Ấn Độ phải "ôm hận" vì mua tiêm kích Rafale từ Pháp: Bị Pakistan bóc hết bí mật?

Vy Lam |

Những thông tin tối mật về máy bay chiến đấu Rafale phải chăng đã rơi vào tay Pakistan?

Phi công Pakistan đã được tiếp cận Rafale?

Một buổi sáng tháng 4, người Ấn thức dậy trong những ồn ào mới trên phương tiện truyền thông liên quan đến thỏa thuận mua tiêm kích Rafale của họ. Cơn sóng này dấy lên bởi một chi tiết dường như "rất nhỏ nhặt" trong bản báo cáo 2 tháng trước.

Cụ thể, hồi tháng 2 năm nay, tờ Aviation International News đã đưa tin về đợt chuyển giao đầu tiên, gồm 36 chiếc Rafale, cho Qatar. Ngoài thông tin chi tiết về các loại vũ khí, cảm biến và giá trị hợp đồng của Qatar, Aviation International News còn cho biết thêm về chương trình huấn luyện đi kèm.

"Nhóm phi công đầu tiên đã thực hiện công tác huấn luyện cho Qatar vào tháng 11/2017 là các sĩ quan đến từ Pakistan" – Tờ này viết.

Trong khi đó, lô Rafale đầu tiên dành cho Ấn Độ dự kiến sẽ được chuyển giao vào tháng 9 năm nay.

Ấn Độ phải ôm hận vì mua tiêm kích Rafale từ Pháp: Bị Pakistan bóc hết bí mật? - Ảnh 1.

Tiêm kích Rafale của Qatar. Ảnh: Dassault Aviation

Trước khi được Aviation International News đăng tải, thông tin này đã xuất hiện trên một website quốc phòng của Pakistan hôm 10/4, và sau đó được các nhà báo, cũng như người sử dụng mạng xã hội tại Ấn Độ nhanh chóng cập nhật.

Đại sứ Pháp tại Ấn Độ trưa ngày 11/4 đã đăng tải trên Twitter cá nhân, khẳng định thông tin trên là "sai sự thật".

Tuy nhiên, cũng đưa vấn đề này lên Twitter nhưng ông Jitendra Awhad – thành viên Đảng Quốc đại Ấn Độ (NCP) đã giễu cợt việc chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi muốn "giữ bí mật tối cao" giá trị hợp đồng Rafale của Ấn Độ, ngay cả khi phi công Pakistan đang huấn luyện vận hành chúng cho Qatar.

Ấn Độ phải ôm hận vì mua tiêm kích Rafale từ Pháp: Bị Pakistan bóc hết bí mật? - Ảnh 2.

Dòng đăng tải của ông Jitendra Awhad trên Twitter

Không ngạc nhiên khi vụ việc ồn ào này khiến New Delhi phải xem xét kỹ lại những tác động tiềm năng đối với Không quân Ấn Độ khi các phi công Pakistan đã nắm rõ thông tin về các máy bay Rafale thông qua Qatar.

Điều đó rất quan trọng, khi mà Không quân Qatar đã đặt hàng nhiều loại vũ khí giống với hợp đồng của Không quân Ấn Độ. Qatar đã ký thỏa thuận mua 24 máy bay chiến đấu Rafale, đi kèm với vũ khí và chương trình huấn luyện vào tháng 5/2015. Tổng giá trị hợp đồng xấp xỉ 7 tỷ USD. Nước này còn đặt hàng thêm 12 chiếc nữa vào tháng 12/2017.

Trang mạng Air Recognition (trụ sở tại Belgium, Bỉ) năm 2015 cho hay, các loại vũ khí được cung cấp cho máy bay Rafale của Qatar bao gồm 140 tên lửa hành trình Scalp, 300 tên lửa không-đối-không tầm trung MICA và 160 tên lửa tầm xa Meteor. Cả 3 hệ thống vũ khí trên cũng được Không quân Ấn Độ đặt hàng.

Tờ Aviationa International News cho biết thêm rằng, các tiêm kích Rafale của Qatar sẽ sử dụng hệ thống ngắm bắn laser của Mỹ và hệ thống hiển thị trên mũ bay (HMD) xuất từ từ Israel. Trong đó, hệ thống HMD cũng được Không quân Ấn Độ lựa chọn.

Song, một trong những lý do chính mà chính phủ Thủ tướng Modi đưa ra khi từ chối tiết lộ thông tin kỹ thuật của lô Rafale và giá trị hợp đồng là "nhu cầu bảo vệ năng lực tác chiến của các máy bay Rafale Ấn Độ, do chúng có 13 cải tiến ‘dành riêng cho New Delhi’".

Đừng quá ngạc nhiên, hãy chuẩn bị cho kỹ!

Mặc dù thông tin các phi công Pakistan đang bay trên tiêm kích Rafale của Qatar có thể dẫn tới nhiều nghi ngại, nhưng theo tờ The Week, lịch sử cho thấy loại hình đối tác này không có gì đáng ngạc nhiên cả.

Pakistan đã có mối quan hệ rất gần gũi với các quốc gia giàu dầu mỏ tại vùng Vịnh trong nhiều thập kỷ qua. Nước này đã cử quân nhân tới Saudi Arabia, Qatar và Bahrain theo chương trình trao đổi quân sự.

Tháng 2/2018, có thông tin gần 1.300 quân nhân Pakistan được triển khai tại Saudi Arabia. Các phi công Pakistan đã hỗ trợ Saudi thiết lập lực lượng không quân hiện đại, thậm chí còn thực hiện các nhiệm vụ xuất kích chống lại những kẻ xâm nhập từ Yemen năm 1969.

Ấn Độ phải ôm hận vì mua tiêm kích Rafale từ Pháp: Bị Pakistan bóc hết bí mật? - Ảnh 4.

Phi công Pakistan tham gia một cuộc tập trận chung với Không quân Saudi Arabia. Ảnh: Reuters

Tờ Express Tribune của Pakistan cho biết, 627 quân nhân Pakistan, trong đó có 462 thành viên đến từ Không quân và Hải quân Pakistan, cũng đã được triển khai tới Qatar hồi tháng 2 năm đó. Tờ này cho biết tiếp rằng, thêm 300 quân nhân nữa có thể được triển khai tới Qatar để đảm nhận các vai trò "huấn luyện và cố vấn".

Năm 2017, có thông tin chính phủ Qatar đã đề nghị quân đội Pakistan hỗ trợ các khâu chuẩn bị bảo đảm an ninh cho FIFA World Cup 2022.

Thông qua các đối tác, Quân đội Pakistan không chỉ được tiếp cận một cách gián tiếp với các loại vũ khí nguồn gốc châu Âu.

Tiêm kích chủ lực hiện nay của Không quân Ấn Độ là phiên bản Su-30 do Nga cung cấp, với những cải tiến dành riêng cho Ấn Độ.

Tuy nhiên, Trung Quốc – đồng minh chiến lược của Pakistan – cũng đang vận hành hơn 200 chiến đấu cơ được phát triển dựa trên Su-27 và Su-30. Bắc Kinh còn có ít nhất 24 tiêm kích Su-35, với radar và động cơ hiện đại hơn Su-30MKI của Ấn Độ.

Tháng 9/2017, các phương tiện truyền thông cho biết, một sĩ quan cấp cao của Không quân Pakistan đã cầm lái tiêm kích J-11B của Trung Quốc trong một cuộc tập trận chung giữa hai nước. Mẫu máy bay này là phiên bản nội địa của Su-27.

Các phi công nước ngoài được tiếp cận với một mẫu máy bay chiến đấu – như trong trường hợp phi công Pakistan làm công tác huấn luyện tại Qatar – thì sẽ nắm được các đặc tính khí động học, hệ thống điện tử và năng lực vũ khí của nó, có thể cả phạm vi quét và khả năng hoạt động của radar (yếu tố đóng vai trò quyết định, giúp chiếm ưu thế trong không chiến tầm gần), cũng như các tín hiệu radar và tín hiệu thị giác.

Những thông tin như trên sẽ được đối phương sử dụng để cải tiến chương trình huấn luyện, nâng cao năng lực đối phó và phát triển các chiến thuật mới.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã có sự điều chỉnh riêng đối với các hệ thống tác chiến điện tử và liên lạc để đảm bảo sẽ có một số khả năng của máy bay mà đối phương không nhận biết được. Bên cạnh đó, họ cũng trang bị cho chiến đấu cơ của mình các loại vũ khí nội địa.

Vào tháng 11/2017, tờ The Week từng cho biết, Không quân Ấn Độ đang có kế hoạch "điều chỉnh radar để chúng có khả năng hoạt động tầm xa tốt hơn" trên các tiêm kích Rafale.

Những ràng buộc về địa chính trị sẽ đảm bảo Pakistan vẫn tiếp tục là đồng minh thân cận của các quốc gia vùng Vịnh, từ đó tạo điều kiện cho nước này tiếp cận các vũ khí hiện đại, mà nhiều loại trong số này cũng đang được Ấn Độ cân nhắc.

Điều này đòi hỏi New Delhi phải mở rộng hơn nữa việc sử dụng nguồn nhân lực trong nước và duy trì các đợt thực hành huấn luyện cấp độ cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại