'Nếu không rửa tay, bác sĩ sẽ là bạo chúa của y học!'

Trần Đặng Minh Trí dich |

Bác sĩ Semmelweis là một thiên tài, có thể xem là "ông tổ" của quy trình rửa tay trong bệnh viện. Nhưng sinh thời, ông bị xem là một người thất bại.

Lời tòa soạn: Dù Covid-19 có ở giai đoạn nào đi chăng nữa thì Rửa tay và Đeo khẩu trang đúng cách (test cách đeo khẩu trang, rửa tay đúng tại đây) luôn là các biện pháp trọng yếu để phòng chống dịch trong cộng đồng.

Atul Gawande là bác sĩ ngoại khoa và là giáo sư y tế công tại Đại học Y Harvard. Năm 1992, khi chỉ mới 27 tuổi và còn là sinh viên ở trường Y, ông đã là chiến lược gia chính sách y tế cho Tổng thống Bill Clinton. Năm 2007, Atul Gawande xuất bản cuốn sách mang tên ‘Better’ (Tốt hơn) chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức trong thực hành y khoa của ông với những trải nghiệm thực tế cho đến giờ vẫn hết sức thiết thực với thực trạng y tế thế giới.

Một trong những kiến thức đó là "Rửa tay, rửa tay và rửa tay".

Trong bối cảnh mùa dịch Covid-19 vẫn đang lan rộng ra nhiều nước và có những diễn tiến chưa thể lường hết, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài viết về "Rửa tay" dưới đây do Trần Đặng Minh Trí và Hà Xuân Nam biên dịch từ một chương trong cuốn sách đó của ông.


KHI "ÔNG TỔ" CỦA QUY TRÌNH RỬA TAY BỊ HẮT HỦI

Một ngày đẹp trời vừa qua, tôi (bác sĩ Atul Gawande - người dịch) đi tuần một vòng bệnh viện của mình với cô Deborah Yokoe, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm (infectious disease specialist), và cô Susan Marino, một nhà vi sinh học (mircobiologist). 

Họ làm việc trong khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện Brigham and Women’s, một cơ sở điều trị 739 giường trực thuộc khoa Y Đại học Harvard.

Kiểm soát nhiễm khuẩn không phải là công việc hào nhoáng và hai phụ nữ trên cũng không phải là người hào nhoáng. Cô Yokoe 45 tuổi, ăn nói nhỏ nhẹ và có má lúm đồng tiền. Cô thường mang giày thể thao đến chỗ làm. Cô Marino độ khoảng 50 tuổi và ít nói. Tuy nhiên, họ là hai trong số những người "từng trải" nhất bệnh viện.

Nguy cơ lây bệnh từ chính bác sĩ

Họ đã chiến đấu với dịch cúm (influenza empidemics), căn bệnh nhiễm trùng phổi (Legionnaires’ disease), những ca nhiễm khuẩn viêm màng não chết người (fatal baterical meningtis)… và chỉ trong mấy tháng trước, một ca mà theo kết quả sinh thiết não là bệnh thoái hoá thần kinh (neurodegenerative disease) Creutzfeld-Jakob - một cơn ác mộng cho những người làm kiểm soát nhiễm khuẩn.

Bởi vì nó là căn bệnh không những chết người và không có thuốc chữa mà còn rất khó kiểm soát do tác nhân lây nhiễm của nó là những prion (protein bị gấp nếp sai) vốn không thể bị diệt bởi phương pháp hấp khử trùng (heat-sterilization) thông thường trong bệnh viện.

Khi kết quả phòng lab báo về có bệnh Creutzfeld-Jakob, cả BV được cảnh báo nguy cơ là những bệnh nhân khác có thể đã bị lây nhiễm, thông qua các dụng cụ sinh thiết não mà bác sĩ ngoại thần kinh đã dùng trên bệnh nhân đầu tiên. Tuy nhiên nhờ quy trình lưu hồ sơ và theo dõi các dụng cụ được khử trùng, những nhân viên trong khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đã kịp thời tìm ra các dụng cụ này và khử trùng chúng bằng phương pháp hoá học để diệt các prion gây lây nhiễm.

Chuyên đề: Chuyên Gia Nói về Covid-19, độc quyền và tin cậy chỉ có trên mạng xã hội Lotus.vn , giúp bạn có kiến thức chuẩn mực, thái độ bình tĩnh để phòng chống dịch Covid-19.

Tải apps Lotus để có lá chắn vững chắc, mạnh mẽ chống lại Covid-19, bấm vào đây.

Ở BV Brigham and Women’s, hai cô Yokoe và Marino đã từng thấy đủ thứ dịch bệnh: từ dịch bệnh sởi đến cúm thỏ – bệnh tularemia do vi khuẩn Francisella Tularensis cực kỳ lây nhiễm trong phòng lab BV gây ra và luôn được canh chừng vì nguy cơ nó có thể được dùng làm vũ khí khủng bố sinh học.

Lần khác, hai cô đã đã yêu cầu chính phủ thu hồi những gói dâu tây đông lạnh khắp nước Mỹ, vì họ đã xác định được chúng là nguồn gốc một đợt dịch bệnh viêm gan A.

Nhiều kinh nghiệm như vậy nhưng Yokoe và Marino đang gặp phải một vấn đề rất đau đầu. Gần đây ở BV của tôi, hai cô cho biết có vấn đề nhiễm khuẩn rotavirus, virus Norwalk, mấy loại vi khuẩn Pseudomonas, vi khuẩn siêu kháng thuốc Klebsiella, và kẻ thù truyền kiếp của các BV ngày nay-vi khuẩn kháng thuốc Staphylococcus Aureus và Enterococcus Faecalis, thường xuyên gây ra viêm phổi, nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng máu.

Mỗi năm, theo Cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Mỹ, có hai triệu người bị nhiễm trùng khi họ ở trong BV. Chín mươi nghìn người trong số đó tử vong. 

Cô Yokoe nói, phần khó nhất trong công việc của người làm kiểm soát nhiễm khuẩn không phải là việc phải xử lý những vấn đề truyền nhiễm đa dạng, hay sự hoảng loạn của bệnh nhân và nhân viên y tế khi gặp phải dịch bệnh. Mà đó là việc yêu cầu những nhân viên y tế như tôi làm một việc rất đơn giản để kiểm soát nhiễm khuẩn: vệ sinh tay.

Một điều xấu hổ của nhân viên y tế: "Chỉ quẹt tay lên áo blouse trắng..." 

Hai chuyên gia Kiểm soát nhiễm khuẩn đã thử gần như mọi cách để nhân viên y tế trong BV chuyên cần hơn trong việc vệ sinh tay.

Khi tôi đi một vòng khoa ngoại, nơi tôi làm việc hằng ngày, cô Yokoe và cô Marino chỉ ra những bảng nhắc nhở vệ sinh tay mà họ đã dán lên tường, những bồn rửa tay mà họ đã dời đi cho thuận tiện, và cả những bồn rửa tay mới gắn trong từng phòng khám. Hai cô đã lắp vòi nước tự động cho các bồn rửa này.

Họ còn mua những tủ chứa vật tư y tế rất đẹp và gọn gàng với giá hơn 5.000 đô la Mỹ, để cất tất cả những thứ cần thiết cho nhân viên y tế rửa tay, đeo găng và áo choàng vô trùng.

Nếu không rửa tay, bác sĩ sẽ là bạo chúa của y học! - Ảnh 6.

Các tủ chứa vật tư y tế để nhân viên y tế rửa yay, đeo găng và áo choàng vô trùng.

Họ đã theo dõi, đo lường và đăng kết quả thống kê tỷ lệ nhân viên y tế tuân thủ vệ sinh tay trong mỗi khoa. Hai cô còn tặng cả vé xem phim cho những khoa có kết quả vệ sinh tay tốt.

Bất chấp những nỗ lực đó, nhân viên y tế như tôi vẫn từ chối sửa chữa thói quen ít vệ sinh tay của mình! 

Thống kê trong BV của tôi và tất cả các cơ sở y tế khác đều cho thấy bác sĩ và điều dưỡng chỉ rửa tay trong 1/2 đến 1/3 những trường hợp cần thiết. Từ việc bắt tay với một bệnh nhân sổ mũi, đến việc lột một băng dính vết thương cho một bệnh nhân khác, rồi đưa ống nghe lên ngực một bệnh nhân nhễ nhại mồ hôi… đa số chúng tôi chỉ không làm gì hơn ngoài việc quẹt tay lên vạt áo blouse trắng của mình, rồi thản nhiên khám bệnh nhân mới, viết hồ sơ bệnh án, hay… cầm ổ bánh mì lên ăn trưa. 

Vấn đề này kể ra thì thật xấu hổ, nhưng không có gì mới cả! 

Khi "ông tổ" của quy trình rửa tay bị hắt hủi

Năm 1847 tại thành phố Vienna thủ đô nước Áo, một bác sĩ sản khoa 27 tuổi tên Ignac Semmelweis đã suy luận ra rằng việc bác sĩ rửa tay không thường xuyên hoặc không đúng cách chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh sốt hậu sản (childbed fever, puerperal sepsis). Bệnh nhiễm khuẩn sản là nguyên nhân gây tử vong cao nhất khi sinh con, trước khi thuốc kháng sinh được phát minh và trước khi khoa học tìm ra vi trùng là nguồn gốc của bệnh nhiễm trùng).

Nếu không rửa tay, bác sĩ sẽ là bạo chúa của y học! - Ảnh 9.

Bác sĩ Semmelweis

Căn bệnh sốt hậu sản thường do vi khuẩn Streptococcus (cùng loại vi khuẩn gây bệnh Viêm họng liên cầu khuẩn, strep throat). Trong số 3.000 ca sinh mỗi năm tại BV nơi bác sĩ Semmelweis làm việc, hơn 600 bà mẹ tử vong vì căn bệnh này, chiếm 20% tử vong khi sinh-một tỉ lệ cao khủng khiếp. Trong khi đó những phụ nữ sinh con ở nhà chỉ có 1% tử vong.

Bác sĩ Semmelweis kết luận chính các bác sĩ là người mang căn bệnh sốt hậu sản từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. Từ đó, ông ra lệnh cho tất cả các bác sĩ và điều dưỡng ở khoa của mình phải rửa tay với bàn chải và hoá chất chlorine giữa các lần khám bệnh. Tỉ lệ tử vong do sốt hậu sản ngay lập tức giảm xuống còn 1% - một bằng chứng không thể chối cãi là bác sĩ Semmelweis đã nói đúng.

Nếu không rửa tay, bác sĩ sẽ là bạo chúa của y học! - Ảnh 10.

Sau khi buộc các bác sĩ và điều dưỡng ở khoa của mình phải rửa tay với bàn chải và hóa chất giữa các lần khám bệnh, tỷ lệ tử vong do sốt hậu sản tại BV nơi bác sĩ Semmelweis làm việc ngay lập tức giảm xuống còn 1%.

Tuy vậy, cách thức làm việc của nhân viên y tế ở BV của bác sĩ Semmelweis vẫn không thay đổi. Có những đồng nghiệp cảm thấy bị xúc phạm bởi nhận định của ông Semmelweis; họ không thể tin rằng bác sĩ có thể làm hại bệnh nhân được.

Thay vì được ca ngợi là một người hùng, bác sĩ Semmelweis cuối cùng bị đuổi việc khỏi BV.

Qua thời gian, câu chuyện của bác sĩ Semmelweis trở thành một ví dụ điển hình của sự bướng bỉnh và mù quáng của giới y khoa. 

Tuy nhiên câu chuyện cải tiến y tế thế kỷ 19 này phức tạp hơn ta tưởng. Vấn đề là, các bác sĩ thế kỷ 19 có quá nhiều giả thuyết về nguyên nhân của căn bệnh sốt hậu sản. Ví dụ như có nhiều bác sĩ tin chắc rằng ‘chướng khí’ trong BV là nguyên nhân.

Vả lại, bác sĩ Semmelweis lại rất trái tính và không chịu đưa ra bất kỳ một giả thiết cho lý thuyết của mình, hay chứng minh nó bằng thí nghiệm trên động vật. Thay vào đó, khi được yêu cầu đưa ra bằng chứng, ông cảm thấy như bị xúc phạm và tấn công mạnh mẽ những người không đồng tình với mình.

Khi một bác sĩ sản ở Đại học Vienna đặt câu hỏi về lý thuyết của bác sĩ Semmelweis, ông đáp trả: "Thưa ông Giáo sư, ông phải chịu trách nhiệm cho cuộc thảm sát này".

Ông viết cho một đồng nghiệp khác ở thành phố Wurzburg: "Thưa ông Hofrath, nếu ông không không bác bỏ được luận điểm của tôi, nhưng lại tiếp tục dạy học trò của mình (chống lại nó), thì tôi xin tuyên bố trước Chúa và nhân loại rằng ông là một kẻ giết người. Lịch sử của căn bệnh sốt hậu sản sẽ kết tội ông là một Nero (kẻ bạo chúa) của y học!"

Ở mọi nơi bác sĩ Semmelweis công tác, ông đều bị đồng nghiệp phản đối.

Ở BV thành phố Pest (về sau trở thành một phần của Budapest, thủ đô của nước Hungary ngày nay), nơi bác sĩ Semmelweis dọn về sau khi bị đuổi việc ở Vienna, ông suốt ngày đứng cạnh bồn rửa và phê bình bất kỳ ai quên không rửa tay.

Nếu không rửa tay, bác sĩ sẽ là bạo chúa của y học! - Ảnh 12.

Tượng bác sĩ Semmelweis đặt tại Đại học Tehran.

Các đồng nghiệp càng ngày càng lảng tránh Semmelweis và nhiều khi còn ‘thọc gậy bánh xe’ chương trình vệ sinh tay của ông. Bác sĩ Semmelweis là một thiên tài, nhưng ông cũng quá quan liêu và sĩ diện, và vì vậy ông là một thiên tài thất bại. 

Phải mất hơn 20 năm sau đó, khi Joseph Lister đưa ra một giải thích rõ ràng và dễ nghe hơn thì tạp chí y khoa Lancet mới đăng bài viết ‘khuyên’ các bác sĩ ở Anh quan tâm hơn tới kiểm soát nhiễm khuẩn.

Từ đó đến nay đã 170 năm, nhưng vấn đề rửa tay của nhân viên y tế vẫn còn đó!

(Còn tiếp) 

Trần Đặng Minh Trí dịch từ Better của BS Atul Gawande (Đại học Y Havard)

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt.

Nếu không rửa tay, bác sĩ sẽ là bạo chúa của y học! - Ảnh 13.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại