MiG-31 nhằm thẳng... MiG-31 mà bắn!
Ngày 23/4/2019, Baza - tờ báo điều tra độc lập còn tương đối mới của Nga dẫn một tài liệu bị rò rỉ của chính phủ nước này vừa tiết lộ một thông tin động trời: Vụ tai nạn của máy bay MiG-31 ở Siberia gần hai năm trước đây trên thực tế là hậu quả của một vụ khai hỏa nhầm trong quá trình huấn luyện.
Kết quả điều tra về vụ việc cũng cho thấy đang tồn tại những vấn đề cực kỳ nguy hiểm với bộ radar Zaslon-AM và hệ thống điều khiển hỏa lực Baget-55 của máy bay. Những lỗ hổng nghiêm trọng này có nguy cơ làm gia tăng khả năng xảy ra nhiều hơn các vụ bắn nhầm trong tương lai.
Tai nạn đề cập ở trên xảy ra vào ngày 26/4/2017 tại thao trường Telemba ở Buryatia, một nước cộng hòa bán tự trị thuộc Nga giáp biên giới với Mông Cổ.
Vào thời điểm đó, Kremlin chỉ thông báo chiếc máy bay này đang trong quá trình huấn luyện nhưng không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào về vụ tai nạn. Phi hành đoàn của cả hai chiếc MiG-31 đều sống sót sau vụ việc.
"Máy bay đã rơi ở một thao trường huấn luyện ở khu vực không có dân cư. Cả hai phi công đều đã nhảy thoát ra ngoài", Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố. "Họ đã được sơ tán kịp thời và không gặp nguy hiểm về tính mạng."
Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thêm thông tin nào được đưa ra về sự cố này. Theo ghi nhận của Baza, đó là một việc làm không bình thường.
Bộ đôi máy bay tiêm kích MiG-31 Nga
Vì đâu nên nỗi?
Bản báo cáo mà Baza thu thập được từ Rosaviaprom, cơ quan giám sát các doanh nghiệp hàng không và vũ trụ thuộc sở hữu nhà nước Nga đã không đổ trách nhiệm cho các phi công vì sự cố này. Tuy nhiên, họ cũng xác định cả phi hành đoàn của chiếc máy bay bị rơi và phi công điều khiển chiếc MiG-31 thứ hai tham gia cuộc diễn tập đều có lỗi.
Theo kết luận điều tra, phi hành đoàn trong chiếc máy bay bị bắn rơi đã không tuân thủ đúng quy trình khiến họ bị lạc vào đường hỏa lực trong cuộc tập trận bắn đạn thật. Trong khi đó, các phi công lái chiếc MiG-31 thứ hai đã bật chức năng điều khiển hỏa lực của hệ thống Zaslon-AM không đúng lúc làm một quả tên lửa R-33 bị kích hoạt bắn vào máy bay đồng nghiệp.
Báo cáo điều tra cũng đổ lỗi cho phi công đã bắn tên lửa khi mà cá nhân người này đáng nhẽ ra phải biết rằng anh ta không phải đang tham gia tấn công một mục tiêu giả.
Một chiếc MiG-31 Nga đậu tại phi trường ban đêm. Ảnh: BQP Nga
R-33 là tên lửa không đối không tầm xa có thể được coi là một vũ khí tương tự như tên lửa không đối không tầm xa AIM-54 Phoenix của Mỹ. Nó sử hệ thống dẫn đường quán tính để tiếp cận khu vực mục tiêu sau khi được máy bay phóng đi đúng hướng.
Một hệ thống dẫn đường radar bán chủ động sẽ giúp nó thu nhận thông tin ban đầu về mục tiêu rồi sau đó liên tục cập nhật thêm thông tin vị trí mục tiêu trong suốt quá trình bay ở pha giữa của tên lửa. Tiếp đến, một đầu dò radar chủ động tích hợp bên trong sẽ kích hoạt ở pha cuối để dẫn hướng tên lửa trên chặng đường còn lại tiêu diệt mục tiêu.
Qua phân tích báo của của Rosaviaprom, tờ Baza còn phát hiện thêm một chi tiết quan trọng khác, đó là radar Zaslon-AM radar và máy tính điều khiển hỏa lực Baget-55 (hệ thống S-800) của MiG-31 đã không hoạt động đúng lúc.
MiG-31 mang tên lửa tầm xa R-33 (AA-9)
Theo thiết kế, hệ thống điều khiển vũ khí S-800 sẽ tự động cảnh báo phi công trong trường hợp họ vô tình ngắm vào một máy bay có trang bị bộ nhận diện địch - ta (IFF). Thế nhưng, trong sự cố hồi tháng 4/2017, hệ thống này đã nhầm chiếc MiG-31 là "mục tiêu thù địch" trong khi IFF vẫn đang hoạt động.
Dẫn các nguồn tin giấu tên, Baza đưa ra nhận định một phần nguyên nhân của vấn đề có thể do các bộ xử lý máy tính của Baget-55 đã không thể xử lý được toàn bộ thông tin từ hệ thống radar khổng lồ Zaslon-AM. Đây là loại radar quét mảng pha điện tử thụ động (PESA) hoạt động trên cả hai băng tần X và L.
MiG-31 tại Triển lãm hàng không Paris năm 1991
Ngoài ra, còn xuất hiện các thông tin khác cho rằng, Baget-55, mặc dù đã được cải tiến nhưng có thể đã không tích trữ đủ năng lượng để hỗ trợ radar của máy bay. Một nguồn tin tiết lộ trên Baza rằng, các phi công đã sử dụng "chế độ thử nghiệm hoạt động", tức liên tục bật - tắt radar để giảm tải cho máy tính điều khiển hỏa lực.
Baget-55 cũng có thể đã giới hạn chức năng của hệ thống dò tìm hồng ngoại (IRST) 8TK trên MiG-31. Các nguồn tin của Baza cho biết, IRST - hệ thống có nguồn gốc từ thời Liên Xô, không tương thích 100% với Baget-55 mới và do vậy không có chức năng tự hoạt động.
Tất cả những nguyên nhân thảo luận ở trên đang đặt ra những nghi vấn về các khả năng của dòng máy bay đánh chặn hàng đầu này của Nga khi chúng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ vùng không phận rộng lớn của đất nước.
Cũng chưa rõ tại sao hai chiếc máy bay chiến đấu, đã từng huấn luyện cùng nhau, lại không nhận biết được vị trí của chúng trong khu vực hoạt động. Việc một chiếc máy bay bạn bè đi vào vùng nguy hiểm trong diễn tập bắn đạn thật thực sự đang đặt ra những câu hỏi về quá trình thiết kế bài tập cũng như liệu các phi công đã tuân thủ đầy đủ các quy trình huấn luyện hay chưa.
Vẫn còn những chi tiết vô cùng quan trọng về toàn bộ tiến trình diễn ra sự việc chưa được biết tới như khoảng cách tương đối và trần bay của hai chiếc MiG-31, các nguyên tắc tấn công khi bắn đạn thật và những tham số diễn tập cụ thể.
Khi báo cáo điều tra đã được tiết lộ, nhiều thông tin nữa có thể sẽ dần lộ diện trong tương lai giúp có thêm lời giải cho những gì đã xảy ra trên không phận Buryatia năm 2017.
Tuy nhiên, nếu sự việc thực sự là một vụ bắn nhầm thì cần phải đặt ra câu hỏi về các khả năng của dòng máy bay MiG-31 - lực lượng trọng tâm trong mạng lưới phòng không hiện đại của Nga.
MiG-31BM Nga phá hủy mục tiêu ở khoảng cách 40km