Gừng có tên khoa học là Zingiber offi cinale, thuộc họ Zingiberaceae.
Loại gia vị này có vị cay, tính ấm, dùng chữa một số bệnh ở hệ hô hấp (ho, đau họng, nhiều đàm, khó thở), rối loạn tiêu hóa (ợ hơi, buồn nôn, không dung nạp thức ăn, tiêu chảy), chống siêu vi, cảm cúm…
Gừng chứa nhiều tinh dầu: tinh dầu có thành phần alpha camphen, bêta phelandren, zingiberen; chất béo, bột và chất cay như zingeron, shogaola, zingerola… như là những chất kháng viêm tự nhiên nên có nhiều công dụng trong chữa bệnh.
- Chữa ho, đau họng, cảm cúm: dùng vài lát gừng tươi hãm với nước sôi, pha thêm một ít mật ong, nước ấm sẽ giúp làm dịu họng, loãng đàm, sát trùng đường hô hấp.
- Chữa viêm loét tá tràng: hãm vài lát gừng tươi uống như trà hoặc pha với sữa ấm uống trước khi ngủ, vừa giúp giảm bệnh, vừa giúp giấc ngủ sâu hơn.
- Chống say tàu xe, nôn ói: ngậm lát gừng trong miệng, nhai nuốt nước sẽ làm giảm cảm giác buồn nôn, say xe.
- Với bệnh thoái hóa khớp, viêm khớp thì dùng gừng sẽ giảm đau; có thể ngâm chân buổi tối trước khi ngủ với nước gừng ấm pha với muối.
- Nấu nước gừng (có thể thêm sả) hòa nước ấm tắm cho bé, có thể phòng bệnh (lúc thời tiết giao mùa, mùa mưa) và trị bệnh cảm cúm.
Ngoài ra, gừng còn có công dụng trong điều trị viêm xoang mạn tính, viêm xoang, đau bụng, nhiễm trùng…
Hiện nay, trên mạng internet có thông tin cho rằng, uống gừng buổi tối sẽ gây độc khiến nhiều người hoang mang, tẩy chay dược liệu quý này.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Đàn, giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM cho biết thông tin này không có cơ sở.
Vì từ y học cổ truyền đến hiện đại, đều ghi nhận những tác dụng chữa bệnh của gừng và không có nghiên cứu nào cho thấy việc uống gừng ban đêm là độc hại, nguy hiểm.
Tuy gừng có nhiều công dụng chữa bệnh, có tính an toàn cao nhưng đã là dược liệu có dược tính thì luôn có thể có phản ứng ngoài ý muốn. Do đó, khi sử dụng điều trị cần theo dõi, nên bắt đầu từ liều thấp và không được lạm dụng.
Vì khi sử dụng liều cao, một số trường hợp có thể bị các phản ứng: cảm giác nóng rát hầu họng, đau bụng, tiêu chảy hoặc ợ nóng.
Hiếm hơn, có thể bị bầm máu, ngứa, nhịp tim không đều… Người có rối loạn chức năng gan, thận cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng hoặc dùng liều thấp.
Dùng gừng cùng một lúc với các thuốc chống kết tụ tiểu cầu như aspirin, clopidogrel, warfarin, đan sâm, tỏi, bạch quả… cũng có nguy cơ tăng tác dụng của các thuốc chống đông và gây chảy máu; do đó, nên dùng liều thấp và cần theo dõi dấu hiệu chảy máu.
Ðặc biệt, phụ nữ có thai và cho con bú thì nên thận trọng khi sử dụng gừng.