Viễn cảnh khủng khiếp khiến các cường quốc nơm nớp lo sợ Triều Tiên thử hạt nhân

Đại tá Phan Văn Từ |

Các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên không chỉ đe dọa châm ngòi xung đột quân sự, mà còn có thể kích hoạt núi lửa, gây ra đợt phun trào khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

Triều Tiên có thể "đánh thức" núi lửa chết chóc vì thử hạt nhân

Hiện nay tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang lắng dịu và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đang hy vọng sẽ có một bán đảo Triều Tiên không xung đột, không vũ khí hạt nhân và phát triển thịnh vượng.

Nhưng điều gì sẽ xẩy ra khi mong ước tốt đẹp đó không trở thành hiện thực?

Sau thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc, như truyền thông Hàn Quốc công bố thì Mỹ và Hàn sẽ nối lại các cuộc tập trận chung. Triều Tiên thường tuyên bố rằng những cuộc tập trận đó là những hành động khiêu chiến và sẵn sàng có những biện pháp đáp trả.

Lãnh đạo Triều Tiên đang có quyết tâm rất cao để biến nước họ thành một cướng quốc hạt nhân. Mặc dù rồi đây có thể Triều Tiên được liệt vào danh sách các nước sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng để trở thành cường quốc hạt nhân thì con đường còn dài lắm.

Những cường quốc hạt nhân phải có bộ ba hạt nhân chiến lược: máy bay ném bom chiến lược mang bom hạt nhân; tên lửa vượt đại châu mang đầu đạn hạt nhân; tàu ngầm hoặc tàu nổi có trang bị tên lửa hay ngư lôi hạt nhân. So sánh với các tiêu chuẩn đó, ta thấy còn lâu Triều Tiên mới đạt được.

Thế thì tại sao Mỹ, Nga, Nhật, Trung Quốc, Philippines, Indonesia và các nước khác trong khu vực đều lo lắng trước những vụ thử hạt nhân của Triều Tiên?

Viễn cảnh khủng khiếp khiến các cường quốc nơm nớp lo sợ Triều Tiên thử hạt nhân - Ảnh 1.

Triều Tiên phóng thử tên lửa Hwasong-15. Ảnh: KCNA

Một điều ít ai nghĩ tới hay những người biết thì đang cố tình giấu đi: đó là những nước ấy đang có chung vành đai lửa Thái Bình Dương. Vành đai lửa này hình thành do sự dịch chuyển và va chạm của hai mảng vỏ quả đất lớn nhất trên hành tin: mảng đáy Thái Bình Dương và mảng lục địa châu Á.

Ngay từ đầu năm nay vành đai lửa này đang bắt đầu hoạt động mạnh một cách bất thường.

Bắt đầu là trận động đất mạnh 8,2 độ Richter xảy ra ở ngoài khơi Vịnh Alaska của Mỹ hôm 23/1. Tiếp đó là trận động đất mạnh 6 độ Richter ở đảo Java (Indonesia) khiến 8 người bị thương. Tại Nhật Bản, núi lửa Kusatsu Shirane ở Tây Bắc Thủ đô Tokyo đã phun trào gây ra vụ lở tuyết khiến 1 người thiệt mạng và 11 người bị thương.

Mới đây nhất tại Philippines, ngày 24/1, núi lửa Mayon đã phun nham thạch, tạo thành một cột tro bụi cao tới 5.000m. Hơn 61.000 người đã phải sơ tán.

Tất cả các khu vực trên đều nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo vỏ Trái Đất va chạm kéo theo nhiều hoạt động địa chấn và phun trào núi lửa.

Theo kết quả nghiên cứu của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, hơn một nửa số núi lửa hoạt động trên thế giới nằm rải rác bao quanh lòng chảo Thái Bình Dương và gây ra 90% các trận động đất trên thế giới.

Những sự phun trào của núi lửa hay động đất xưa nay vẫn được xem là thiên tai và con người chỉ có cách chịu đựng, phòng tránh chứ con người không phải là "tội đồ" gây ra chúng.

Song, gần đây các nhà khoa học và cụ thể hơn là các nhà khoa học quân sự nhận thấy rằng con người có khả năng cố ý hay vô tình gây ra sự phun trào của núi lửa, động đất hay sóng thần.

Điều này thật ra rất đơn giản về mặt nguyên lý. Các mảng kiến tạo trước khi va chạm vào nhau đều chuyển động theo kiểu giao động.

Chỉ cần ở một điểm nào đó trên mạch đứt gãy ta tạo ra một giao động có một tần số nào đó gây ra hiện tượng cộng hưởng thì các mảng kiến tạo sẽ giao động mạnh lên và va chạm mạnh với nhau. Hậu quả sẽ là động đất, núi lửa phun trào và sóng thần.

Con người có chủ động làm ra được như vậy không? Câu trả lời là hiện nay, con người đã thừa sức làm được điều đó.

Con người đã vô tình gây ra điều đó chưa? Theo tôi, con người đã và đang gây ra điều đó. Những vụ thử cho nổ các loại vũ khí công suất lớn được các trung tâm địa chấn ghi nhận như là các vụ động đất mà thực chất đấy là các vụ động đất.

Các vụ động đất đều gây ảnh hưởng nặng nề lên cấu tạo của vỏ trái đất, vậy làm sao có thể chối cãi được rằng những vụ động đất "nhân tạo" không trực tiếp hay gián tiếp gây ra những vụ động đất tiếp sau đó.

Triều Tiên đang nằm trên một nút của vành đai lửa Thái Bình Dương. Chắc độc giả tự hiểu tại sao các cường quốc và các nước trong khu vực lo lắng đến vậy.

Những cảnh báo của chuyên gia quốc tế

Các nhà địa chất học từng nhiều lần cảnh báo những đợt thử hạt nhân liên tục của Triều Tiên có thể khiến núi lửa Bạch Đầu thức giấc, phun trào dung nham sau thời gian dài ngủ yên.

Ngọn núi lửa có tên Baekdu (hay Paektu, nghĩa là Bạch Đầu) theo tiếng Triều Tiên, người Trung Quốc thường gọi Trường Bạch, nằm vắt ngang bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc.

Viễn cảnh khủng khiếp khiến các cường quốc nơm nớp lo sợ Triều Tiên thử hạt nhân - Ảnh 2.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bên ngọn núi tuyết phủ Paektu Ảnh: KCNA

Với độ cao 2.744 m, nó là đỉnh cao nhất trong dãy núi cùng tên là dãy Trường Bạch ở phía bắc và dãy Bạch Đầu Đại Cán ở phía nam. Nó cũng là đỉnh núi cao nhất trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Mãn Châu.

Tháng 5/2017, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao Bruce Bennett, thuộc viện Rand Corporation (Mỹ) cảnh báo trên đài CNN rằng một vũ khí hạt nhân thử nghiệm đủ lớn có thể làm phun trào ngọn núi lửa được Trung Quốc gọi là Trường Bạch.

"Đợt phun trào có thể rất lớn, giết hại hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn nạn nhân, cả ở Triều Tiên và Trung Quốc. Chúng ta không biết Triều Tiên có tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lớn hơn (những lần trước) hay không nhưng có khả năng đó" - ông Bennett nhận định.

Hiện có khoảng 1,6 triệu người sống trong vòng 100 km quanh núi lửa Paektu, nơi chỉ cách cơ sở thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên khoảng 115-130 km theo đường chim bay.

Viễn cảnh khủng khiếp khiến các cường quốc nơm nớp lo sợ Triều Tiên thử hạt nhân - Ảnh 3.

Siêu núi lửa Paektu có thể "thức giấc" vì Triều Tiên thử hạt nhân.

Tiến sĩ Amy Donovan, giảng viên về Địa lý và Các mối nguy môi trường tại Đại học King ở London (King's College London), cho hay: "Chúng ta biết rất ít về hệ thống dung nham dưới Paektu. Chúng ta cũng biết rất ít về kích thước, trạng thái hoặc độ sâu của hồ dung nham ở núi Paektu nên không thể tạo mô hình của nó".

Trao đổi với CNN, bà Donovan nhận định rằng một cuộc thử nghiệm hạt nhân tương tự vụ thử gần đây nhất của Triều Tiên (được cho là 10 kiloton) khó có thể khiến núi lửa phun trào. Nhưng một vụ nổ từ 50 đến 100 kiloton để có thể gây thiệt hại nghiêm trọng.

Núi lửa Paektu phun trào lần cuối vào năm 1903. Nhưng vụ phun trào năm 946 Sau Công Nguyên (được gọi là "vụ phun trào thiên niên kỷ") được cho là một trong những vụ phun trào núi lửa lớn nhất từ trước đến nay từng ghi nhận trên thế giới, nó đã làm xuất hiện lòng chảo đường kính 5 km trên đỉnh núi.

Triều Tiên công bố toàn cảnh vụ phóng tên lửa ngày 29/11/2017

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại