Các anh là Lê Minh Thoa (Bình Định), Trương Văn Hiền (quê Hà Tĩnh nhưng cư trú ở Đắk Lắk), Dương Văn Dũng (Đà Nẵng), Mai Xuân Hải, Lê Văn Đông, Nguyễn Văn Thống (Quảng Bình), Trần Thiên Phụng (Quảng Trị), Nguyễn Tiến Hùng (Thanh Hóa), Phan Văn Nhân (Nam Định).
Thời điểm đó, ở Hà Nội diễn ra “Đêm nhạc Văn Cao”, tác giả Quốc ca. Lúc đó ở Gạc Ma, những người lính Cụ Hồ cuốn quốc kỳ và hát quốc ca đến chết trong làn đạn kẻ thù.
Lê Minh Thoa (bìa phải) cùng các đồng đội tại TPHCM
Họ ngậm ngùi ra đi âm thầm. Nghe được câu chuyện bi tráng này, nhà thơ Đỗ Nam Cao ở Sài Gòn đã thét lên bài thơ Gửi quần đảo Trường Sa. Báo Sài Gòn giải phóng đã in bài thơ này.
Trường Sa ư với ngày thường xa thật/ Đảo ở đâu tôi có hỏi đâu mà/ Điều khốn nạn là chỉ khi đổ máu/ Đảo mới gần mới thực đảo của ta/ Các anh cắm ngọn cờ Tổ quốc gió cuồn cuộn/ Sóng lừng ngầu bọt bãi san hô/ Kẻ muốn nhỏ ngọn cờ khỏi ngực/ Thì nhận đây dòng máu nóng hực ra/ Chính lúc bấy giờ tôi mới hiểu Trường Sa/ Hiểu đến xót xa/ Tổ quốc là con ốc biển/ Anh nâng niu cất giữ tặng quà/ Các anh chết làm gì có mộ/ Làm gì có đất cho máu tụ thành hồn/ Máu tan loãng thân thể chìm mất dạng/ Chỉ còn đảo và cờ Tổ quốc trùng dương/ Xin cứ giận các anh rồi thứ lỗi/ Ôi con tôi sao nó cứ khóc òa/ Tôi hôn con ghì Trường Sa vào ngực/ Bãi đá ngầm cào rách thịt da.
Sự kiện bi tráng này xảy ra sau sự kiện Hoàng Sa 14 năm. Có tư liệu viết rằng, ngày ấy sau khi mất Hoàng Sa, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu định dùng không quân rải thảm bom san bằng vùng đảo bị chiếm.
Nhưng chính quyền Mỹ dọa, nếu hành động như thế sẽ cắt hết viện trợ. Những người lính Việt Nam Cộng hòa đã lập tức củng cố sức đề kháng cho quần đảo Trường Sa.
Nhờ vậy, nhà thơ Tô Thùy Yên viết được bài thơ dài Trường Sa hành nổi tiếng. (Ông vừa ra đi ở tuổi 82 vào cuối tháng 5/2019 tại Texas-Mỹ).
Trở lại với số phận 9 người lính thủy bị bắt sau sự kiện 14/3/1988. Về nhà lao Trạm Giang ở bán đảo Lôi Châu, các anh mỗi người bị giam giữ một phòng. Năm đầu tiên, bất chấp luật tù binh quốc tế, các anh thường bị tra tấn để lấy cung.
Đến khi Hội Chữ thập đỏ Quốc tế phát hiện, họ đã can thiệp để các anh không bị đánh đập nữa. Từ đấy, các anh chỉ phải lao động khổ sai. Công việc chính là trồng trọt, chăn nuôi. Nuôi lợn, nuôi vịt, nuôi gà và nuôi cá trong hồ. Một kế hoạch “cải thiện” được các anh vạch ra.
Do mùa đông giá lạnh nên các anh được phát những chiếc áo bông to xù. Các anh bèn sáng kiến lấy sản phẩm “của nhà làm được” như gà vịt hay bắt cá giấu vào trong áo bông qua mặt những người trông coi lao động.
Mang về phòng giam, gà và vịt thì bị lột da, cá thì được róc vẩy sạch trơn. May mắn là mỗi phòng giam có một ngọn điện ròng dây cắm phích vào ổ cắm. Lính ta “cái khó ló cái khôn” nhặt nhạnh những lưỡi dao cạo, đoạn dây điện về làm ngay ra dụng cụ đun sôi nước giản đơn.
Cho thức ăn và nước vào chậu, rồi cắm dụng cụ đun sôi vào nước, đặt lên giường buông màn xuống không để bị phát hiện. Đến khi chín thì gói vào từng gói, khi đi làm dúi cho nhau.
Riêng Lê Minh Thoa còn có thêm một trò chơi nữa. Do phòng giam của anh sát liền với phòng tuyên truyền có đặt một máy thu thanh hàng ngày cho tù binh nghe để huấn thị chính sách qua đài phát thanh.
Từ phòng Lê Minh Thoa chỉ cần với tay qua cửa sổ là đã có thể tắt được công tắc máy thu thanh. Thế là anh lọ mọ tìm ra dây điện, nam châm làm cái ga-len (chất bán dẫn, điốt) rồi lén mắc dây vào song song với loa máy thu thanh.
Anh kiên nhẫn dò sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi nào dò được thì tắt công tắc để nó không phát ra loa máy thu thanh mà phát vào ga-len. Nhờ nghe được tin tức ở nhà, anh thường thông tin cho đồng đội và tin tưởng có lúc mình sẽ được trả về nhà.
Tại lễ cầu siêu 22/7/2015
Quả vậy, sau ba năm chín tháng trong vòng lao lý gần kề cõi chết, cuối tháng 11/1991, các anh được trao trả về Việt Nam qua cửa khẩu Lạng Sơn.
Về nước, đầu tiên các anh được tạm nghỉ an dưỡng ở Bắc Giang. Có thể là vì tạm thời nên các anh được an dưỡng ở một nơi mà bên cạnh có những người đang bị cải tạo.
Mấy tay “anh chị” thấy các anh định bắt nạt, nhưng khi nhận được cú gạt tay của người con đất võ Lê Minh Thoa thì họ biết đang đối mặt với “thú dữ”. Một thời gian ngắn sau, các anh được đưa về trại điều dưỡng của quân chủng hải quân ở Bãi Cháy.
Chính ở đây, khi vợ của Trần Thiên Phụng lặn lội từ Quảng Bình ra chơi thăm chồng, các anh mới có bức hình chụp chung trước khi mỗi người mỗi ngả.
Được trả về nước, anh Lê Minh Thoa không muốn liên lạc với gia đình ngay, bởi sợ gia đình biết tin sẽ lặn lội từ Tây Sơn ra thăm vô cùng tốn kém.
Anh đâu biết ở nhà đã lập bàn thờ anh nghi ngút hương khói. Mãi đến dịp Tết Nhâm Thân 1992, các anh mới được nghỉ phép về ăn Tết cùng gia đình.
Để dành bất ngờ cho chuyến hồi cố cảm động này, trên đường đi tàu lửa về nhà, đến ga Đà Nẵng, Lê Minh Thoa mua hai tràng pháo dài (năm ấy chưa cấm đốt pháo). Đến ga Phù Cát, anh bắt xe ôm về nhà.
Anh xe ôm chỉ biết anh là lính về quê ăn Tết, đâu biết anh trở về từ cõi chết sau sự kiện Gạc Ma. Đứng trước cửa, anh nhìn vào thấy mẹ đang lầm rầm khấn vái trước bàn thờ, bèn bật khóc gọi ầm lên.
Bố mẹ anh chạy ra sững sờ, cả nhà ôm nhau khóc váng. Bà con lối xóm chạy sang khóc theo.
Người lái xe ôm lạ quá kêu: “Con về ăn Tết thì phải mừng chứ sao lại khóc”, nhưng khi biết chuyện cũng òa khóc. Đúng lúc ấy, Thoa lấy ra hai tràng pháo dài nổ tung không gian đêm giao thừa không thể nào quên.
Được trả về nước, anh Lê Minh Thoa không muốn liên lạc với gia đình ngay, bởi sợ gia đình biết tin sẽ lặn lội từ Tây Sơn ra thăm vô cùng tốn kém. Anh đâu biết ở nhà đã lập bàn thờ anh nghi ngút hương khói. Mãi đến dịp Tết Nhâm Thân 1992, các anh mới được nghỉ phép về ăn Tết cùng gia đình.