Bằng chứng khoa học về số phận của Hitler
Cách đây 73 năm, trong một ngày thứ Hai, Adolf Hitler đã tự sát tại một hầm ngầm ở Berlin, Đức, cùng người vợ mới làm lễ cưới Eva Braun. Với việc Hồng quân Liên Xô đang rầm rập tiến tới, thi thể của cả hai đã được vội vã mang đi thiêu và chôn trong một hố pháo, nằm trong khu vườn gần đó. Đây là câu chuyện chính thức mà chúng ta vẫn nghe lâu nay.
Có một thực tế là chỉ một lượng rất nhỏ thành viên đảng Quốc xã được biết về cái chết của Hitler và vợ. Cũng chính họ đã tận mắt nhìn thấy thi thể của cả hai, được quấn trong những tấm ga màu xám và đưa tới vườn Phủ Thủ tướng để thiêu.
Hai trong số các nhân chứng, tân Thủ tướng Joseph Goebbels và thư ký riêng của Hitler là Martin Bormann, đã tự sát trong những ngày tiếp theo.
Việc có quá ít người chứng kiến thi hài của Hitler còn sống sót tới nay là một trong các lý do khiến đủ loại thuyết âm mưu tồn tại suốt nhiều năm trời: Người ta đồn Hitler không chết ở Berlin mà đã tìm cách chạy trốn tới Nam Cực hoặc Nhật Bản, nơi ông ta chết vì già ở Argentina vào năm 1962, hoặc Paraguay vào năm 1971 hoặc Brazil trong năm 1984.
Trong nỗ lực mới nhất nhằm xóa tan các thuyết âm mưu này, hai nhà báo gồm Jean-Christophe Brisard (quốc tịch Pháp) và Lana Parshina (người Mỹ gốc Nga) gần đây đã tiến hành một cuộc điều tra dài hơi, với kết quả đã được xuất bản tại Pháp vào tháng 4 vừa qua dưới dạng một cuốn sách có tên “La mort d’Hitler” (Cái chết của Hitler) và một bộ phim tài liệu phát sóng trên truyền hình mang tên “Le mystère de la mort d’Hitler” (Bí ẩn cái chết của Hitler).
Một bản dịch tiếng Anh của các tác phẩm này dự kiến sẽ ra mắt công chúng vào tháng 9.
Brisard và Parshina, người cũng là đạo diễn của một bộ phim tài liệu về bà Svetlana About Svetlana, con gái nhà lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin, đã tiến hành nghiên cứu dựa trên việc kiểm tra các tài liệu về những ngày cuối trong hầm ngầm ở Berlin.
Cùng với chúng là các bằng chứng xác nhận thi thể của Hitler và Braun. Các tài liệu và chứng cứ này tới nay vẫn đang nằm trong diện bí mật và được bảo quản tại các kho chứa của Cơ quan lưu trữ quốc gia của Liên bang Nga, Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) cùng Cơ quan lưu trữ quân sự nhà nước Nga.
Ở trung tâm của cuộc điều tra, họ đã tiến hành xem xét và phân tích hai mảnh xương được cho là của Hitler đang nằm dưới sự quản lý của chính quyền Nga. Họ được sự trợ giúp về mặt khoa học của Philippe Charlier – khoa học gia người Pháp chuyên nghiên cứu các “vụ án treo” (cold case – những vụ án chưa có lời giải) trong lịch sử.
Những mảnh xương này bao gồm một mảng xương sọ với một lỗ đạn bắn, được bảo quản trong một chiếc hộp nằm tại kho của Cơ quan lưu trữ quốc gia và một mảnh xương hàm được chứa trong một chiếc hộp khác nằm tại kho lưu trữ của FSB.
Mảnh xương sọ được tiết lộ sự tồn tại vào năm 1993 và đem ra trưng bày trước công chúng trong khuôn khổ một cuộc triển lãm hồi năm 2000. Riêng mảnh xương hàm vẫn được giữ trong vòng bí mật.
Kết quả nghiên cứu đã đưa tới những kết luận chắc chắn: Chỉ qua việc phân tích bằng mắt, nhóm không thể chứng minh có phải mảnh xương sọ là của Hitler hay không. Mảnh xương này có một lỗ thủng lớn nằm ở bên trái, với các gờ của lỗ thủng có những vết cháy đen giống như do đạn bắn gây ra.
Dù nhóm không được phép lấy mẫu từ mảnh xương sọ này, họ thấy rằng hình dạng của nó “hoàn toàn giống” với các mẫu chụp X quang hộp sọ của Hitler, được thực hiện một năm trước khi ông ta chết.
Về mảnh xương hàm, Charlier khẳng định: “Phần xương đó là thật, không có gì để nghi ngờ (rằng người Nga đã làm giả chứng tích lịch sử).
Ông đưa ra kết luận sau khi kiểm tra mảnh xương dưới kính hiển vi và đối chiếu thông tin thu được với các mô tả nằm trong hồ sơ giải phẫu tử thi Hitler, cũng như với bản ghi lời khai của các nhân chứng, đặc biệt là những người đã làm răng giả cho Hitler.
Các bức ảnh do nhóm chụp lại cho thấy mảng xương hàm này có nhiều thành phần làm từ kim loại. Vào thời điểm qua đời, Hitler chỉ còn lại có 4 chiếc răng thật trong miệng và số còn lại là răng giả.
Những chiếc răng thật gắn với mảnh xương có hình dạng rất xấu, với màu nâu ở chân răng, điểm chút cặn calci hóa màu trắng. Nhóm kết luận rằng phần răng cho thấy Hitler là người ăn chay.
Quá trình kiểm tra những chiếc răng, nhóm không phát hiện dấu vết của thuốc súng, cho thấy trùm phát xít đã không ngậm súng vào miệng để tự sát. Như thế nhiều khả năng ông ta dí súng vào cổ hoặc thái dương. Tuy nhiên họ không thể chứng minh có phải trùm phát xít đã nuốt thuốc độc cyanide trước khi nhận phát đạn vào đầu hay không.
Có những vết cặn màu xanh bám lại trên những chiếc răng giả của Hitler và điều này gợi ra một số giả thuyết: Hoặc thuốc độc đã phản ứng với răng giả vào thời điểm Hitler chết, hoặc nó đã phản ứng với lửa khi tay chân thiêu xác Hitler.
Cũng có thể răng giả chỉ đổi màu sau khi thi hài Hitler được đem đi chôn. Do không được lấy mẫu để phân tích, rất khó để đưa ra kết luận chính xác. “Chúng tôi không biết ông ta đã dùng một liều cyanide để tự sát, hoặc bắn một viên đạn vào đầu. Cũng có khả năng ông ta đã dùng cả hai phương thức”, Charlier nói.
Có một điều chắc chắn là trùm phát xít thực sự đã chết trong Thế chiến 2. “Chúng tôi có thể khẳng định rằng Hitler đã chết tại Berlin trong ngày 30.4.1945. (Ông ta chết ở đó) chứ không phải là ở Brazil vào năm 95 tuổi, hay ở Nhật Bản, hoặc trên dãy Andes của Argentine.
Bằng chứng chúng tôi có mang tính khoa học, không mang tính ý thức hệ. Chỉ hoàn toàn là khoa học”, Brisard và Parshina viết trong cuốn sách của họ.
Mảnh xương sọ được cho là của Hitler, với một lỗ thủng khả năng do đạn bắn.
Những chuyện còn thú vị hơn hộp sọ của ông trùm
Trong cuốn sách, hai tác giả tiết lộ rằng để có thể tiếp xúc được với các mảnh xương, họ đã phải trải qua rất nhiều tháng thương thảo, trả lời các yêu cầu được gửi tới lặp đi lặp lại qua thư điện tử, qua hòm thư bình thường, điện thoại, máy fax và cả trong những cuộc gặp trực tiếp với nhiều viên chức nhà nước Nga rất cứng đầu.
Phần mô tả quá trình điều tra của họ đã cho thấy một câu chuyện thú vị, đầy những cuộc hẹn rồi khi tới nơi người hẹn gặp lại không xuất hiện, các viên thư ký thô lỗ, các bước ngoặt và diễn biến bất ngờ, như việc mua một chai rượu cognac của Mỹ để lấy lòng một viên thủ thư khó tính hay chuyến viếng thăm một phòng lưu trữ, nơi ban đêm khí oxy sẽ bị rút hết ra ngoài để ngăn cản bất kỳ ai có ý định đột nhập trái phép vào đây.
Và điều hay ho nhất là cuốn sách cho thấy bằng cách nào mà cái chết của Hitler, trong hơn 7 thập niên, đã trở thành một vụ án treo chỉ vì những khác biệt về lợi ích và chia rẽ về ý thức hệ.
Những khác biệt lợi ích đầu tiên liên quan tới vấn đề nội bộ của Liên Xô, khi câu hỏi về cái chết của Hitler vướng vào cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa quân đội và các cơ quan tình báo. Trong ngày 5.5.1945, một đơn vị của cơ quan phản gián Smersh đã tiến hành khai quật các thi hài bị thiêu của Hitler và vợ, thu được nhiều chứng cứ lịch sử gồm mảnh xương hàm hiện nay.
Họ giữ các thi hài, không để chúng rơi vào tay Quân đoàn xung kích số 5, đơn vị sẽ kiểm soát khu vực bao quanh hầm ngầm Hitler.
Cuối tháng 5, Aleksandr Vadis, một lãnh đạo đơn vị của Smersh, đã viết bản báo cáo đầu tiên về cái chết của Hitler, dựa trên những lời khai của Harry Mengershausen - một thành viên đội vệ sĩ của Hitler – và bà Käthe Heusermann - trợ lý cho viên nha sĩ riêng của trùm phát xít.
Bà Heusermann xác nhận mảnh xương hàm người ta đưa cho mình quan sát đúng là của Hitler. Báo cáo nhận định cái chết của Hitler và vợ là do nuốt thuốc độc cyanide.
Mảnh xương hàm, chứng cứ mang tính quyết định cho thấy cái chết của Hitler, được đưa về Moskva. Nhưng phần còn lại của hai thi hài được Smersh bí mật chôn lại vào đầu tháng 6.1945, tại khu vực Rathenow cách Berlin 80km. Vài tháng sau đó, vào đầu năm 1946, hai thi hài lại bị đào lên.
Lo lắng vì không muốn để mất các chứng tích lịch sử quan trọng, Smersh đã cho khai quật thi hài Hitler, Eva Braun, Joseph Goebbels, vợ ông ta cùng 6 đứa con và Hans Krebs, Tham mưu trưởng quân đội Đức quốc xã và cho chôn tất cả ở căn cứ Magdeburg, đại bản doanh của lực lượng nằm trong khu vực quân đội Liên Xô chiếm đóng ở Đông Đức.
Tháng 5.1946, Smersh bị giải tán, quyền quản lý khu vực Magdeburg về sau được trao lại cho cơ quan tình báo KGB. Năm 1970, khi căn cứ Magdeburg được trao trả lại cho Đông Đức kiểm soát, giám đốc KGB khi đó là Yuri Andropov đã phát lệnh phá hủy các di cốt nêu trên.
Nhưng đây mới là phần nói về mảnh xương hàm. Còn có một phần nữa nói về mảnh xương sọ. Một vài ngày trước khi chính quyền phát xít Đức sụp đổ vào năm 1945, Otto Gunsche, vệ sĩ riêng của Hitler, bị người của Dân ủy nội vụ (NKVD) bắt giữ. Trong các cuộc thẩm vấn, Gunsche khai rằng trùm phát xít đã tự bắn vào đầu.
Lãnh đạo NKVD Lavrenti Beria không ưa lực lượng Smersh và đã thấy đây là một cơ hội để hạ bệ thanh danh đối thủ, bằng cách phủ bóng nghi ngờ lên việc có phải họ đã tìm được đúng thi thể hay không.
Đầu năm 1946, NKVD triển khai Chiến dịch Bí ẩn, bao gồm việc thẩm vấn liên tục tất cả những người có mặt trong hầm ngầm vào thời điểm Hitler tự sát, gồm cả Gunsche và tài xế riêng của Hitler là Heinz Linge, cũng như viên phi công riêng Haus Baur.
Lời khai của họ, dù có vài điểm mâu thuẫn với nhau, đã mở ra một hướng giả thuyết mới về việc Hitler bị bắn chết thay vì uống thuốc độc tự sát.
Chiến dịch cũng dẫn tới việc khai quật nhiều địa điểm mới gần hầm ngầm của Hitler và mang tới kết quả là việc phát hiện một mảnh xương sọ với một vết đạn bắn, nằm cách mặt đất chỉ khoảng 60cm, vào tháng 5.1946. Từ đó, giả thuyết Hitler chết vì bị bắn đã tồn tại quanh mảnh xương sọ này.
Căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh đóng một vai trò quan trọng trong việc vì sao người ta không thể làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết của Hitler. Bản thân Stalin chưa bao giờ nghi ngờ rằng kẻ thù ông căm ghét đã tự sát. Nhưng người Liên Xô đã nỗ lực không cho Mỹ và phương Tây biết được điều này.
Từ ngày 2.5.1945, hãng thông tấn nhà nước TASS đã thông báo trên hệ thống đài phát thanh của Đức, rằng tin tức nói Hitler đã chết chỉ là “một âm mưu của phát xít nhằm che đậy việc ông ta đã biến mất” khỏi hầm ngầm.
Ngày 26.5, chính Stalin nói với Đại sứ Mỹ W. Averell Harriman và đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Harry Truman là Harry Hopkins rằng ông đánh giá Hitler không chết mà đã lẩn trốn cùng thư ký riêng Martin Bormann; Goebbels và Krebs.
Thông qua việc khiến cho phe Đồng minh không hay biết về sự thật và phát tán tin đồn Hitler có thể đã tẩu thoát sang Tây Bán cầu, người Liên Xô hy vọng sẽ khiến đối thủ triển khai một chiến dịch tình báo tốn kém nhưng vô giá trị.
Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, Liên Xô bí mật giam giữ các nhân chứng đã tận mắt chứng kiến những thời khắc cuối của Hitler. Liên Xô chỉ trả những người này về Đức 10 năm sau đó, tại thời điểm khi “tình báo phương Tây kiếm đủ thông tin để tự xác nhận rằng Hitler đã chết”.
Xóa tan tất cả các thuyết âm mưu
Nhưng ngay cả khi ấy, Moskva vẫn bảo vệ quan điểm rằng Hitler không tự bắn vào đầu mà chỉ nuốt viên thuốc độc mà Heinrich Himmler đã trao cho ông ta. Giả thuyết này đã được đề ra trong một cuốn sách của cựu phiên dịch phiên Hồng quân Lev Bezymenski xuất bản bằng tiếng Anh vào năm 1968.
Năm 2001, một trong những học giả chuyên nghiên cứu về Hitler được nhiều người nể trọng là Ian Kershaw đã mô tả nỗ lực xuất bản cuốn sách của Bezymenski là bằng chứng cho thấy các sử gia Liên Xô vẫn “cố tình cung cấp thông tin gây sai lạc khi nói Hitler chết vì thuốc độc cyanide”.
Hướng giả thuyết Hitler chết vì thuốc độc cũng bị thách thức vào năm 1993 khi tờ báo Nga Izvestia hé lộ sự tồn tại của mảnh xương sọ với một vết đạn bắn trên đó. Thông tin về mảnh hộp sọ nhanh chóng được Cơ quan lưu trữ quốc gia Nga xác nhận.
Cần biết rằng ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, cơ quan này và chính quyền mới ở Nga đã tỏ ra cởi mở hơn so với trước kia và việc nhanh chóng xác nhận mảnh hộp sọ có thể nằm trong nỗ lực này. Từ đây hướng giả thuyết cho rằng Hitler đã chết vì uống thuốc độc và đạn bắn vào đầu cùng tồn tại.
Cuộc chiến tranh Lạnh chấm dứt, nhưng số phận của Hitler vẫn tiếp tục được quan tâm. Ở Nga, cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại trở thành chủ đề trung tâm của phong trào ái quốc dưới thời ông Vladimir Putin và chính quyền rất bất bình với các thông tin cho rằng Hitler đã tẩu thoát thành công khỏi Berlin.
Lịch sử Nga và cách thức phương Tây nhìn nhận về nước này trở thành một chủ đề nhạy cảm.
Cuộc điều tra của Brisard và Parshina diễn ra từ đầu năm 2016 kéo dài tới cuối 2017, vào thời điểm khi quan hệ giữa Nga và phương Tây đang xấu đi nhanh chóng.
Vì thế khi các tác giả đề nghị được kiểm tra các mảnh xương của Hitler, lãnh đạo Cơ quan lưu trữ quốc gia đã chất vấn họ rằng ai sẽ tiến hành hoạt động phân tích, đồng thời không chấp nhận việc cho một người Mỹ sờ vào các chứng tích lịch sử này.
Có lý do để người Nga phải nghi ngờ. Năm 2009, Nicholas F. Bellantoni, một nhà khảo cổ học tại Đại học Connecticut tuyên bố đã xem xét các mẫu xương trong một bộ phim tài liệu phát trên kênh truyền hình History Channel, với tựa đề “Màn đào tẩu của Hitler” và kết luận nó thuộc về một người phụ nữ 40 tuổi.
Tuyên bố của ông đã làm sống dậy nhiều thuyết âm mưu cho rằng Hitler không chết trong hầm ngầm và đang an hưởng tuổi già ở nơi nào đó. Đồng thời giả thuyết này nhận được sự ủng hộ của Jerome R. Corsi, một nhà văn Mỹ mang tư tưởng cực hữu, tác giả cuốn “Săn lùng Hitler: Chứng cứ khoa học mới cho thấy Hitler đã trốn khỏi nước Đức phát xít”.
Corsi tuyên bố công trình nghiên cứu của Bellantoni khiến ông thấy rằng các nhà chức trách thích “nghĩ ra một lời nói dối, cho rằng Hitler đã tự sát để tránh phải giải thích hành động kém cỏi của họ với dân chúng ở quê nhà, những người đang kêu gào đòi công lý cho các hành vi phạm tội tàn ác mà Hitler gây ra chống lại nhân loại”.
Cơ quan lưu trữ quốc gia tuyên bố khi ấy và cả hiện nay rằng Bellantoni chưa từng được chạm tay vào các mẩu xương, dù ông ta và History Channel đều nói điều ngược lại.
Rất có thể người Nga lo rằng đội phóng viên điều tra của Brisard và Parshina cũng đưa ra kết luận giống Bellantoni. Nhưng sau rốt thì họ vẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tạo điều kiện để nhóm điều tra tiếp cận và xem xét các mảnh xương.
Điều này khiến các tác giả cũng phải thành thật đặt ra dấu hỏi về động cơ của người Nga. “Tại sao FSB lại trao cho chúng tôi những bí mật họ lưu giữ cẩn trọng tới hơn 70 năm qua? Vì sao lại là chúng tôi?”, Brisard và Parshina viết trong cuốn sách, đồng thời đặt câu hỏi liệu mình có trở thành công cụ phục vụ mục đích nào đó của Nga?
Tuy nhiên hoàn toàn có khả năng người Nga đã chán giữ bí mật về Hitler và hợp tác với nhóm vì đơn giản là muốn cho thế giới biết ông trùm này đã chết như thế nào. Sau rốt thì họ sẽ chỉ được lợi khi chứng minh rằng Hitler, kẻ gây ra tội ác khủng khiếp với nhân loại, cuối cùng đã phải trả giá bằng mạng sống của mình.