Vì sao Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khó tránh cuộc đối đầu trực diện ở “chảo lửa” Idlib, Syria?

Vũ Thu Hương |

Hành động leo thang quân sự của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib có thể gây nên sự đương đầu trực diện giữa hai quốc gia này trong cuộc nội chiến Syria.

Theo Frontpagemag, tạp chí Haaretz hàng ngày của Israel mới đây đã đưa ra nhận định "Hành động leo thang quân sự của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib có thể gây nên sự đương đầu trực diện giữa hai quốc gia này trong cuộc nội chiến Syria, ngay trước hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo nhằm tìm ra giải pháp ngăn cuộc chiến".

Nguy cơ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu trở thành một điều không mấy khó hiểu và khi sự thù địch tăng cao, Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách một thành viên NATO có thể kích hoạt điều khoản 5 trong hiến chương của NATO. Theo điều khoản này, nếu một thành viên của NATO bị tấn công, tất cả các thành viên còn lại sẽ tính đến việc cùng nhau đáp trả.

Mối quan hệ căng thẳng giữa Syria-Thổ Nhĩ Kỳ thực sự đã bắt đầu. Các lực lượng Syria và Nga đã triển khai nhiều cuộc không kích hôm thứ Năm tuần trước khiến 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả bằng việc thề sẽ tăng cường hoạt động quân sự nhằm vào lực lượng quân đội của ông Assad ở Tây Bắc Syria, tỉnh Idlib.

Quân đội Syria và Nga đã giành thắng lợi lớn trong việc giành lại phần lớn lãnh thổ Syria từ tay khủng bố. Thành công này nhờ vào chiến dịch không kích do các chiến đấu cơ Nga triển khai.

Nga bắt đầu tham gia cuộc nội chiến Syria hồi năm 2015 dưới lời đề nghị của chính quyền Syria. Khi đó chính quyền Syria mất gần như hết đất vào tay phiến quân. Dưới sự hợp tác của Syria và Nga, các vùng lãnh thổ của quốc gia Trung Đông này dần được lấy lại.

Trong nỗ lực giành lại tỉnh Idlib ở Tây Bắc Syria, ông Assad đã phải đương đầu với thách thức mới: Đó là không lực và tên lửa chống máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara đang sử dụng lực lượng quân sự để hậu thuẫn cho phiến quân. Các chuyên gia quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng tên lửa chống máy bay vác vai. Và thứ vũ khí này có thể là thách thức mới với máy bay Syria và Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả lực lượng quân sự của ông Assad vì đã làm thiệt mạng 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib bằng cách phá hủy máy băng trực thăng, hệ thống phòng không, xe tăng của quân đội Syria đồng thời làm thiệt mạng và bị thương hơn 309 binh sĩ Syria.

Fahrettin Altun, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố rằng các cuộc không kích đáp trả của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào chính quyền ông Assad chưa kết thúc. Ông Erdogan cam kết sẽ báo thù cho những người lính của Ankara đã thiệt mạng.

Cuộc không kích của chính quyền Syria ở tỉnh Idlib đã gây nên cuộc khủng hoảng nhân đạo khác. Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai hàng nghìn binh sĩ đến Syria nhằm ngăn chính quyền ông Assad tấn công nhóm phiến quân Hồi giáo mà Ankara đang hậu thuẫn.

Động thái này của Ankara nhằm ngăn dòng người tị nạn Syria tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan đã yêu cầu lực lượng quân đội Syria phải rút quân về vị trí trước đó. Ông cũng đe dọa làm leo thang căng thẳng bằng việc tăng cường các cuộc tấn công quân sự nếu chính quyền ông Assad tiếp tục mục tiêu giành lại toàn bộ tỉnh Idlib.

Tỉnh Idlib có khoảng 3-4 triệu dân. Ankara lo ngại rằng dòng người tị nạn từ Syria sẽ tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ gây mất ổn định một khi tỉnh Idlib nổ ra các cuộc tấn công. Đây cũng là lý do Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Idlib và mở rộng các trạm quan sát.

Về phần mình, Nga đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn năm 2018 ở Sochi. Nga và Syria cáo buộc Ankara bảo vệ các tổ chức khủng bố.

Trong khi sự thực là rằng tỉnh Idlib đã trở thành một căn cứ cho các nhóm khủng bố cực đoan, gồm cả những nhóm có liên hệ với Al-Qaeda.

Thỏa thuận Sochi cho phép quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các trạm quan sát nhằm ngăn các cuộc tấn công của phiến quân trong khu vực Idlib. Đồng thời, thỏa thuận cũng yêu cầu quân đội Syria không tấn công vào tỉnh này. Tuy nhiên, ông Assad vẫn cho lực lượng tấn công khủng bố ở khu vực này.

Tình hình ở Idlib có thể dễ trở nên mất kiểm soát và biến thành cuộc đối đầu lớn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Dù cả ông Erdogan và ông Putin đều có vài buổi gặp gỡ nhằm tìm giải pháp cho vấn đề này ở Syria nhưng tất cả các buổi thảo luận đó đều thất bại trong việc đưa ra tiếng nói chung. Tình thế nguy hiểm ở Idlib vẫn sẽ tiếp tục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại