truyền về cho máy tính. Hệ thống máy tính thông minh sau đó sẽ tính toán quỹ đạo bay, góc độ mà đạn địch hướng vào trong "chớp mắt".

Khi mối đe dọa được xác định, máy tính sẽ tính toán thời gian và kích nổ hệ thống phóng các viên kim loại nhỏ về phía tên lửa chống tăng và vô hiệu hóa nó ở khoảng cách an toàn.

Hệ thống kích nổ bố trí hai bên hông của xe, sử dụng một tay robot nạp tự động đặt bên trong xe.

Trong trường hợp tên lửa chống tăng không bị phá hủy hoàn toàn, năng lượng từ vụ nổ cũng làm giảm đáng kể, khiến quả đạn không thể thực hiện nhiệm vụ xuyên thủng vỏ giáp như mong muốn.

Nga vỗ ngực tự tin: Xe tăng Abrams có Trophy cũng vậy thôi, Kornet-EM sẽ xé vụn! - Ảnh 1.

Trophy tích hợp trên xe chiến đấu Bradley thử nghiệm đánh chặn đạn B41.

Khác với hệ thống phòng vệ chủ động nổi tiếng của Nga như Shtora hay Arena ít được thực chiến, Trophy đã thử nghiệm và thực tế tham chiến nhiều lần với kết quả vượt cả mong đợi.

Ví dụ, ngày 14/7/2014, hệ thống Trophy tích hợp trên tăng Merkava Mk4 của Israel đã đánh chặn thành công một quả tên lửa Kornet (Nga) ở Gaza.

8 ngày sau, hệ thống Trophy tiếp tục đánh chặn thành công một quả đạn súng chống tăng cực mạnh RPG-29 do Nga sản xuất cũng tại Gaza.

Chính những thử nghiệm thành công đó đã khiến Trophy "lọt vào mắt xanh" của Quân đội Mỹ. Họ đã ra quyết định tích hợp Trophy cho phiên bản mới nhất của dòng xe tăng chủ lực M1 Abrams.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang thử nghiệm phiên bản Trophy dành riêng cho xe thiết giáp chở quân Stryker và xe chiến đấu bộ binh Bradley.

Nỗ lực này không chỉ tăng cường khả năng sống sót cho binh sĩ cùng khí tài trên chiến trường Trung Đông mà cả tại châu Âu trong trường hợp có xung đột xảy ra với Nga hay các nước sử dụng vũ khí Nga.

Nga vỗ ngực tự tin: Xe tăng Abrams có Trophy cũng vậy thôi, Kornet-EM sẽ xé vụn! - Ảnh 3.

M1 Abrams tích hợp Trophy.

Vô ích thôi, Nga đã có đối sách!

Dẫu vậy, trong khi xe tăng Abrams tích hợp Trophy vừa mới trình diễn ở Romania không lâu, truyền thông Nga tiết lộ quân đội nước này đã có đối sách khiến người Mỹ "ôm hận".

"Hệ thống Trophy đã chứng minh tính hiệu quả trong việc đẩy lùi các vụ tấn công "phát một" bằng tên lửa chống tăng và súng phóng lựu. Mặc dù vậy, hệ thống này sẽ không thể cùng lúc chống lại 2 hoặc 3 quả đạn phóng từ cự ly tối thiểu", nguồn tin cho hay.

Và đáng lưu ý, công nghệ này được sử dụng trong các hệ thống vũ khí chống tăng mới nhất của Nga, ví dụ như hệ thống tên lửa Kornet và súng chống tăng dùng một lần.

Có thể hiểu một cách đơn giản, Trophy hiệu quả với những phát bắn đơn lẻ, nhưng ít khả năng đánh trả cuộc tấn công kiểu "bầy đàn, ồ ạt".

Nga vỗ ngực tự tin: Xe tăng Abrams có Trophy cũng vậy thôi, Kornet-EM sẽ xé vụn! - Ảnh 4.

Kornet-EM khai hỏa tên lửa chống tăng.

Hệ thống tên lửa Kornet-EM tích hợp trên xe GAZ Tigr (ra mắt năm 2011) hiện sở hữu khả năng này. Với hệ thống điều khiển hỏa lực thông minh, nó có khả năng phóng loạt 2 đạn cách nhau không tới một giây vào hai mục tiêu.

Hoặc cũng có thể phóng loạt 2 tên lửa nhắm vào một mục tiêu.

Trong trường hợp này, tên lửa đầu tiên sẽ làm nhiệm vụ kích hoạt hệ thống Trophy đánh chặn. Sau đó chỉ trong 1-2 giây, quả thứ 2 sẽ lao vào xe tăng địch.

Hiện hiếm có hệ thống phòng vệ chủ động nào kể cả của Nga có thể đối đầu với cuộc tấn công như vậy.

Còn với súng phóng lựu chống tăng dùng một lần, từ năm 2012 Nga đã đưa vào sản xuất khẩu RPG-30 Kryuk chuyên chống xe tăng trang bị hệ thống phòng vệ chủ động kiểu Trophy và giáp phản ứng nổ.

RPG-30 được thiết kế với hai ống phóng đạn, trong đó một quả đạn nhỏ được bắn trước để làm mồi nhử kích hoạt hệ thống phòng vệ chủ động.

Tiếp sau, quả đạn thứ 2 cỡ 105mm được phóng đi chỉ cách 1-2 giây sẽ đánh vào giáp chính xe tăng. Với sức xuyên tương đương 600mm thép sau giáp phản ứng nổ, RPG-30 sẽ khiến mọi đối thủ mạnh nhất phải thúc thủ.

Nói chung, "vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn", không loại vũ khí nào "vô đối", luôn có giải pháp để ứng phó, vấn đề còn lại chỉ là con người sẽ vận dụng vũ khí vào thực tế như thế nào?

Thử nghiệm hệ thống Trophy tích hợp trên xe chiến đấu bộ binh Bradley.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại