Sau 10 năm sống chung với bệnh đái tháo đường, bà P.T.M.H. (60 tuổi, sống ở tỉnh Đồng Tháp) bỗng lên cơn sốt, kèm nhiều cơn lạnh run người và đau vùng hông lưng bên trái.
Bà H. được một bệnh viện tại TP.HCM chẩn đoán viêm thận – bể thận và cho uống thuốc điều trị suốt 6 ngày nhưng không khỏi. Sau đó, người nhà chuyển bà sang Bệnh viện Bình Dân TP.HCM.
Ca phẫu thuật cắt lọc mô hoại tử ở thận trái của bà H. vào ngày 5/6/2017 tại Bệnh viện Bình Dân.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đạo Thuấn, giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, công tác tại Bệnh viện Bình Dân cho biết: "Khi nhập viện, bà H. đã rơi vào tình trạng sốc, với các triệu chứng như: mắt nhắm nghiền, người lờ đờ, mạch nhanh, huyết áp giảm".
Từ kết quả chụp CT, bác sĩ Nguyễn Đạo Thuấn xác định bệnh nhân bị viêm thận – bể thận sinh hơi giai đoạn 3B (giai đoạn cuối). Quả thận trái của bà H. đã bị sưng phù, to gấp đôi với bình thường.
Theo nhận định của các bác sĩ, đây là tình trạng nhiễm khuẩn thận rất nặng, buộc phải phẫu thuật cắt bỏ thận bị hoại tử. Mặt khác, bệnh nhân đang vào giai đoạn sốc do nhiễm khuẩn, nếu không được xử trí kịp sẽ tử vong vòng 24 - 48 giờ.
Bà H. nhanh chóng được phẫu thuật ngay trong đêm 5/6. Các bác sĩ rạch một đường phía sau lưng bên trái để tiếp cận quả thận trái đã hoại tử. Khi mổ giải áp, một luồng khí phụt ra từ quả thận kèm theo những tiếng nổ nhỏ.
Đây là luồng khí CO2 tích tụ lại xung quanh quả thận trái đã không thể thoát ra ngoài cơ thể. Luồng khí CO2 này là dấu hiệu cho thấy vi khuẩn ăn thận.
Cụ thể, bệnh nhân đã bị vi khuẩn bao vây và xâm nhập vào thận, gây ra tình trạng hoại tử bên trong thận.
Sau khi lấy hết phần mô thận hoại tử, nhận thấy phần chủ mô thận vẫn còn tốt nên các bác sĩ quyết định giữ lại quả thận cho bệnh nhân. Tuy nhiên, quả thận chứa nhiều mủ do nhiễm trùng nên buộc phải dẫn lưu ra ngoài bằng cách đặt ống thông JJ.
May mắn, sau một đêm, bệnh nhân đã hồi phục rất nhanh, tỉnh táo và nói chuyện được.
Theo các bác sĩ, bà H. bị vi khuẩn 'ăn' thận do mắc bệnh đái tháo đường. Chính bệnh đái tháo đường làm suy giảm hệ miễn dịch nên tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công.
Bác sĩ Nguyễn Đạo Thuấn cảnh tỉnh: Bệnh lý viêm thận – bể thận sinh hơi là bệnh hiếm gặp nhưng có xu hướng xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây.
Những bệnh nhân bị viêm thận – bể thận sinh hơi chỉ có thể sống sót nếu được phẫu thuật. Trong trường hợp phẫu thuật, tỷ lệ sống cũng chỉ từ 60 đến 70%.