Các trạm y tế ở TP.HCM thông báo tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu và uốn ván cho trẻ 7 tuổi. Nhiều loại vắc xin khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn thiếu nhiều tháng qua - Ảnh: X.MAI
Việc thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng không những ảnh hưởng đến khả năng phòng bệnh của trẻ khi không được tiêm đủ, mà còn là "gánh nặng" đối với gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi phải bỏ số tiền không nhỏ để tiêm vắc xin cho con, thay vì được tiêm miễn phí.
Không những thế, các loại vắc xin dịch vụ tại Viện Pasteur TP.HCM cũng hết sạch nhiều tháng qua.
Người khó khăn làm sao có tiền tiêm chủng dịch vụ cho con?
Ghi nhận tại TP.HCM, các trạm y tế phường 13 và phường 5 (quận Gò Vấp), phường 13 (quận Bình Thạnh) sáng 14-11 đều treo bảng thông báo "Hãy đưa trẻ sinh năm 2015 tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu và uốn ván tại các trường học và trạm y tế". Nhân viên y tế tại các trạm này đều cho biết đây là hai loại vắc xin hiếm hoi có tại trạm, còn nhiều loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn chưa có.
Một nữ nhân viên y tế trạm y tế phường 13 (quận Gò Vấp) cho biết trạm không còn vắc xin phòng sởi từ lâu. Người này giới thiệu chúng tôi đến hai trung tâm tiêm chủng dịch vụ đang có đầy đủ các loại vắc xin để kịp thời tiêm cho trẻ.
Không những hết vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng mà tất cả các loại vắc xin dịch vụ tại Viện Pasteur TP.HCM cũng hết sạch kéo dài suốt nhiều tháng qua, dù đây là nơi triển khai dịch vụ khám, tư vấn tiêm chủng cho người dân ở TP.HCM và khu vực phía Nam.
Có mặt tại Viện Pasteur TP.HCM sáng 10-11, nhiều người dân có nhu cầu tiêm vắc xin đều được bảo vệ thông báo không còn vắc xin, chưa biết chính xác ngày có vắc xin trở lại. Phần lớn mọi người đều ra về, nhưng có người vẫn vào bên trong viện với hy vọng vẫn còn vắc xin mình cần để được tiêm phòng bệnh kịp thời.
Khác với hình ảnh tại các trạm y tế và Viện Pasteur TP.HCM, người dân đưa trẻ đi tiêm phòng tại một trung tâm tiêm chủng dịch vụ thấy đông đúc hơn. Nhân viên y tế tại đây cho hay trung tâm có đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ và người lớn.
Tương tự, tại Hà Nội các điểm tiêm chủng cũng đang thiếu vắc xin phòng sởi, DPT trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Chị Bùi Thu Hồng (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng vừa đưa con gái đến điểm tiêm chủng dịch vụ để tiêm phòng sởi. Chị cho hay con út chị đã chậm mũi tiêm thứ hai do đợi vắc xin ở trạm y tế.
"Hai vợ chồng làm tự do, kinh tế cũng không ổn định nên bé gái đầu cũng chỉ tiêm đủ các mũi tiêm miễn phí ở phường. Nhưng đến bé thứ hai thì lên phường hai lần đều chưa có vắc xin, vậy nên phải đưa con đi tiêm dịch vụ. Dù mũi tiêm sởi - quai bị - rubella không quá đắt nhưng cũng bị "bớt" đi thùng sữa cho con", chị Hồng buồn nói.
Gián đoạn cung cấp vắc xin có thể xảy ra dịch bệnh trên trẻ
Sở Y tế TP.HCM cho rằng đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến công tác tiêm chủng trẻ em tại thành phố. Dù trong năm 2022 ngành y tế đã rất nỗ lực để nâng tỉ lệ bao phủ vắc xin phòng bệnh cho trẻ em, nhưng đến nay tỉ lệ này vẫn chưa đạt mức có thể bảo vệ cộng đồng.
Nếu tình trạng gián đoạn cung ứng vắc xin vẫn tiếp diễn có thể xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm trên trẻ nhỏ như sởi, bạch hầu, ho gà. Trong đó sởi là dịch bệnh có nguy cơ xảy ra cao nhất và sớm nhất vì theo ghi nhận của ngành y tế, dịch sởi ở nước ta thường xảy ra 4 năm 1 lần, trong đó dịch sởi gần nhất là từ tháng 10-2018 và kéo dài đến hết tháng 5-2019.
Địa phương trông chờ vắc xin về
Bà Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết đến nay (sáng 14-11) thành phố vẫn chưa nhận được phản hồi của Bộ Y tế khi nào được phân bổ vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. "Trạm y tế đang có vắc xin nào thì sẽ triển khai tiêm ngay cho trẻ. Hiện các trạm y tế đang tiêm vắc xin bạch hầu và uốn ván là vắc xin giảm liều để tiêm cho trẻ 7 tuổi. Còn rất nhiều loại vắc xin khác đã thiếu trong thời gian dài nhưng chưa biết khi nào được phân bổ", bà Nga nói.
Đại diện Trung tâm Y tế quận Gò Vấp (TP.HCM) cho rằng khi trẻ trên địa bàn quận không được tiêm đủ các liều vắc xin phòng bệnh thì trước mắt sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ bao phủ tại địa phương thấp hơn so với yêu cầu, bên cạnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh. Nhiều gia đình đã chọn phương án tiêm dịch vụ.
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết Hà Nội cũng đang thiếu các loại vắc xin tương tự như TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm - trạm trưởng một trạm y tế tại Hà Nội - cho hay việc gián đoạn vắc xin sởi và DPT khoảng ba tháng nay. Mặc dù, đơn vị đã nhiều lần đề xuất nhưng hiện vẫn chưa có vắc xin. Thay vì được tiêm chủng miễn phí vắc xin sởi và DPT thì người dân đang phải tiêm dịch vụ các mũi tiêm này.
"Chúng tôi cũng tư vấn các cha mẹ tiêm mũi sởi - quai bị - rubella cho trẻ. Mũi tiêm này có giá khoảng hơn 300.000 đồng, có phác đồ tiêm là hai mũi. Do sởi là bệnh dễ mắc và nguy cơ biến chứng cao nên thường các cha mẹ cũng cố gắng để tiêm cho trẻ đúng thời gian", bà Tâm thông tin.
Khi nào có vắc xin vẫn là dấu chấm hỏi
Theo Sở Y tế TP.HCM, từ tháng 5 đến nay, tình hình cung ứng vắc xin tiêm chủng từ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia bị gián đoạn.
Cụ thể, vắc xin sởi và bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) đã ngừng cấp từ tháng 5 nên hiện nay thành phố không còn hai loại vắc xin này.
Đối với vắc xin sởi - rubella hết từ ngày 6-10, vắc xin viêm não Nhật Bản (VNNB) và bại liệt uống (bOPV) hết từ cuối tháng 10, vắc xin lao và DPT-VGB-Hib (SII) dự kiến hết từ giữa tháng 12 sắp tới.
Từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 10, Sở Y tế đã có hai công văn báo cáo tình hình cung ứng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại thành phố. Sở Y tế đã kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ Y tế sớm cung ứng đầy đủ các vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, đã được quy định tại thông tư 38.
Tuổi Trẻ đặt vấn đề này với một số bên liên quan của Bộ Y tế nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức. Trong khi đó, từ cuối tháng 9, Bộ Y tế cho hay bộ đã và đang quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và các đơn vị sản xuất vắc xin khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đặt hàng để có vắc xin cung ứng cho công tác tiêm chủng.
Chờ Bộ Y tế và Bộ Tài chính?
Ròng rã nhiều tháng qua, Viện Pasteur TP.HCM không còn vắc xin dịch vụ để tiêm phòng cho người dân - Ảnh: X.MAI
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều muộn ngày 15-11, một cán bộ có trách nhiệm từ Bộ Y tế cho biết hiện vắc xin phục vụ cho tiêm chủng mở rộng đang trong quá trình thẩm định giá.
Theo vị này, quy trình thẩm định giá hiện tại bao gồm: thẩm định giá tại Bộ Y tế - Bộ Tài chính cho ý kiến, từ đó mới có đủ cơ sở để ký hợp đồng với nhà sản xuất vắc xin và nhận vắc xin về cung cấp cho tiêm chủng.
"Hiện ngoại trừ một số vắc xin dạng đặt hàng thì các vắc xin còn lại đều đang ở khâu thẩm định giá" - cán bộ này cho biết. Đồng thời nói thêm do số lượng mặt hàng nhiều, vắc xin nhiều năm nay giá không thay đổi và các nhà sản xuất hiện cũng yêu cầu tính đúng tính đủ, vì thế thời gian thẩm định, xác định cơ cấu giá cũng dài hơn.
Vắc xin cho tiêm chủng mở rộng đã rải rác xảy ra thiếu cục bộ từ tháng 5 - 6 vừa qua, các tỉnh thành đã thực hiện điều phối chuyển từ nơi còn sang nơi thiếu để sử dụng cho tiêm chủng, nhưng từ khoảng tháng 9 thì thiếu trầm trọng, không điều phối được nữa, đặc biệt những tỉnh thành có số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng lớn như TP.HCM thì thiếu càng nặng nề.
Hiện tại các nhà sản xuất đều đã sẵn sàng vắc xin trong kho, khi hoàn thành thẩm định giá và ký hợp đồng là có thể cung cấp ngay cho tiêm chủng. Ngoài ra các nhà sản xuất cũng đang làm thủ tục để có thể tài trợ một số lượng vắc xin nhất định, nhằm "cung cấp tạm thời" vắc xin trong thời gian trước mắt. Có thể khoản vắc xin tài trợ này sẽ sớm được đưa về các tỉnh thành ngay sau khi hoàn tất thủ tục hành chính. ( L.ANH)