Nga "nói có người nghe, đe có người sợ": Cú knock-out khiến Thổ vội đến Moscow cầu hòa

Hoài Giang |

Việc Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) bị khuất phục ở tây bắc Syria là kết quả của "bước đột phá" trong ngày cuối cùng của tháng 2/2020 tại chiến trường Idlib.

Ngày 9/3, trang tin ISW News xuất bản bài viết "The result of the Moscow agreement; liberation of the M5 and M4" (tạm dịch: Kết quả của Thỏa thuận Moscow: Giải phóng (các cao tốc chiến lược) M5 và M4) của tác giả Jihad Ridha.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là có khi còn nhiều "uẩn khúc" chưa công bố về lý do Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng ký kết Thỏa thuận Moscow với Nga, mở ra hi vọng một tương lai kết thúc xung đột tại Syria. Chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Cơ hội giải phóng các cao tốc chiến lược M5 và M4 sau Thỏa thuận Moscow?

Ngày 5/3/2020 sau cuộc hội đàm về tình hình căng thẳng ở tây bắc Syria của Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc chấm dứt các hoạt động quân sự ở khu vực "Idlib lớn" (các vùng lãnh thổ Syria do phiến quân kiểm soát).

Thỏa thuận này đánh dấu chiến thắng của Quân đội Arab Syria (SAA) và các đồng minh cũng như động tác ngầm công nhận thất bại của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) và các nhóm vũ trang được Ankara hậu thuẫn.

Ankara đã chấp nhận từ bỏ "lằn ranh đỏ" mà họ công bố trước đây, mục tiêu chính của chiến dịch "Lá chắn Mùa xuân" tại Idlib lớn (bao gồm việc SAA phải rút khỏi cao tốc M5 và các "điểm giám sát ngưng bắn" của TAF).

Nga nói có người nghe, đe có người sợ: Cú knock-out khiến Thổ vội đến Moscow cầu hòa - Ảnh 1.

Thỏa thuận Moscow đã chấm dứt chuỗi giao tranh giữa TAF và SAA ở tây bắc Syria.

Yêu sách nói trên của Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu của chiến dịch "Bình minh Idlib 2" của chính phủ Syria nhằm giải phóng các tuyến đường chiến lược M5 và M4, thứ mà họ đã phải đổ rất nhiều máu trong gần 9 năm qua mới giành được.

Cao tốc M5, nối Aleppo với Damascus được giải phóng trong các hoạt động quân sự gần đây của SAA và đã được "ổn định" trong Thỏa thuận Moscow.

Còn cao tốc M4 nối Saraqib đến Latakia dự kiến sẽ thiết lập một vành đai phi quân sự rộng 6 km về hai hướng bắc và nam và được quân cảnh Nga-Thổ tuần tra.

Tuy nhiên Thỏa thuận Moscow cũng như các thỏa thuận trước đây của Nga-Thổ và Iran chỉ là tạm thời, lệnh ngưng bắn sẽ không kéo dài, đặc biệt là ở khu vực M4 ("địa bàn" của nhóm khủng bố Đảng Hồi giáo Turkistan/TIP).

"Nhà tài trợ" Thổ Nhĩ Kỳ có muốn cũng không dễ dàng sơ tán TIP và vì lý do này, đây là cơ hội cho hoạt động "chống khủng bố" của SAA và tiến tới giải phóng Idlib và Jisr al-Shughour trong tương lai.

Nga nói có người nghe, đe có người sợ: Cú knock-out khiến Thổ vội đến Moscow cầu hòa - Ảnh 2.

Không sớm thì muộn, SAA với hậu thuẫn của Nga sẽ "để mắt" tới những vùng đất thuộc Idlib lớn vẫn do các nhóm khủng bố kiểm soát.

Vai trò của Iran trong chiến thắng Saraqeb, Idlib

Để đạt được Thỏa thuận Moscow, SAA và các đồng minh đã phải thực hành vận động chiến liên tục trong 4 tháng gần đây ở một mặt trận rộng lớn thuộc các tỉnh Idlib và Aleppo.

Ngay trước khi một cuộc tổng tấn công của SAA vào thủ phủ tỉnh Idlib (do nhóm khủng bố Hayyat Tahrir al-Sham/HTS kiểm soát) diễn ra, giao tranh dữ dội đã nổ ra giữa họ và TAF ("vai kề vai" với các tay súng được Ankara hậu thuẫn ở Idlib).

Yếu tố được cho là quan trọng nhất dẫn tới Thỏa thuận Moscow và chấm dứt hoạt động quân sự của TAF ở Syria là việc SAA và các đồng minh một lần nữa giải phóng thị trấn chiến lược Saraqeb vào ngày 1/3/2020 (sau hơn 1 tháng bị đối phương đẩy lui).

Ở thời điểm cuộc tấn công đêm 29/2 diễn ra, chủ lực SAA đang tập trung tại nam Idlib và chỉ có một số đơn vị của Sư đoàn 25 đặc nhiệm (tên cũ là Lực lượng Tiger) được tăng cường. Rõ ràng lực lượng "khác" đã thay thế những người lính Syria trong chiến thắng chiến lược này.

Nga nói có người nghe, đe có người sợ: Cú knock-out khiến Thổ vội đến Moscow cầu hòa - Ảnh 3.

Trận Saraqeb đêm 29/2 là đòn "hồi mã thương" của Iran và Hezbollah sau cuộc tập kích UAV ngày 28/2 khiến 8 tay súng Hồi giáo Shia do Iran chỉ huy thiệt mạng.

Tất cả bắt đầu từ cuộc không kích bất ngờ vào một căn cứ của dân quân Hồi giáo Shia do Iran lãnh đạo hôm 28/2. Cuộc không kích do máy bay không người lái (UAV) Thổ tiến hành đã khiến 8 tay súng Hezbollah người Lebanon và Liwa Fatimyoun người Afghanistan thiệt mạng.

Cuộc không kích này diễn ra trong bối cảnh các Iran và dân quân Shia đã "tránh" không tham chiến trực tiếp trong hoạt động quân sự của SAA ở Idlib.

Hạn chế này là do các ưu tiên chính trị của Iran nhằm tránh đẩy cao căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ (thời gian gần đây Tehran và Ankara đã tăng cường hợp tác trong khu vực) và chỉ hỗ trợ đồng minh Syria về tình báo, hỏa lực pháo binh và máy bay không người lái (UAV) trinh sát.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau cuộc không kích được đánh giá là "nghiệp dư" của TAF.

Lực lượng Hezbollah của Lebanon và các cố vấn quân sự của Iran đã đưa ra cảnh báo rất "ngắn gọn" về hậu quả của cuộc không kích này và họ đã trực tiếp tham chiến ở Saraqeb ngay sau đó một ngày.

Lực lượng đặc biệt của Hezbollah có tên Qowat Al Rezwan đã chiếm khu vực phía đông và phía bắc của Saraqeb dưới sự kiểm soát của họ và chiến trường Syria đã chứng kiến ​​một trong những hoạt động chiến tranh đô thị vào ban đêm hiếm hoi nhất trong lịch sử 9 năm của cuộc chiến.

Cho đến sáng 1/3, tin tức về việc để mất Saraqeb và thực tế chiến trường trở nên bất lợi cho TAF, Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã tuyên bố sẵn sàng chấp nhận lệnh ngừng bắn khẩn cấp.

Đoạn phim tay súng được cho là thành viên Hezbollah ẩn nấp dưới hỏa lực dữ dội của QĐ Thổ Nhĩ Kỳ ở tây bắc Syria hôm 28/2.

Kết luận

Kết quả của cái gọi là chiến dịch "Lá chắn Mùa xuân" của TAF được coi là thất bại cả về mặt quân sự và chính trị. Đó là hậu quả của việc không đánh giá đúng năng lực của chính mình và của đối phương.

Các chính sách được ban hành vội vã, hoạt động quân sự vội vàng và nghiệp dư (bao gồm tấn công vào các mục tiêu Iran ở Syria) của Thổ Nhĩ Kỳ không giới hạn ở Idlib.

Chúng thậm chí không chỉ giới hạn ở chiến trường Syria mà còn mở rộng ra ở Libya và Địa Trung Hải và có tác động đáng kể tới hình ảnh của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

Tương lai của Syria sau Thỏa thuận Moscow nghiêng về hướng có lợi cho SAA, đặc biệt trong bối cảnh Moscow đang nỗ lực hỗ trợ Damascus trong việc bổ sung nhân lực cũng như trang thiết bị, vũ khí đạn dược đã hao hụt trong chiến sự.

Giải phóng Idlib và Jisr al-Shughour rất cần tới thời gian chuẩn bị và lệnh ngừng bắn theo sau Thỏa thuận Moscow là tối cần thiết.

Nhiều nhà phân tích dự đoán rằng vào cuối mùa xuân hoặc mùa hè năm 2021, việc vi phạm ngừng bắn tiếp diễn ở Idlib lớn sẽ là "tình huống cần thiết" cho SAA tiến về Idlib.

Cuối cùng, việc TAF bị khuất phục được coi là kết quả của "bước đột phá" trong tuần cuối cùng của tháng 2 tại Saraqeb và đặc biệt là vai trò của Iran và Hezbollah trong việc dập tắt hi vọng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì nhiều lý do, người Nga có thể đã tránh giao tranh trực tiếp với người Thổ ở mặt trận Saraqeb nhằm giành được một số lợi thế trong khu vực Trung Đông (nhiều khả năng là giữ thể diện cho Ankara) và người Iran đã nhanh chóng "trám" lỗ hổng này.

Sự xuất hiện "đúng lúc và đúng chỗ" của các tay súng người Lebanon và Afghanistan dưới sự chỉ huy của Iran đã khiến hành động của Nga không phải trả "giá đắt" mà đem lại một lợi thế quan trọng cho Moscow trong vai trò "trung gian quyền lực" ở khu vực.

Quân đội Arab Syria (SAA) và các lực lượng đồng minh tổ chức tấn công đêm tại Saraqeb, Idlib. Việc đẩy lui các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân tại thị trấn chiến lược sau hoạt động này đã dẫn đến Thỏa thuận Moscow.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại