Tàu sân bay Hàn Quốc: Trang bị tận răng, lại thêm tiêm kích tàng hình

Anh Minh |

Hàn Quốc đã tiết lộ kế hoạch đóng một lớp tàu sân bay mới kế nhiệm nền tảng tàu sân bay hạng nhẹ Dokdo. Theo Military Watch, con tàu mới được coi là chiếc đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc có thể triển khai máy bay chiến đấu cánh cố định.

Kế hoạch phát triển một con tàu như vậy được đưa ra sau khi nước láng giềng Nhật Bản, đang có tranh chấp lãnh thổ với Hàn Quốc, bắt đầu chuyển đổi tàu sân bay trực thăng lớp Izumo 27.000 tấn để có thể triển khai máy bay chiến đấu cánh cố định - với hai tàu lớp Izumo và hai tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga nhẹ hơn hiện đang phục vụ.

Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại là Nhật Bản được cho là phát triển tàu sân bay do lo ngại sự phát triển của hải quân Trung Quốc là chính.

Hàn Quốc hiện đang triển khai hai tàu sân bay tấn công hạng nhẹ lớp Dokdo. Chiếc thứ ba sẽ gia nhập Hải quân Hàn Quốc vào năm 2025, và mặc dù những chiếc này ban đầu được xem xét chuyển đổi để triển khai các máy bay chiến đấu cánh cố định, nhưng kích thước nhỏ nên không phù hợp.

Được biết đến với tên gọi LPX-II, tàu sân bay mới sẽ do tập đoàn Hyundai Heavy Industries chế tạo và sẽ triển khai máy bay chiến đấu một động cơ thế hệ thứ năm F-35B do Lockheed Martin phát triển.

F-35B là loại chiến đấu cơ mà Nhật Bản đang có kế hoạch triển khai trên các tàu lớp Izumo và được đánh giá cao về khả năng triển khai từ các tàu sân bay hạng nhẹ vốn không có bánh răng hãm hoặc hệ thống phóng máy bay.

F-35B là máy bay chiến đấu đắt nhất nhì thế giới hiện nay, và mặc dù gặp phải những hạn chế nghiêm trọng về tầm bay và hiệu suất, nó có thể cất cánh từ đường băng rất ngắn và hạ cánh thẳng đứng nên rất phù hợp với hoạt động trên tàu sân bay và thậm chí là từ các sân bay dã chiến.

Hàn Quốc đang có kế hoạch triển khai máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm tự chế tạo trong tương lai gần. Loại máy bay này đang được phát triển theo chương trình KF-X và có một số lợi thế về hiệu suất so với F-35, nhưng sẽ không có khả năng hạ cánh thẳng đứng, nghĩa là F-35B hiện là lựa chọn duy nhất để tích hợp lên tàu sân bay mới.

LPX-II dự kiến có lượng choán nước từ 30.000 - 35.000 tấn, và có một số điểm tương đồng với thiết kế của lớp Dokdo nhẹ hơn bao gồm cấu trúc thượng tầng với cụm ống xả đôi. Mặt trước boong đáp của con tàu mới vuông góc hơn so với boong đáp của tàu Dokdo và con tàu mới có hai thang máy ở đuôi tàu để đưa máy bay và các thiết bị khác lên từ boong thấp hơn.

LPX-II đáng chú ý là ít khác biệt với thiết kế của Dokdo so với các mẫu concept trước đây của Hàn Quốc, dẫn đến một số suy đoán rằng nền tảng này có thể là bước đệm cho các lớp tàu sân bay hạng nặng hơn và người ta chỉ chế tạo một con tàu duy nhất trong lớp.

Nhật Bản được cho là cũng đang xem xét biên chế các lớp tàu sân bay hạng nặng hơn, có thể triển khai các máy bay chiến đấu F-35C có năng lực hơn và được trang bị hệ thống máy phóng và thiết bị móc hãm máy bay. Vẫn chưa rõ Hải quân Hàn Quốc sẽ đi bao xa trong việc tìm cách cạnh tranh ngang hàng với nước láng giềng lớn hơn nhiều.

Hàn Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào hải quân kể từ những năm 2000, và cùng với chương trình Dokdo, thành tựu đáng chú ý nhất của nước này là phát triển lớp tàu khu trục Sejong Đại đế.

Các tàu lớp Sejong được coi là có khả năng nhất trong số các tàu tích hợp hệ thống phòng thủ AEGIS của Mỹ, trọng tải lớn và vũ trang rất tốt, lượng choán nước 11.000 tấn, dài 165 mét và mang theo 128 ống phóng thẳng đứng đa chức năng. Các tàu này mang hỏa lực mạnh hơn cả các tàu tuần dương của Mỹ, và hơn rất nhiều nếu so với các tàu khu trục.

Các tàu khu trục hạng nặng này dự kiến sẽ đóng vai trò hộ tống cho tàu sân bay sắp tới, mặc dù nếu Hải quân Hàn Quốc đưa vào vận hành ngay hai trong số các tàu LPX-II mới, quy mô hạm đội tàu sân bay của họ sẽ là năm chiếc- ba chiếc Dokdo và hai tàu sân bay mới - do đó đòi hỏi một tàu khu trục hộ tống lớn hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại