10 người chỉ cứu được 5
Mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai đều tiếp nhận các trường hợp bị viêm tuỵ cấp, nhiều nhất là vào dịp nghỉ lễ, tết nhất.
Giáo sư Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, số lượng ca cấp cứu do viêm tuỵ cấp ngày càng tăng.
Nếu như mười năm trước khi bị viêm tuỵ cấp 10 bệnh nhân cùng lắm chỉ sống được 1 bệnh nhân thì đến nay bệnh nhân được cứu là 5/10 do các kỹ thuật của y học trong đó có lọc máu hiện đại.
Tuy nhiên, bệnh lý này diễn biến quá nhanh nên bệnh nhân vào viện khi đã nặng và có biến chứng. Biến chứng nguy hiểm nhất là suy đa tạng, là nguyên nhân tử vong cao nhất. Viêm tuỵ cấp nặng càng có nhiều tạng suy nguy cơ tử vong sẽ càng cao.
Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ cũng cho biết hàng ngày bệnh viện vẫn gặp các bệnh nhân bị đau bụng, nôn sau uống rượu và kết quả là viêm tuỵ cấp.
Tụy là một tạng nằm trong phúc mạc phía trên cột sống ngang mức L1- L2, giữa tá tràng và lách, sau dạ dày, phía trước các mạch máu lớn. Tụy gồm 3 phần: đầu, eo, thân và đuôi tụy. Tụy dài 16-20mm, cao 4- 5cm, dày 2-3cm. Tụy có chức năng nội tiết (tiết insulin để kiểm soát đường huyết) và chức năng ngoại tiết (tiết các men tiêu hóa).
Viêm tuỵ cấp là bệnh tổn thương viêm nhu mô tuyến tuỵ cấp tính từ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong. Viêm tụy cấp ngày càng phổ biến với tần suất mắc vào khoảng 25 - 75 trường hợp/100.000 dân/năm, trong đó 10-30% là viêm tuỵ cấp nặng
Viêm tụy cấp là tình trạng viêm cấp tính ở tụy do hoạt hóa các proenzyme ngay tại tụy gây ra sưng, phù nề tổ chức tụy hoặc nặng hơn nữa là gây ra chảy máu, hoại tử trong nhu mô tụy.
Nguyên nhân của viêm tụy cấp
Hiện nay nguyên nhân này thương gặp hơn các nguyên nhân tắc nghẽn cơ học khác đó là tình trạng uống rượu bia.
Ngoài ra, viêm tuỵ cấp còn do sỏi ống mật chủ, u tụy hay u bóng Vater, giun chui ống mật hoặc dị vật, sau phẫu thuật vùng quanh tụy, sau nội soi mật - tụy ngược dòng, do chấn thương đụng dập vùng tụy, do rối loạn chuyển hóa như: tăng triglycerid máu, tăng canxi máu.
Các nguyên nhân khác: Nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, virus, độc chất hay thuốc (azathioprin, mercaptopurin, tetracyclin, ethylalcol, thuốc trừ sâu phospho hữu cơ...) loét dạ dày...Cũng có khoảng 10 – 15% các trường hợp viêm tuỵ cấp không rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Gia Bình trong những năm gần đây tỷ lệ viêm tụy cấp do rượu đang tăng lên một cách rõ rệt chiếm tới 70% số ca nhập viện.
Triệu chứng của viêm tuỵ cấp nổi bật nhất là đau bụng, chủ yếu đau vùng thượng vị, đau dữ dội, đột ngột sau bữa ăn thịnh soạn. Đau thường kéo dài, lan ra sau lưng, hoặc hạ sườn 2 bên.
Triệu chứng thứ hai là nôn và buồn nôn: thường xảy ra sau đau, nôn xong không đỡ hay hết đau (khác viêm dạ dày cấp), thường nôn ra dịch dạ dày, dịch mật, thể nặng có thể nôn ra dịch máu loãng.
Chướng bụng và bí trung đại tiện: nhất là với các thể viêm tụy cấp hoại tử nặng, một số trường hợp lại đi ngoài lỏng nhiều lần.
Bệnh nhân diễn tiến rất nhanh
Khi thăm khám bác sĩ có thể thấy bụng chướng nhẹ, phản ứng thành bụng, không có co cứng thành bụng, nhu động ruột giảm hoặc mất do liệt ruột, gõ đục vùng thấp (dịch tự do ổ bụng), các dấu hiệu của nguyên nhân như tắc mật…
Ngoài ra, bệnh nhân còn có các biểu hiện khó thở: do đau, do tràn dịch màng bụng, màng phổi. Sốt: thường có sốt nhẹ, có thể sốt cao vì viêm nhiễm đường mật do sỏi, giun hoặc do hoại tử tụy rộng.
Khi bệnh nhân có biểu hiện sốc, vã mồ hôi, chân tay lạnh, nhợt nhạt, tinh thần chậm chạp, mạch nhanh, HA tụt, người bệnh hốt hoảng, kích động hoặc ngược lại nằm lờ đờ, mệt mỏi, có những mảng bầm tím ở chân tay, thân thể, thở nhanh và nông... cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được cấp cứu vì diễn biến của bệnh thường rất nhanh.
Việc cấp cứu sớm hay muộn chính là tiên lượng tốt hay xấu của người bệnh.
Phòng viêm tuỵ cấp tốt nhất đó là hạn chế bia rượu, điều trị sỏi mật để tránh biến chứng.