Vì sao tướng Haftar được Mỹ và đồng minh Ả Rập "ngầm" ủng hộ trong cuộc đối đầu ở Libya?

Quốc Vinh |

Không chỉ được Tổng thống Trump ca ngợi, tướng Haftar còn nhận sự ủng hộ của các cường quốc Ả Rập và đặc biệt là mối quan hệ khá tốt với Nga.

Vào cuối tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã có một động thái đảo ngược đầy bất ngờ đối với chính sách của Mỹ ở Libya, theo Washington Post.

Theo tuyên bố của Nhà Trắng, ông Trump đã có cuộc điện đàm với tướng Khalifa Haftar, người đang lãnh đạo một cuộc tấn công chống lại Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được quốc tế công nhận ở Tripoli.

Trong cuộc trò chuyện, Tổng thống Mỹ đã ca ngợi tướng Hafter về những thành công trong cuộc chiến chống khủng bố và bảo vệ tài sản dầu của Libya.

Điều bất thường của cuộc điện đàm này là nó đến sau những thông điệp của bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc, thúc giục tướng Haftar từ bỏ mục đích quân sự và tham gia vào các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc làm trung gian với Chính phủ ở Tripoli.

Cuộc đối đầu giữa Quân đội Quốc gia Libya (LNA) và Chính phủ GNA một lần nữa đưa đất nước Libya chìm vào trong khói đạn, khởi đầu bằng cuộc tấn công của tướng Haftar hồi đầu tháng 4 với mục đích thống nhất quyền lực ở Tripoli.

"Cuộc điện đàm của ông Trump đã làm suy yếu chính sách của Mỹ trong suốt 8 năm qua, bao gồm cả hai năm đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống của ông", Ben Fishman, một cựu quan chức chính quyền Barack Obama nhấn mạnh. "Chính sách của chúng tôi là hỗ trợ tiến trình hòa bình do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn".

Không chỉ coi là một đối tác chống khủng bố, ông Trump còn tránh bình luận về hành động đơn phương của quân đội LNA trong việc tấn công Tripoli – điều cho thấy ông dường như ngầm ủng hộ cho tướng Haftar.

Theo Washington Post, Tổng thống Trump dường như không đơn độc trong nỗ lực này. Tướng Haftar có không ít các quốc gia Ả Rập ủng hộ, bên cạnh mối quan hệ nồng ấm với Nga. Thậm chí, nhiều chính phủ châu Âu đã bày tỏ mối quan ngại của họ với Chính phủ GNA được cho là còn nhiều yếu kém.

Theo tờ Eurasia Review, công chúng được chứng kiến rất ít sự đồng thuận của Nga-Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế, tuy nhiên quan điểm về tướng Haftar có thể là một ngoại lệ hiếm.

Khi pháo cối của tướng Haftar làm mưa làm gió ở vùng ngoại ô phía Nam Thủ đô Tripoli của Libya và cuộc chiến giữa Quân đội Quốc gia Libya và Chính phủ GNA mở rộng về phía Nam của đất nước, cả Nga và Mỹ đều phản đối nghị quyết ngừng bắn chính thức của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Nga phản đối dự thảo nghị quyết do Anh soạn thảo vì nó chỉ đổ lỗi cho phe tướng Haftar mà không nhắc gì đến GNA. Mỹ không đưa ra lý do cho sự phản đối của mình. Tuy nhiên, nhiều quan điểm tin rằng, Washington không muốn làm mất lòng các đồng minh Trung Đông đang ủng hộ tướng Haftar.

Sự đồng thuận hiếm hoi của Nga -Mỹ là một bước đi địa chính trị vượt ra ngoài khuôn khổ Libya. Nó tiết lộ phần lớn cách mà các tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin nhìn nhận về việc xây dựng một trật tự thế giới mới. Nó cũng hé mở về các mục tiêu của Nga ở Trung Đông và Bắc Phi.

Vì sao tướng Haftar được Mỹ và đồng minh Ả Rập ngầm ủng hộ trong cuộc đối đầu ở Libya? - Ảnh 2.

Cả Nga và Mỹ đều phản đối nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn ở Libya.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tin rằng, hành động của tướng Haftar trong việc tấn công Tripoli là một lựa chọn không hợp lý, phá tan mọi hy vọng về cuộc đối thoại có thể đưa Libya vào một con đường sáng sủa hơn.

Đối với Tổng thống Trump, quyết định ca ngợi tướng Haftar có thể chịu ảnh hưởng bởi những điều khác. Cuộc điện đàm của ông Trump với tướng Haftar được cho là đến sau cuộc trò chuyện riêng với Thái tử quyền lực của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Mohammed bin Zayed.

UAE, cùng với Saudi và Ai Cập từ lâu vẫn được biết đến là các quốc gia ủng hộ tướng Haftar. Họ cũng nhìn thấy ở vị tướng quân sự này là một nhân vật mạnh mẽ có thể giải quyết sự hỗn loạn ở Libya.

Theo Washington Post, UAE và Saudi Arabia và một số đồng minh khu vực coi sự lãnh đạo ổn định trên khắp thế giới Ả Rập như một liều thuốc giải cho sự hỗn loạn do những biến động dân chủ gây ra.

Tổng thống Trump được cho là người sớm chấp nhận quan điểm này - ông đã coi các phong trào phản kháng của Mùa xuân Ả Rập 2011 là nơi sinh sản của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, thay vì là phong trào phản ánh các xã hội bị đàn áp lâu dài mong muốn quyền tự do hơn.

Dường như đồng tình với quan điểm của Thái tử Mohammed, cũng như Thái tử Saudi Mohammed bin Salman, Tổng thống Trump đang tránh bất kỳ bình luận nào về cải cách dân chủ ở Trung Đông.

Theo quan điểm của học giả Trung Đông James Dorsey, ít nhất là trong bối cảnh Libya, lập trường của ông Trump có sự tương đồng với Điện Kremlin.

Hiện tại, có vẻ như Riyadh và Abu Dhabi đang cố gắng thực hiện cùng một kế hoạch ở những nơi khác ở Bắc Phi. Ngoài sự ủng hộ công khai của họ đối với tướng Haftar ở Libya, hai nước đã hỗ trợ để 3 tỷ USD viện trợ cho chính phủ quân sự ở Sudan.

Trong các tuyên bố chính thức, hai nước kỳ vọng cứu trợ như một nỗ lực để mang lại sự ổn định cho quốc gia châu Phi này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại