Sự nhượng bộ của Thổ Nhĩ Kỳ
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, kể từ 0 giờ 1 phút ngày 6/3, thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib chính thức có hiệu lực, tất cả các bên tham chiến phải dừng toàn bộ mọi hoạt động quân sự dọc theo chiến tuyến hiện tại.
Và cũng theo thỏa thuận này Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thiết lập một hành lang an ninh rộng 6km ở phía bắc và phía nam đường cao tốc M4. Từ ngày 15/3, hai phía sẽ thiết lập các cuộc tuần tra chung giữa Quân cảnh Nga và Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dọc theo con đường chiến lược này.
Lệnh ngừng bắn ở Idlib hiện tại đều mang lại cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ những lợi ích nhất định. Trong ảnh xe thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Saraqib chuẩn bị cho cuộc tuần tra chung với Quân cảnh Nga dọc đường M4. Ảnh: RT.
Hiện tại Idlib là tỉnh duy nhất của Syria, có phần lớn diện tích nằm trong sự kiểm soát của các nhóm phiến quân khủng bố, sở dĩ có điều này là bởi đây là nơi cuối cùng mà các phần tử khủng bố hay quân nổi dậy có thể đến sau khi bị quân chính phủ đánh bại.
Tình hình ở Idlib gần đây trở nên căng thẳng hơn khi Quân đội Syria (SAA) mở chiến dịch giải phóng Idlib, với mục tiêu quét sạch các phần tử khủng bố ra khỏi quốc gia này. Và chỉ trong chưa tới 1 tháng, quân chính phủ đã giành được những thắng lợi lớn khiến sào huyệt của phiến quân đứng trước nguy cơ sụp đổ, và chúng buộc phải tìm đến sự trợ giúp của Ankara.
Nhằm cứu nguy cho Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ vội vã tung quân vào Syria nhằm ngăn SAA tiến sâu vào bên trong Idlib. Và thông qua chiến dịch "Lá chắn mùa xuân", Ankara đã thực hiện một loạt các cuộc tấn công nhằm vào Quân đội Syria và đồng minh, khiến quân chính phủ thiệt hại nặng.
Để đáp trả, Quân đội Syria quyết định tấn công vào các vị trí của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bên trong Idlib, hậu quả của các cuộc tấn công này là khiến 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Đối đầu quân sự giữa Ankara và Damascus chính thức leo tháng.
Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay L-39 của Syria trong hôm 3/3 vừa qua. Ảnh: South Front
Chỉ trong hai tuần thực hiện "Lá chắn mùa xuân" Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ ba chiến đấu cơ của Không quân Syria, phá hủy 55 xe tăng cũng nhiều xe thiết giáp, số binh sĩ Syria thiệt mạng trong các cuộc tấn này này lên đến hàng nghìn người.
Đứng trước nguy cơ xung đột tiếp tục leo thang mất kiểm soát, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib trong hôm 5/3 tại Moscow
Có một điều đáng lưu ý là lệnh ngừng bắn theo "Thỏa thuận Moscow" được các bên công bố có nội dung khác hoàn toàn so với trước cuộc hội đàm ở Moscow, điều này cho thấy rõ sự "nhượng bộ" trong lập trường của Tổng thống Erdogan về tình hình ở Idlib.
Thất bại của Quân đội Syria
Ở giai đoạn đầu tiên của chiến dịch giải phóng Idlib, các mũi tấn công của Quân đội Syria diễn ra đúng kế hoạch và hết sức thành công, và thắng lợi này có sự đóng góp rất lớn từ lực lượng Không quân Nga và Syria trong việc tiêu diệt các cứ điểm phòng thủ của phiến quân thông các cuộc không kích.
Trong giai đoạn hai của chiến dịch, cùng với sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Idlib, các mũi tấn công của Quân đội Syria nhanh chóng bị phiến quân bẻ gãy không những vậy quân chính phủ còn chịu thiệt hại nặng.
Chỉ với các cuộc không kích bằng UAV, Thổ Nhĩ Kỳ đã giáng những đòn đánh chí tử vào chiến dịch giải phòng Idlib của Quân đội Syria. Ảnh: South Front.
Một bất ngờ gây khó chịu cho cả phía Nga và Syria ở Idlib đó là việc Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng một số lượng lớn máy bay không người lái (UAV) vũ trang như Anka và Bayraktar để vô hiệu hóa các mũi tấn công của SAA. Đây cũng chính là loại vũ khí gây ra nhiều thiệt hại nhất cho Quân đội Syria, nhất là các phương tiện cơ giới như xe tăng và xe chiến đấu bộ binh.
UAV vũ trang là một trong những vũ khí quan trọng giúp Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân nhanh chóng tái chiếm lại thị trấn chiến lược Saraqib, bởi hầu hết xe tăng của SAA làm nhiều vụ phòng thủ thị trấn đều bị UAV Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt từ đó mở đường cho phiến quân tiến vào trong.
Sau thất bại ở Saraqib, trong một số trận đánh, Quân đội Syria đã tỏ ra quá sợ hãi trước sự xuất hiện của UAV Thổ Nhĩ Kỳ trên đầu mình.
Cùng với UAV vũ trang, hỏa lực pháo binh của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng thể hiện bản lĩnh khi giúp phiến quân đánh bại quân chính phủ hết lần này tới lần khác, sự thành công này có sự hỗ trợ rất lớn bởi lực lượng trinh sát trên không (UAV trinh sát) cũng như lực lượng trinh sát mặt đất. Có thể nói pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đã tung vào Idlib tất cả mọi thứ mà họ được trang bị.
UAV tấn công Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Muraselon.
Tính toán sai lầm của Bộ chỉ huy Syria cũng góp phần vào thất bại của Quân đội Syria ở Idlib trong giai đoạn hai của chiến dịch, bởi các tướng lĩnh Syria đã không lường hết tình huống khi Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự quy mô lớn vào Idlib, do đó dẫn đến bị động và hoảng loạn.
Cùng với đó là năng lực phòng không hạn chế ở Idlib, thói quen chiến đấu với một đối thủ không có không quân đã làm hại Quân đội Syria, mặc dù kẻ thù chỉ có UAV vũ trang nhưng các binh sĩ Syria vẫn lúng túng trong việc tìm cách đối phó với mối đe dọa này. Kết quả SAA đã phải chịu thiệt hại nặng khi trong các cuộc không kích của UAV Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, việc phải chiến đấu với một đạo quân được trang bị tốt hơn như Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến Quân đội Syria nhanh chóng đuối sức chỉ sau hai tuần, kết quả Syria thua về mặt chiến thuật nhưng vẫn thắng về mặt chiến lược khi giải phóng được gần một nửa Idlib cũng như toàn bộ thành phố Aleppo.
Bài học dành cho người Nga
Điều khó lường nhất trong các hoạt động quân sự - chính trị và chiến lược ở tỉnh Idlib vừa qua, đó là diễn biến chiến trường diễn biến quá nhanh, đặt liên minh Nga-Syria trước một cuộc chiến tranh cục bộ với quy mô khu vực, không chỉ với Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mà còn kéo theo cả Iran và NATO can dự.
Có thể thấy rõ một điều là cả Nga và Syria đều không dự báo chính xác khả năng Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào Idlib, kéo theo đó là những thất bại trực tiếp trên chiến trường.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ( bên trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc hội đàm cho thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib hôm 5/3. Ảnh: The Moscow Times.
Mặt khác, việc các tướng lĩnh Moscow đánh giá thấp năng lực của UAV Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo điều kiện giúp cho chúng "tung hoành ngang dọc" khắp Idlib trong suốt hai tuần, trước khi bị phòng không Syria chế áp.
Bài học tiếp theo cho giới lãnh đạo và chỉ huy quân đội Nga đó là trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tại một khu vực có lợi ích, nhưng ở xa nước Nga, Moscow cần nhanh chóng tăng cường quân số, vũ khí, trang bị cũng như công tác bảo đảm hậu cần tại khu vực đó trong một thời gian ngắn.
Tiếp đến là Nga phải có chiến lược rõ ràng, trong việc đẩy nhanh thực hiện các chương trình hiện đại hóa Quân đội, nhằm nhanh chóng mang lại cho Quân đội Nga một diện mạo hoàn toàn mới.
Như trong trường hợp khủng hoảng ở Idlib vừa qua, nếu ở Địa Trung Hải có hai nhóm tàu sân bay của Hải quân Nga đang hoạt động thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dám tự ý sử dụng vũ lực và tình hình vẫn được giải quyết theo hướng có lợi cho Nga.
Liên quan đến lệnh ngừng bắn ở tỉnh Idlib, Nga cần phải có sự lạc quan thận trọng, do tiềm năng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Đồng thời, Tổng thống Erdogan cũng tuyên bố rằng sẽ không đàm phán lại và cuộc gặp tại Moscow của hai nhà lãnh đạo ngày 5/3 vừa qua, không thể đảm bảo cho các cuộc khủng hoảng mới ở Syria.
Quân cảnh Nga hộ tống xe thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào thị trấn Saraqib.