Lá dứa, hay lá nếp thơm có nguồn gốc thuộc họ dứa dại, thường mọc thành bụi. Các bụi lá dứa có thể cao đến 1m, lá dài, hẹp, khác với lá cây dứa (khóm) vỏ sần sùi, mép lá có hình răng cưa. Lá dứa có mùi thơm đặc trưng, thường được sử dụng trong các món chè, đồ uống, làm bánh hoặc tạo hương thơm dễ chịu cho xe ô tô, nhà.
Theo Đông y, lá dứa tính ôn, mùi thơm, vị hơi nhạt, quy kinh can, tỳ, thận. Tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, khu phong thấp, tăng tân dịch, an thần, chỉ thống. Loại lá nằm trong các bài thuốc trị bệnh viêm khớp sưng đau, ổn định đường huyết, giảm cảm sốt, thanh nhiệt cơ thể, điều trị đau nhức răng, bồi bổ thần kinh giúp giấc ngủ ngon…
Lá dứa khi phơi khô, đem pha trà hoặc xay nhuyễn lấy nước có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ:
Kiểm soát đường huyết
Các hợp chất chống oxy hóa, chống viêm như phenol, tannin, flavonid, glycoside, bromelain trong lá dứa giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Một nghiên cứu quy mô nhỏ ở người trưởng thành cho thấy uống trà lá dứa nóng giúp ổn định đường huyết hiệu quả sau khi ăn so với những người không sử dụng.
Lá dứa rửa sạch, phơi khô, ngày dùng 10 lá đun với 2,5 lít nước cho đến khi còn lại 2 lít nước là có thể sử dụng, chia nhỏ thành từng phần uống trước mỗi bữa ăn để giúp kiểm soát đường huyết.
Để đạt được tác dụng mong muốn, bệnh nhân tiểu đường nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, nhất là trong thời gian điều trị bằng thuốc, đồng thời kết hợp chế độ ăn lành mạnh và vận động thường xuyên để đường huyết ổn định.
Bổ sung sắt, ngừa thiếu máu
Lá dứa giàu sắt hơn so với nhiều loại rau củ khác. Sắt có tác dụng ngăn ngừa thiếu máu, hỗ trợ lưu thông máu và nhiều chức năng khác của cơ thể. Vậy nên sử dụng lá dứa thường xuyên có thể góp phần ngăn ngừa tình trạng thiếu máu.
Ngoài lá dứa, một số thực phẩm giàu chất sắt khác giúp bổ máu có thể bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày bao gồm: rau chân vịt, các loại đậu, hạt bí, hạt quinoa (diêm mạch), thịt gà, thịt bò, các loài vật có vỏ như trai, sò ốc…
Giảm huyết áp cao
Chất chống oxy hóa polyphenol trong lá dứa có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh tim nhờ ngăn ngừa mảng bám tích tụ dẫn đến xơ vữa động mạch, giảm cholesterol. Lá dứa cũng là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa carotenoids tốt cho tim mạch. Sử dụng trà lá dứa là cách hỗ trợ ổn định huyết áp, giảm các triệu chứng chóng mặt và ngăn đột quỵ.
Thanh lọc, giải nhiệt mùa hè
Trà lá dứa/ nước lá dứa xay có thể sử dụng khi cơ thể đang bị nóng trong, mụn nhọt, bí tiểu để giải độc tích tụ trong cơ thể. Loại nước này giúp ngủ ngon hơn, bồi bổ thần kinh cũng như giảm cảm giác lo lắng.
2 loại lá khác giúp kiểm soát đường huyết
Lá cỏ ngọt
Lá cỏ ngọt được sử dụng làm chất tạo ngọt, hay còn gọi là đường cỏ ngọt. Loại đường này không chứa calo, chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ loại đường này là đủ để tạo ngọt cho đồ uống, món ăn hàng ngày.
Loại đường này cũng đã được chứng mình là không làm tăng lượng đường trong máu nên hoàn toàn an toàn với những người mắc bệnh tiểu đường, giúp họ vẫn được cảm nhận vị ngọt mà không phải lo lắng về sức khỏe.
Chất làm ngọt không calo như cỏ ngọt cũng được các chuyên gia khuyên dùng cho những người mắc bệnh béo phì và tiền tiểu đường.
Lá chùm ngây
Chùm ngây có thể sử dụng để nấu như các món rau hoặc pha trà. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng lá chùm ngây có thể làm giảm lượng đường trong máu nhờ nhờ các chất axit chlorogen và isothiocyanates. Kẽm có trong loại lá này cũng có tác dụng kiểm soát đường huyết, ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Một nghiên cứu nhỏ được đăng tải trên Tạp chí Quốc tế về Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng chỉ ra rằng khi cho người mắc bệnh tiểu đường sử dụng 50g lá chùm ngây vào bữa ăn sẽ giúp họ giảm 21% lượng đường trong máu.