Vì sao Ấn Độ dùng tiêm kích MiG-21 hơn 30 năm tuổi đấu với Không quân Pakistan?

ANH MINH |

Không quân Ấn Độ đã bảo vệ quyết định điều các máy bay chiến đấu MiG-21 cũ kỹ đối đầu với các máy bay F-16 hiện đại hơn nhiều của Pakistan trong các cuộc giao tranh trên không hồi năm ngoái.

Theo National Interest, vào ngày 26 tháng 2 năm 2019, các máy bay Ấn Độ đã vượt qua ranh giới kiểm soát tại biên giới Ấn Độ - Pakistan và ném bom nơi mà New Dehli mô tả là trại huấn luyện khủng bố gần Balakot.

Sau đó là nhiều ngày giao tranh trên không. Vào ngày 27 tháng 2 năm 2019, các máy bay F-16 và các máy bay khác của Pakistan đã vượt qua ranh giới kiểm soát để tấn công các lực lượng Ấn Độ, New Delhi tuyên bố.

Chính phủ Ấn Độ cho biết, các máy bay MiG-21 của Ấn Độ và các máy bay chiến đấu khác đã đánh chặn người Pakistan và bắn hạ một chiếc F-16, khiến phi công thiệt mạng. Islamabad tuyên bố lực lượng của họ đã bắn rơi hai chiếc MiG-21, nhưng New Delhi chỉ công nhận mất một chiếc.

Lực lượng Pakistan đã bắt được phi công MiG-21, trung tá Abhinandan Varthaman, giam giữ anh ta trong hai ngày trước khi bàn giao cho Ấn Độ.

Những chiếc MiG-21 của Ấn Độ, mặc dù có một số nâng cấp quan trọng, nhưng đã có tuổi đời hơn 30 năm. Máy bay F-16 của Pakistan mà người Ấn Độ bắn rơi được cho là một mẫu Block 52D mà Islamabad đặt mua từ Mỹ vào năm 2005, nghĩa là chỉ mới 14 năm tuổi.

"MiG-21 đang ở trong kho của chúng tôi, tại sao chúng tôi sẽ không sử dụng nó?" Tư lệnh Không quân Ấn Độ BS Dhanoa hỏi lại các phóng viên khi được hỏi về sự chênh lệch trên không.

Công bằng mà nói, Ấn Độ trong những năm 1990 đã nâng cấp các máy bay MiG-21 của mình lên tiêu chuẩn "Bison" với hệ thống điện tử hàng không kiểu phương Tây, bộ thu tín hiệu cảnh báo radar và radar mới và khả năng tương thích với vũ khí hiện đại. "Máy bay đã có hệ thống vũ khí tốt hơn, tên lửa không đối không tốt hơn”, tư lệnh Dhanoa chỉ ra.

Nhưng lý do chính mà Ấn Độ đưa MiG-21 tham chiến là loại máy bay này vẫn là một trong những loại có số lượng nhiều nhất trong biên chế của không quân Ấn Độ. “Chúng tôi chiến đấu với tất cả các máy bay trong kho của mình,” Dhanoa nói.

Thật vậy, trận chiến trên không mà MiG-21 và F-16 bị bắn hạ, cả hai bên đều dùng đến các đội hình hỗn hợp máy bay chiến đấu cũ và mới.

"Chiếc MiG-21 bị bắn rơi vào ngày 27 tháng 2 năm 2019, là một phần của đội hình 8 máy bay chiến đấu của Ấn Độ, bao gồm 4 chiếc Su-30, 2 chiếc Mirage 2000 nâng cấp và 2 chiếc MiG-21 Bisons, được điều động để đối đầu 24 máy bay của Không quân Pakistan trong đó có 8 chiếc F-16, 4 chiếc Mirage III, 4 chiếc JF-17 Thunders ", theo tờ The Aviationist.

Trong nhiều năm qua, Ấn Độ đã phải vật lộn để thay thế phi đội máy bay chiến đấu cũ do Nga sản xuất. Năm 2018, lực lượng không quân Ấn Độ còn vận hành 244 chiếc MiG-21 ra đời những năm 1960 và 84 chiếc MiG-27 mới hơn một chút.

Đặc biệt, những chiếc MiG-21 rất dễ xảy ra tai nạn. Kể từ khi chiếc đầu tiên trong số 874 chiếc MiG-21 đi vào biên chế Ấn Độ năm 1963, khoảng 490 chiếc đã rơi, khiến khoảng 200 phi công thiệt mạng.

New Delhi muốn chi khoảng 18 tỷ USD mua 115 máy bay chiến đấu mới để thay thế những chiếc MiG cũ. Các máy bay mới sẽ bay cùng với máy bay Jaguar do châu Âu thiết kế, Mirage 2000 và Rafale của Pháp, MiG-29 và Su-30 của Nga, và máy bay chiến đấu Tejas bản địa của Ấn Độ trong cái mà hãng Lockheed Martin mô tả là "hệ sinh thái máy bay chiến đấu lớn nhất thế giới”.

Các đối thủ cạnh tranh cho việc mua sắm 115 chiếc tiêm kích mới bao gồm một bản F-16 nâng cấp mà Lockheed Martin gọi là "F-21", F/A-18E / F của Boeing, Rafale, Typhoon, Gripen E của Thụy Điển và MiG-35 và Su-35 của Nga. Các công ty Ấn Độ sẽ lắp ráp máy bay phản lực mới theo giấy phép.

Đồng thời, Nga muốn bán cho Ấn Độ gói nâng cấp máy bay Su-30 cho New Delhi. Dòng Su-30SM sẽ được hưởng lợi từ nhiều hệ thống mà nhà sản xuất Sukhoi đã phát triển cho Su-35 mới hơn.

Sự phức tạp của các quy trình mua lại ở New Delhi có thể buộc không quân Ấn Độ phải hoạt động trong nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ nữa với sự kết hợp đa dạng giữa các máy bay chiến đấu cũ và mới.

The Aviationist nói không có lý do gì mà lực lượng hỗn hợp này không thể hoạt động hiệu quả trong không chiến. Một máy bay chiến đấu cũ như MiG-21 có thể là sát thủ trong một số điều kiện thích hợp.

Không phải lúc nào hệ thống vũ khí hiện đại và có khả năng hơn (trong trường hợp này là F-16 của Pakistan) cũng chiến thắng. Một số yếu tố phải được xem xét: kỹ năng phi công, sự hỗ trợ từ các khí tài khác (bao gồm máy bay chiến đấu và máy bay cảnh báo sớm trên không, radar mặt đất…

Trên hết, các quy tắc giao tranh đóng một vai trò thiết yếu: nếu các quy tắc giao chiến yêu cầu nhận dạng trực quan đối thủ, một máy bay chiến đấu có thể bị buộc phải xuất hiện trong tầm nhìn của đối phương và khi đó một chiếc MiG-21 có thể đặc biệt nguy hiểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại