Nha sĩ Rustam Yakhyaev, 24 tuổi đến từ Surgut, miền Trung nước Nga vừa đăng tải một đoạn video tự nhổ răng của mình lên mạng xã hội.
Theo đó, anh ngồi trước gương, tự tiêm thuốc gây tê rồi dùng dụng cụ chuyên dụng tự nhổ răng khôn. Sau khi nhổ xong, miệng của bác sĩ nha khoa điển trai bị dính đầy máu. Tiếp đó, anh cũng bình tĩnh khâu lại vết thương.
Video của nha sĩ đang làm việc tại một phòng khám tư nhân này được đánh giá là không dành cho những người yếu tim. Video nhanh chóng được lan tỏa và nhận được hơn 400.000 lượt người xem.
"Đây là một phòng khám hoàn toàn mới và tôi luôn phải làm việc mà không có trợ lý. Đó là lý do tại sao tôi tự nhổ răng mình. Chiếc răng khôn này đã khiến tôi rất khó chịu. Tôi đã chụp x-quang trước đó và thấy chiếc răng cần được loại bỏ.
Việc nhổ răng này hoàn toàn không khó và không gây đau đớn vì tôi đã gây tê thành công. Hơn nữa, tôi nghĩ đây là một trải nghiệm thú vị và giải trí. Tôi không ngờ nhiều người lại quan tâm đến như vậy", vị bác sĩ chia sẻ.
Nha sĩ Yakhyaev từng tốt nghiệp Trường Đại học Y Liên bang Ural ở Yekaterinburg trước khi chuyển đến Surgut để làm việc.
Video tự nhổ răng của nha sĩ người Nga. (Độc giả cân nhắc trước khi xem).
Khi nào nên nhổ răng khôn?
- Khi việc mọc răng khôn gây ra các biến chứng đau, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, u nang, ảnh hưởng đến răng lân cận.
- Khi răng khôn chưa gây ra biến chứng, nhưng giữa răng khôn và răng bên cạnh có khe giắt thức ăn, dự báo sẽ ảnh hưởng đến răng bên cạnh. Nha sĩ có thể chỉ định nhổ răng khôn để ngăn ngừa biến chứng
- Răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu nhưng không có răng đối diện ăn khớp, làm răng khôn trồi dài xuống hàm đối diện. Điều này tạo bậc thang giữa răng khôn và răng bên cạnh, gây nhồi nhét thức ăn, lở loét nướu hàm đối diện.
- Răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu, nhưng hình dạng răng khôn bất thường, nhỏ, dị dạng, gây nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh, lâu ngày gây sâu răng và viêm nha chu răng bên cạnh.
- Bản thân răng khôn có bệnh nha chu hoặc sâu răng lan rộng.
Quá trình nhổ răng khôn
Để loại bỏ răng khôn, nha sĩ phải rạch một đường ở lợi, tiếp đó lấy phần xương chặn gốc răng rồi gắp từng phần chân răng ra. Sau khi "dọn sạch", nha sĩ sẽ vệ sinh và khâu lại vết mổ.
Tuy quá trình nhổ răng khôn tương đối nhanh chóng nhưng lại gây đau đớn nên bệnh nhân được gây tê một phần hoặc toàn bộ. Với những người có răng khôn mọc thẳng, các công đoạn này có thể diễn ra đơn giản hơn.
Các chuyên gia khuyến cáo, để hạn chế những rủi ro do mọc răng khôn, khi có triệu chứng, người bệnh nên sớm đi khám bác sĩ, để được vấn về vệ sinh, chăm sóc, hoặc nhổ chiếc răng khôn nhằm tránh các biến chứng.
Còn với những người phẫu thuật nhổ răng khôn, bệnh nhân cần tuân thủ theo sự dặn dò của các bác sĩ để phần lợi sau khi nhổ nhanh chóng được phục hồi.
Không nên súc miệng quá mạnh trong vòng 6 giờ sau khi nhổ răng. Không nhai thức ăn vào phần răng mới nhổ, tránh tình trạng thức ăn bám lại phần hố răng, tạo điều kiện cho sự xâm nhập của các vi khuẩn, gia tăng tình trạng viêm nhiễm.
Sau khi nhổ răng, nên ăn thức ăn mềm trong khoảng 1-2 ngày đầu, không ăn đồ cứng, khó nhai và phải thực hiện vệ sinh răng miệng sạch sẽ tại ổ răng sau mỗi bữa ăn.
Trong trường hợp tình trạng sưng, đau kèm sốt kéo dài, nên đến gặp chuyên gia nha khoa để được tư vấn hướng xử lý kịp thời.
* Tổng hợp từ nhiều nguồn