Vì sao Nhật Bản đồng ý để Mỹ triển khai hệ thống phòng không Aegis?

Anh Tuấn |

Theo hãng tin Sputnik, chính phủ Nhật Bản đã chấp thuận để hai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ được thiết lập trong bối cảnh Triều Tiên vừa tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân.

Hãng tin NHK của Nhật Bản cho biết, quyết định trên được đưa ra trong một cuộc họp nội các diễn ra ngày 18/12. Theo một số nguồn tin, hệ thống Aegis Ashore này sẽ được trang bị một loại tên lửa đánh chặn mới do Nhật Bản và Mỹ hợp tác phát triển.

Hai hệ thống Aegis Ashore sẽ được triển khai ở các căn cứ của quân đội Nhật Bản tại phía bắc tỉnh Akita và phía tây nam tỉnh Yamaguchi của Nhật Bản, có thể bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản.

NHK cũng nhấn mạnh rằng chi phí của hai hệ thống Aegis này sẽ thấp hơn 100 tỉ yên (tương đương 888 triệu USD) và chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ chi thêm 2,8 tỉ yên (25 triệu USD) và 700 triệu yên (6,2 triệu USD) trong ngân sách quốc phòng năm 2018 để được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Mỹ.

Nhật Bản hy vọng các hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ có thể đi vào hoạt động vào năm 2023.

Nhật Bản hiện được bảo vệ bởi các tàu chiến trang bị hệ thống phòng không Aegis (phiên bản dành cho các tàu chiến) cùng với tên lửa đánh chặn đất đối không Patriot PAC-3 của Mỹ.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng được cho là đang chú ý đến Hệ thống Phòng chống Không quân và Tên lửa (IAMD), có khả năng ngăn chặn cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình các loại.

Tuy nhiên nếu chấp thuận thiết lập, chính phủ nước này có nguy cơ vi phạm Điều 9 trong Hiến pháp, có nội dung cấm mọi hoạt động sử dụng vũ lực nhằm gây hấn các quốc gia lân cận.

Việc Nhật Bản tăng cường khả năng quốc phòng đã diễn ra trong vài năm qua do căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng nóng lên khi Bình Nhưỡng tiếp tục thử nghiệm tên lửa và hạt nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại