Viêm gân Achilles khi chơi thể thao: Chấn thương dễ gặp

Lê Hùng (HLV thể thao) |

Gân Achilles (gân gót chân) được sử dụng trong hầu hết các hoạt động nên cũng là nơi chịu nhiều áp lực và dễ bị tổn thương.

Đặc biệt với những người tập luyện thể thao, viêm gân Achilles là tình trạng thường gặp.

Gân Achilles là gân lớn nhất cơ thể kéo dài từ bắp chân với sự hợp nhất của 3 cơ: 2 cơ bụng chân và cơ bám vào xương gót. Ngoài việc thực hiện các động tác như đi bộ, nhảy, chạy, gân Achilles giúp cơ thể đứng trên các đầu mũi chân. Gân Achilles là một vùng khá ít mạch máu, cách chỗ bám vào xương gót từ 3-6cm. Đây là chỗ thường bị tổn thương viêm tại điểm bám gân, viêm quanh gân, viêm giữa gân, xơ gân hoặc đứt gân.

Viêm gân Achilles khi chơi thể thao: Chấn thương dễ gặp - Ảnh 1.

Khi tập luyện thể thao, dễ bị viêm gân Achilles.


Tổn thương gân Achilles thường do sự quá tải về lực, trọng lực trực tiếp lên gân - có thể thấy ở những người chơi thể thao có di chuyển với tốc độ cao, thường xảy ra nhất ở những người chạy bộ đột nhiên tăng cường độ hoặc thời gian chạy.

Các môn thể thao dễ có tổn thương gân Achilles là: Chạy bộ, chạy đường dài, thể dục dụng cụ, khiêu vũ, bóng đá, bóng chuyền, bóng ném, bóng rổ, bóng chày, tennis. Tổn thương gân này thường do bắt đầu di chuyển một cách đột ngột với động tác đẩy mũi bàn chân và nhấc chân di chuyển nhanh để tăng tốc hay chạy nước rút khi về đích hoặc do đổi hướng di chuyển đột ngột. Cấu tạo gân bao gồm nhiều sợi nhỏ, một động tác đột ngột huy động quá nhiều sợi gân nhỏ tham gia mà thiếu sự đàn hồi sẽ gây nên tổn thương từ mức độ nhẹ đến nặng.

Sợi gân được tạo nên bởi các sợi collagen giúp gân có độ mềm mại và linh hoạt. Ngoài ra, mô liên kết với các chất đàn hồi xung quanh giúp các bó sợi trượt lên nhau khi có các chuyển động. Lượng collagen giảm dần theo độ tuổi, nên tổn thương gân này hay gặp ở người ngoài 30 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Người càng lớn tuổi thì dễ tổn thương gân Achilles hơn.

Những người có cơ địa dễ có tổn thương gân Achilles là người có khớp cổ chân lỏng lẻo, béo phì, yếu cơ, bệnh rối loạn chuyển hoá, dùng thuốc corticoid. Phụ nữ đi giày cao gót hoặc người có bàn chân dẹt do phân bố lực bị dồn vào một điểm trong thời gian dài với một tư thế cố định cũng dễ bị viêm gân này.

Viêm gân Achilles khi chơi thể thao: Chấn thương dễ gặp - Ảnh 2.

Vị trí gân Achilles.

Dấu hiệu tổn thương gân Achilles

Biểu hiện nhẹ nhất là cảm giác đau rát bỏng hay đau cứng phần thấp bắp chân sau vào buổi sáng. Một số trường hợp thì có thể rách một phần gân hoặc đứt hoàn toàn gân. Đau vùng gót, đặc biệt khi căng gót hoặc đứng trên đầu mũi chân. Đau nhiều vào buổi sáng. Khi viêm gân Achilles lâu sẽ có nguy cơ bị đứt gân. Nếu gân bị đứt thì sẽ đau dai dẳng, cảm giác phù nề vùng gót chân, đôi khi thấy cứng đơ vùng đó. Thậm chí bạn có thể nghe thấy tiếng nổ hay tiếng rắc ở vùng gân, xuất hiện cùng với đau do gân bị đứt. Đồng thời, vùng gót chân trở nên sưng nề và tím do có chảy máu giữa các sợi gân. Người bệnh cũng có thể phải trải qua những cơn đau hay cứng khớp, nhất là buổi sáng, thường cải thiện khi hoạt động nhẹ.

Dấu hiệu chấn thương nặng:

Nếu bị những cơn đau kéo dài xung quanh gân Achilles, hãy liên lạc với bác sĩ. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu cơn đau hoặc thương tật nặng. Viêm gân Achilles có thể làm suy yếu gân, khiến nó dễ bị rách hơn (đứt) - một chấn thương đau đớn thường phải can thiệp phẫu thuật.

Hầu hết các trường hợp viêm gân Achilles có thể được điều trị bằng cách chăm sóc tại nhà tương đối đơn giản dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Các phương pháp tự chăm sóc cần thiết để ngăn chặn các đợt tái phát. Các trường hợp nghiêm trọng hơn của viêm gân Achilles có thể dẫn đến rách gân có thể phải can thiệp phẫu thuật.

Khoảng 80% tổn thương gân ở mức độ rách một phần nhỏ có thể hồi phục trong thời gian từ 3 - 6 tháng hoặc lâu hơn khi điều trị bảo tồn như nghỉ ngơi, tránh các bài tập nặng và khó.

Cách giảm nguy cơ chấn thương

Mặc dù có thể không thể ngăn ngừa viêm gân Achilles, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau để giảm nguy cơ mắc phải:

Hãy dành thời gian giãn cơ bắp chân và gân Achilles vào buổi sáng, trước và sau tập thể dục để duy trì sự dẻo dai. Điều này đặc biệt quan trọng nhằm tránh viêm gân Achilles tái phát.

Tăng dần dần mức độ hoạt động. Nếu bạn chỉ mới bắt đầu một chế độ tập thể dục, hãy bắt đầu từ từ và tăng dần thời lượng và cường độ tập luyện.

Tránh các hoạt động gây căng thẳng quá mức trên gân, chẳng hạn như chạy đồi. Nếu bạn tham gia hoạt động gắng sức, trước tiên hãy làm nóng bằng cách tập thể dục với tốc độ chậm hơn. Nếu một bài tập cụ thể làm bạn thấy đau, hãy dừng lại và nghỉ ngơi. Thay thế các hoạt động cường độ cao như chạy nhảy bằng các hoạt động cường độ thấp như đạp xe và bơi.

Chọn giày cẩn thận: Những đôi giày mang trong khi tập thể dục phải có đệm đầy đủ cho gót chân của bạn và nên có một vòm đệm vững chắc để giúp giảm căng thẳng cho gân Achilles. Thay giày cũ. Nếu đôi giày của bạn ở trong tình trạng tốt nhưng không nâng đỡ bàn chân của bạn, hãy thử vòm đệm trong cả đôi giày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại