Vẫn giao S-400 cho Ấn Độ, Nga "dội gáo nước lạnh" vào Trung Quốc?

Mạnh Kiên |

Trong khi đình chỉ giao S-400 cho Trung Quốc, Nga vẫn bảo đảm quá trình chuyển giao hệ thống phòng không này cho Ấn Độ.

Nga đã xoa dịu mọi lo ngại xung quanh quá trình chuyển giao các hệ thống phòng không S-400 cho Ấn Độ liên quan đến tình hình dịch bệnh bùng phát, trái ngược lại với quyết định đình chỉ giao hàng đối với Trung Quốc, theo EurAsian Times.

Tháng trước, Moscow đã đình chỉ giao thêm các lô hàng S-400 cho Trung Quốc mà không ấn định ngày nối lại. Báo chí Trung Quốc cho rằng điều này xuất phát từ việc Nga lo ngại làn sóng Covid-19 bùng phát theo diễn biến khó lường.

Tuy nhiên, giới quan sát chỉ ra rằng, động thái trên dường như có liên quan đến tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin gần đây cáo buộc Bắc Kinh có hành vi gián điệp, bất chấp việc hai nước đang có mối quan hệ tốt đẹp trong thời gian qua.

Trái ngược với Trung Quốc, Nga được cho là ưu ái Ấn Độ khi tiếp tục giao S-400 cho nước này mà không đưa ra bất kỳ trở ngại gì.

Trong tuyên bố mới nhất, Đại sứ Ấn Độ tại Nga Venkatesh Varma đã dập tắt mọi tin đồn về thỏa thuận trị giá 5,43 tỷ USD giữa hai nước có nguy cơ dừng lại.

"S-400 sẽ đúng kế hoạch. Virus corona sẽ không ảnh hưởng đến việc cung cấp hệ thống", ông Varma nói.

Hệ thống phòng không S-400 được coi là một trong những hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất trên thế giới, có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên tới 400 km, tầm cao 30 km. Sự xuất hiện kịp thời của vũ khí Nga được cho là sẽ mang lại cho không quân Ấn Độ lợi thế trước những người láng giềng Trung Quốc và Pakistan.

Tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ BS Dhanoa khẳng định, S-400 cùng với chiến đấu cơ Rafale mua từ Pháp sẽ mang lại cho nước này một lợi thế chiến lược đáng kể trong cuộc không chiến với Trung Quốc ở biên giới, cũng như có thể đánh chặn các máy bay Pakistan ngay bên trong lãnh thổ Pakistan.

"Chiến đấu cơ Rafale cùng với hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 sẽ mang lại cho Không quân Ấn Độ (IAF) lợi thế chiến đấu trong toàn khu vực và các đối thủ của Ấn Độ sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi bắt đầu cuộc chiến với chúng tôi", ông nói.

Theo ông Varma, kho vũ khí quân sự của Ấn Độ có thể được tăng cường hơn nữa nếu nước này đạt được thành công trong hợp đồng sản xuất trực thăng Kamov Ka-226 với Nga trong tương lai, rất có thể là vào năm tới.

Năm 2018, bất chấp sức ép và đe dọa trừng phạt của Washington, New Delhi đã tiếp tục ký thỏa thuận mua hệ thống tên lửa S-400 từ Nga.

S-400 thường được so sánh với Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ nhưng hầu hết các chuyên gia đều đánh giá đây là hệ thống phòng thủ tốt nhất thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại