Viêm túi mật nguy hiểm thế nào?

Theo các chuyên gia, bệnh viêm túi mật là bệnh lý thường gặp nhưng đa phần mọi người chủ quan vì nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác. Bệnh viêm túi mật nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

Dễ nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa

Nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm túi mật vào viện muộn do nhầm lẫn với các rối loạn tiêu hóa. Như trường hợp ông Lê Văn T, 50 tuổi (ở Thái Bình). 

Ông T có tình trạng đau bụng vùng hạ sườn phải, ăn uống kém trong nhiều tháng. Tuy nhiên, vì nghĩ mình chỉ bị bệnh lý rối loạn tiêu hóa nên ông không đi khám mà tự uống thuốc lá, thuốc Đông y. 

Đến khi không ăn được, người gầy sút cân nhiều, ông mới đi khám bệnh kiểm tra. Sau khi được khám và làm các xét nghiệm để chẩn đoán, các bác sĩ đã phát hiện ông bị viêm túi mật hoại tử do biến chứng của viêm đường mật. Theo bác sĩ, trước đó ông có tiền sử bị giun chui ống mật.

ThS.BS Nguyễn Danh Đức, Chuyên khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Meclatec) cho biết, viêm túi mật là bệnh khá phổ biến song vẫn chưa được mọi người chú ý đúng mức. 

Hầu hết, các bệnh nhân phát hiện bệnh rất tình cờ khi đi khám sức khỏe, xét nghiệm máu và siêu âm ổ bụng. Rất nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng đã có biến chứng khá nặng. 

Đặc biệt, những người có nguy cơ cao ít biết trước mình có khả năng mắc bệnh như người cao tuổi, phụ nữ, người béo phì, giảm cân nhanh…

Viêm túi mật có thể tiến triển thành viêm ống mật chủ và viêm đường mật nằm trong gan. Từ đó, nó có thể gây viêm gan và xơ gan do mật. Người bệnh có thể tử vong nhanh do bị viêm nhiễm trùng và nhiễm độc nặng. 

Những biến chứng nguy hiểm thường gặp do bệnh viêm túi mật gây ra là viêm mủ túi mật, thủng túi mật, hay thấm dịch mật ra ổ bụng gây viêm phúc mạc (viêm ổ bụng) dẫn đến nhiễm trùng huyết, chảy máu đường mật, tắc ống mật chủ, dò đường tiêu hóa - mật.

PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Gan Mật (Hà Nội) cho biết, viêm túi mật là bệnh có thể điều trị nếu được phát hiện sớm. Khi bị viêm túi mật, bệnh nhân thường rất đau bụng vùng hạ sườn phải. 

Cơn đau thường bắt đầu âm ỉ, sau đó đau dữ dội, đôi khi kèm theo sốt, ói mửa, buồn nôn. Với những triệu chứng này nhiều người dễ nhầm lẫn đây là những cơn đau tá tràng, viêm loét đại tràng hoặc rối loạn tiêu hóa.

Túi mật nằm ở mặt dưới gan, vùng bụng trên bên phải, dưới bờ sườn. Túi mật có chức năng chứa dịch mật do gan bài tiết. 

Khi ăn, túi mật co lại, tống mật vào ruột để tiêu hóa thức ăn. Viêm túi mật xảy ra do tắc nghẽn đường dẫn mật, chủ yếu do sỏi mật gây nên ứ mật, tổn thương túi mật dẫn tới nhiễm khuẩn.

 Ngoài ra, cũng có thể do giun chui lên túi mật mang theo vi trùng từ phân lên, gây viêm nhiễm… Viêm túi mật làm tắc đường dẫn mật, khi túi mật phình to phải mổ cấp cứu cắt túi mật. 

Cũng có thể viêm túi mật tạo thành ổ mủ gây thủng túi mật và vi trùng tràn ra ngoài ổ bụng dẫn đến viêm phúc mạc, thậm chí bệnh nhân có thể tử vong. 

Bệnh viêm túi mật cấp nếu không được điều trị kịp thời sẽ chuyển thành viêm túi mật mạn khiến người bệnh luôn mệt mỏi, chán ăn, khó tiêu, sức khỏe suy yếu.

Về việc điều trị viêm túi mật, PGS.TS Trịnh Thị Ngọc cho biết, viêm túi mật có hay không có sỏi sẽ được điều trị nội khoa tích cực trước với thuốc giảm đau, truyền dịch qua đường tĩnh mạch, kháng sinh. 

Nếu thất bại sẽ phải điều trị ngoại khoa. Với điều trị ngoại khoa, mổ cắt túi mật cấp cứu khi có biểu hiện viêm túi mật hoại tử, thấm mật phúc mạc, viêm phúc mạc do thủng túi mật. 

Chỉ định mổ chương trình cắt túi mật khi viêm túi mật tái phát nhiều lần, túi mật có sỏi lớn, nhiều sỏi hoặc viêm teo mạn tính. Hiện nay, phương pháp cắt túi mật qua nội soi là phương pháp tiến bộ đã được áp dụng tại nhiều bệnh viện giúp rút ngắn ngày điều trị, giảm đau sau mổ và an toàn.

Có thể biến chứng thành ung thư

Theo ThS.BS Nguyễn Danh Đức khuyến cáo, những bệnh nhân bị viêm túi mật mạn tính có thể chuyển biến thành ung thư túi mật. Tuy nhiên, tỷ lệ rất ít và hiếm gặp. Triệu chứng của bệnh ung thư túi mật thường không đặc hiệu. 

Bệnh tiến triển nặng khi khởi phát, bệnh nhân sẽ đau hạ sườn phải, da vàng, gầy sút cân, buồn nôn hoặc nôn mửa, bụng trướng…

Đa phần người bệnh không được chẩn đoán sớm nên việc điều trị ung thư túi mật rất khó do ung thư lan rộng nhanh và thường di căn vào các cơ quan kế cận, nhất là vào gan làm cho việc cắt bỏ vô cùng khó khăn.

Những người ăn uống nhiều chất dinh dưỡng, dư cholesterol, những người mập dễ mắc bệnh này do cholesterol dư lắng đọng ở túi mật gây nên sỏi túi mật. 

Ngoài ra, ăn uống không hợp vệ sinh làm đường tiêu hóa bị nhiễm trùng cũng có nguy cơ cao. Mật là cơ quan thuộc đường tiêu hóa nên việc ăn uống khoa học, đúng cách sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh rất nhiều.

Bởi vậy, mọi người nên áp dụng chế độ ăn uống ít chất béo, hạn chế các đồ ăn có nhiều cholesterol; vệ sinh ăn uống, trước khi ăn cần rửa tay sạch để tránh nhiễm giun; định kỳ xét nghiệm tìm trứng giun sán trong phân, nếu có thì phải tẩy giun sán. 

Khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1-2 lần/1 năm là phương pháp khoa học giúp sớm phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả.

Ăn uống khi bị viêm túi mật

Khi bị viêm túi mật cấp cần để cho túi mật nghỉ ngơi bằng cách loại bỏ hoặc giảm bớt các chất béo trong chế độ ăn vì chúng làm cho túi mật tăng co bóp. Chế độ ăn chỉ nên có glucid như nước đường, nước quả, nước rau, cho thêm bột ngũ cốc, khoai nghiền. Nên ăn nhạt, nhiều chất xơ để chống táo bón.

Trường hợp bị viêm túi mật hoặc đường mật mạn tính, bệnh nhân thường có triệu chứng rối loạn tiêu hóa cũng cần áp dụng chế độ ăn hạn chế chất béo. Mỗi ngày chỉ nên ăn thịt một lần (thịt trắng và nạc, không có mỡ). 

Đạm thực vật (đậu, đỗ) nên ăn dưới dạng nghiền nát, ninh nhừ. Nên dùng nhiều với các thức ăn giàu glucid vì dễ tiêu, không ảnh hưởng xấu đến mật, không dùng chocolate, ca cao, các thức ăn có trộn thêm trứng và bột như bánh ngọt vì gây khó tiêu.

ThS.BS Nguyễn Danh Đức

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại