Vi khuẩn Salmonella trong kẹo nguy hại như thế nào?

Hải Yến |

Vừa qua, tập đoàn sản xuất bánh kẹo Ferrero nổi tiếng của Ý đã buộc phải đóng cửa nhà máy tại Bỉ, thu hồi các sản phẩm Kinder bày bán tại Mỹ, Anh và một số nước châu Âu vì nghi bị nhiễm khuẩn Salmonella. Ở Việt Nam, loại kẹo này cũng được bày bán tại nhiều cửa hàng.

Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm kẹo trứng chocolate trẻ em - Kinder Surprise để kiểm tra vì lo ngại nhiễm khuẩn Samonella.

Vi khuẩn Salmonella trong kẹo nguy hại như thế nào? - Ảnh 1.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Khoa nội 1 - Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết Salmonella là trực khuẩn gram âm, có thể tồn tại trong nước 2-3 tuần, trong phân 2-3 tháng, bị diệt ở 100 độ C trong vòng 5 phút và có thể diệt bởi chất sát khuẩn thông thường.

"Nhắc đến Salmonella thì thường nói nhiều đến phân nhóm Salmonella typhi gây ra bệnh thương hàn. Bệnh khởi phát đột ngột với sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, mạch chậm, rối loạn tiêu hoá và ho khan. Có thể có các biến chứng khi bị thương hàn như: Xuất huyết tiêu hóa: gặp khoảng 15%; thủng ruột: gặp khoảng 1-3%; viêm cơ tim; trụy tim mạch; viêm túi mật, viêm gan; viêm não màng não, viêm cầu thận, viêm đài bể thận" – thạc sĩ Nguyễn Đình Qui phân tích.

Theo thạc sĩ Qui, bệnh thương hàn thường xảy ra ở nhưng nơi có điều kiện vệ sinh kém, nhất là ở nơi mà vệ sinh nguồn nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà tiêu, hệ thống thoát nước không đạt chuẩn. Người bệnh thường là nguồn lây truyền bệnh quan trọng.

Giải thích thêm về yếu tố này, thạc sĩ Qui cho biết theo một số tài liệu, người bệnh có thể lây cho người khác ngay trong thời kỳ ủ bệnh, hoặc người khỏi bệnh mang vi khuẩn sau khi hết các triệu chứng lâm sàng. Đa số người khỏi bệnh vẫn đào thải vi khuẩn ra môi trường bên ngoài trong 2 - 3 tuần. Khoảng 2% - 20% người bệnh vẫn có thể thải vi khuẩn ra môi trường 2 đến 3 tháng sau khi hết các triệu chứng lâm sàng.

Ăn phải thực phẩm, uống nước bị nhiễm khuẩn không được nấu chín là đường lây quan trọng và thường gây dịch lớn. Còn đường lây qua tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, người mang vi khuẩn qua chất thải, chân, tay, đồ dùng bị nhiễm khuẩn… thường gây dịch nhỏ, tản phát.

Thạc sĩ Qui cho hay bệnh này chủ yếu điều trị bằng kháng sinh fluoroquinolone hoặc cephasloporin thế hệ thứ 3. Bên cạnh đó, cần bù nước điện giải, trợ tim mạch; có chế độ ăn lỏng, mềm, đủ chất dinh dưỡng.

Thạc sĩ Qui khuyến cáo để phòng ngừa, cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, nguồn nước đảm bảo, ăn chín uống sôi và rửa tay sạch. Bên cạnh đó, chích ngừa vắc-xin thương hàn cũng có thể phòng ngừa bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại