Tại sao Su-35 rơi vào tay Ai Cập là tin cực xấu đối với Mỹ?

Vy Lam |

Mỹ đang tìm cách khiến Ai Cập phải tiếp tục phụ thuộc vào vũ khí phương Tây, trong khi vẫn hạn chế nước này tiếp cận với các loại vũ khí tiên tiến.

Su-35 sẽ "cách mạng hóa" Không quân Ai Cập

Sau những báo cáo cho biết các lực lượng vũ trang Ai Cập đã ký hợp đồng mua hơn 20 tiêm kích thế hệ mới Su-35 từ Nga nhằm hiện đại hóa phi đoàn máy bay chiến đấu của lực lượng không quân, Mỹ đã cảnh báo Cairo rằng nước này sẽ trở thành mục tiêu của các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu không hủy bỏ thỏa thuận với Moscow.

Tại sao Su-35 rơi vào tay Ai Cập là tin cực xấu đối với Mỹ? - Ảnh 1.

Su-35 sẽ mang lại cho Không quân Ai Cập sức mạnh mới.

Đây là thỏa thuận mua sắm đầu tiên của Không quân Ai Cập với các chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không hiện đại, mặc dù nước này đã có ý định tương tự từ giữa những năm 1970, khi đề nghị Mỹ cung cấp F-15 Eagle (mẫu máy bay đã được Washington bán cho Israel và Saudi Arabia) và Iran cung cấp F-14 nhưng đều bị từ chối.

Tình trạng thiếu tiêm kích chiếm ưu thế trên không hạng nặng, hiện đại của Ai Cập đã khiến không quân nước này gặp bất lợi lớn suốt một thời gian dài trước các lực lượng không quân hiện đại khác như Israel và Algeria.

Việc Không quân Ai Cập không được tiếp cận với các tên lửa không-đối-không hiện đại do những hạn chế trong xuất khẩu của Mỹ cũng làm giới hạn nghiêm trọng khả năng tác chiến của các loại tiêm kích hạng nhẹ do Mỹ chế tạo – như F-16.

Điều đó một lần nữa khiến Ai Cập không thể thách thức các quân đội hiện đại như Algeria hoặc các đối thủ ở cấp độ cao hơn như Saudi Arabia và Israel (những nước đang có trong tay một số biến thể mới nhất của tên lửa AIM-120).

Các tiêm kích hạng nhẹ do Mỹ chế tạo, dù đã trở thành xương sống trong lực lượng không quân Ai Cập nhiều thập kỷ, nhưng lại không thể tạo ra mối đe dọa đối với các đối thủ của Cairo, trừ phi ở cự ly ngắn.

Tên lửa AIM-7 từ thời Chiến tranh Việt Nam tỏ ra chậm chạp, thiếu chính xác và dễ bị đánh lừa bởi các phương thức tác chiến điện tử hiện đại, được điều khiển từ xa.

Cán cân sức mạnh đang bị lệch này gây bất lợi cho Ai Cập nhưng lại được Washington đánh giá là vô cùng có ích.

Tại sao Su-35 rơi vào tay Ai Cập là tin cực xấu đối với Mỹ? - Ảnh 2.

Tiêm kích F-16 của Không quân Ai Cập.

Thậm chí chỉ với số lượng nhỏ, Su-35 sẽ giúp "cách mạng hóa" khả năng tác chiến không-đối-không của Ai Cập.

Đồng thời, nó mang lại cho nước này cơ hội tiếp cận không chỉ các loại tên lửa không-đối-không tầm xa R-27ER và R-77 (tấn công trực tiếp chiến đấu cơ đối phương), mà còn cả "sát thủ AWACS" siêu vượt âm R-37M, có khả năng tiêu diệt các loại máy bay hỗ trợ của đối phương như E-3 (Saudi) hay Eitam (Israel).

Radar quét mảng pha điện tử thụ động Irbis E trên Su-35 sẽ giúp phi công nhận thức tình huống ở cấp độ chưa từng thấy. Bên cạnh đó, các tên lửa không-đối-không tầm xa tiên tiến được bổ sung khả năng tấn công các chiến đấu cơ tàng hình của đối phương, như tiêm kích F-35 Israel, ở tầm trung.

Sự kết hợp của 14 tên lửa "không đối thủ", cảm biến mạnh mẽ, tốc độ cao, độ cao lớn, hệ thống vector lực đẩy 3 chiều sẽ khiến Su-35 trở thành tiêm kích chiếm ưu thế trên không đáng gờm nhất tại Trung Đông và châu Phi.

Đối thủ duy nhất của nó có lẽ là F-15SA. Mặc dù là tiêm kích tấn công về mặt kỹ thuật nhưng F-15SA có khả năng được triển khai để chiếm ưu thế trên không.

Su-35 sẽ không chỉ giúp Ai Cập vươn lên ngang bằng với các quân đội khác trong khu vực về khả năng tác chiến đường không, mà còn mang lại cho không quân Ai Cập một lợi thế rõ rệt, với những khả năng mà không một lực lượng nào khác trong khu vực hiện nay có được.

Tại sao Su-35 rơi vào tay Ai Cập là tin cực xấu đối với Mỹ? - Ảnh 3.

"Sát thủ AWACS" siêu vượt âm R-37M

Mỹ tìm mọi cách ngăn Ai Cập tiếp cận vũ khí hiện đại

Về phần mình, Mỹ đang tìm cách khiến Ai Cập phải tiếp tục phụ thuộc vào vũ khí phương Tây, trong khi vẫn hạn chế nước này tiếp cận với các loại vũ khí tiên tiến, nhằm đảm bảo cán cân lực lượng nghiêng về phía những khách hàng thân thiết của Washington, như Israel và Saudi Arabia.

Điều này có thể thấy rõ qua những động thái gần đây của Mỹ nhằm ngăn Pháp bán tên lửa hành trình Scalp cho Ai Cập để trang bị trên các chiến đấu cơ Rafale. Washington cho biết tên lửa của Pháp có sử dụng linh kiện của Mỹ và Mỹ không muốn chúng rơi vào tay Ai Cập.

Mặc dù chính phủ Ai Cập trong những năm 1970 đã thiết lập mối quan hệ theo hướng thiên lệch nhưng chính phủ mới lên nắm quyền từ năm 2013 đã có rất nhiều kế hoạch khác nhau để xây dựng tiềm lực quốc phòng quốc gia.

Quyết định mua các hệ thống phòng không hiện đại S-300V4 và xe tăng T-90 của Nga đã đưa Ai Cập đi xa hơn trên hành trình tiến tới mục tiêu mới.

Các quan chức Mỹ tuyên bố Ai Cập sẽ không thu được mấy lợi ích khi thân thiết với Nga nhưng theo Military Watch, có thể thấy một bức tranh rất khác biệt nếu so sánh mức độ tinh vi của các hệ thống vũ khí mà Mỹ và Nga đồng ý cung cấp cho Cairo.

Có thể nền kinh tế mong manh sẽ buộc Ai Cập phải thỏa hiệp trước các yêu cầu của Mỹ nhưng vẫn có rất ít (thậm chí không có) cơ hội Washington sẽ đồng ý bán cho Cairo các loại vũ khí chiếm ưu thế trên không tiên tiến, với năng lực ngang ngửa Su-35 Nga, hay thậm chí cung cấp cho Ai Cập tên lửa không-đối-không hiện đại để trang bị trên các chiến đấu cơ thế hệ cũ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại