Một ngày mùa hè nắng cháy thời chiến năm 1941, một cô gái trẻ đẹp với khuôn miệng cười rộng dắt chiếc xe đạp đi dọc theo con đường yên tĩnh sâu trong vùng nông thôn Oxfordshire. Đi bên cạnh cô là một người đàn ông có vẻ lo lắng với đôi mắt nâu dữ dội. Cặp vợ chồng đang tình tứ nắm tay nhau dạo bước thu hút nhiều ánh mắt của những người qua đường.
Tuy nhiên, họ không phải là đôi tình nhân thơ mộng, mà là hai trong số những điệp viên quan trọng nhất thời Chiến tranh Lạnh, phục vụ mạng lưới tình báo quân sự của Liên Xô và đã đưa được một số bí mật hạt nhân then chốt của Anh về Moskva.
Vỏ bọc hoàn hảo
Người phụ nữ là Sonya, mật danh của Ursula Kuczynski, thành viên GRU (tình báo quân đội Liên Xô) – một phụ nữ sinh ra tại Đức, đang sống bí mật với người chồng gốc Anh tên Len Beurton, cũng là một điệp viên Liên Xô. Cô đã chuyển các bí mật khai thác được trở lại Moskva với sự trợ giúp của thiết bị phát radio giấu trong vườn nhà.
Người đàn ông là Klaus Fuchs, một người nhập cư Đức. Ông là một nhà vật lý tài năng làm việc trong dự án Tube Alloy của Anh. Trọng tâm của dự án là sản xuất ra urani-235 tinh khiết. Tube Alloys sau đó trở thành nền tảng của Dự án Manhattan ở Los Alamos, New Mexico (Mỹ), nơi phát triển vũ khí hạt nhân đầu tiên.
Các tài liệu giải mật của Cơ quan tình báo Anh (MI5) và tình báo Đông Đức đều cho thấy, trước và sau chiến tranh, rất nhiều tài liệu mật về chương trình hạt nhân của Anh đã bị Klaus tiếp cận và chuyển cho Liên Xô thông qua Kuczynski. Những thông tin từ Klaus Fuchs được cho là đã giúp Moskva đạt bước tiến đáng giá ít nhất 2 năm trong chương trình hạt nhân của nước này.
Hoạt động của bộ đôi gián điệp này cũng đã làm ảnh hưởng đáng kể uy tín của cơ quan tình báo Anh. Bởi, theo các tài liệu của MI5 được giải mật, cơ quan này đã được cảnh báo về sự nguy hiểm của Kuczynski và anh trai của bà là Jurgen Kuczynski nhưng vì chủ quan nên đã không có động thái ngăn chặn.
Ursula Kuczynski sinh ra trong một gia đình Do Thái giàu có ở Berlin (Đức). Năm 19 tuổi cô đã quyết gia nhập Đảng Cộng sản Đức sau khi chứng kiến cảnh những cựu chiến binh Thế chiến I bị mù hoặc cụt chân ăn xin trên đường phố Berlin.
Năm 1930, khi cùng người chồng đầu là Rolf Werner tới Trung Quốc làm ăn, Ursula Kuczynski được Richard Sorge – một đảng viên Đảng Cộng sản Đức và là một điệp viên bậc thầy của Liên Xô tại Viễn Đông – đề nghị hợp tác. Sorge sau này bị Nhật Bản giết hại năm 1944.
Sorge đặt cho Kuczynski mật danh Sonya, giới thiệu bà với GRU và tiến cử Kuczynski tới Moskva để tham gia khóa đào tạo gián điệp. Trong cơ sở của GRU, Kuczynski được huấn luyện sử dụng mã Morse, tiếng Nga, cách chế máy phát và thu âm.
Hoàn tất chương trình tập huấn, Kuczynski trở về Trung Quốc với nhiệm vụ thiết lập đường dây liên lạc giữa những người cộng sản ở Trung Quốc với Liên Xô, đồng thời giúp tổ chức lực lượng kháng chiến chống quân Nhật ở Mãn Châu cũng như theo dõi các hoạt động của quân Nhật.
Năm 1935, do lo sợ Kuczynski và Sorge bị lộ, tình báo Liên Xô yêu cầu họ rời khỏi Trung Quốc. Kuczynski được điều tới Ba Lan. Đến năm 1938, bà lại được điều tới Thụy Sỹ với nhiệm vụ thiết lập mạng lưới gián điệp ở đây.
Không đồng ý để vợ tới Thụy Sỹ, ông chồng Werner đề nghị ly hôn và bỏ tới vùng Viễn Đông làm ăn. Năm 1940, khi được điều tới Anh làm việc, Kuczynski gặp gỡ và tái hôn với Len Beurton – một đảng viên Cộng sản Anh cũng làm việc cho tình báo Liên Xô.
Bí mật dự án bom hạt nhân
Thời gian này, Kuczynski và gia đình chuyển tới Oxford, gần trung tâm nghiên cứu năng lượng nguyên tử của Anh ở Harwell, sau đó họ sống khép mình trong ngôi làng hẻo lánh Great Rollright, gần Chipping Norton để tạo vỏ bọc cho hoạt động điệp viên.
Chỉ một thời gian sau đó, Kuczynski đã có thể tuyển mộ được một nhân viên kỹ thuật của Không quân hoàng gia Anh, moi được nhiều thông tin quý về những tiến triển mới nhất trong dự án nghiên cứu máy bay của Anh.
Thông qua sự giới thiệu của người anh trai cũng sống ở Anh, Ursula Kuczynski tuyển mộ được nhân vật quan trọng nhất là Fuchs. Từ năm 1942, Kuczynski và Fuchs thường xuyên đóng giả làm một cặp tình nhân lãng mạn để bí mật trao đổi thông tin.
Hoặc Kuczynski sẽ nhận thông tin mã hoá được đánh dấu trên các tạp chí mà buổi đêm Fuchs ném qua hàng rào của trung tâm nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hartwell. Các báo cáo của Kuczynski được gửi cho tổ chức bằng sóng radio nhờ một thiết bị không dây phức tạp được giấu trong dây phơi quần áo ngoài vườn.
“Từng việc nhỏ nhất trong cuộc gặp đều được chúng tôi tính toán kỹ. Tôi và Fuchs không bao giờ gặp nhau quá nửa giờ nhưng cũng không gặp nhau quá ngắn. Thật ra, chỉ cần 2 phút là đủ để trao đổi thông tin nhưng chúng tôi không làm vậy vì việc đi cùng nhau một quãng đường sẽ ít gây chú ý hơn so với việc chỉ gặp chớp nhoáng rồi tách ra”, bà Kuczynski về sau kể lại.
Tại thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp vào năm 1942-1943, Kuczynski đã chuyển về cho Moskva nhiều thông tin vô giá về hoạt động chế tạo bom của Anh mà Klaus Fuchs cung cấp, bao gồm các bí mật hạt nhân của Anh và về sau là cả những bí mật từ phòng thí nghiệm của Mỹ ở Los Alamos.
Năm 1947, vỏ bọc của Kuczynski bị một đặc vụ người Anh lật tẩy. Tuy nhiên bà vẫn ở lại Anh gần 3 năm, kiếm sống khiêm tốn bằng nghề dạy tiếng Đức trước khi trốn về Berlin cùng với anh trai vào năm 1950, một ngày trước phiên tòa xét xử.
Về phần mình, Fuchs đã làm việc với bộ phận nghiên cứu nguyên tử của Mỹ ở Los Alamos từ năm 1944 -1946. Khi trở về Anh, ông ta có tên trong sổ đen. Bị bắt vào cuối năm 1949, Fuchs bị đưa ra xét xử vào tháng 1/1950 và thụ án 9 năm tù, trước khi được phép di cư đến Đông Berlin.
Các tài liệu tình báo quân đội Liên Xô được giải mật đầu thập niên 2000 cho biết, Ursula Kuczynski cũng chính là người kiểm soát Melita Norwood – nữ điệp viên Anh phục vụ lâu năm nhất cho Liên Xô, và chỉ đến năm 1999 mới lộ thân phận.
Những năm không còn hoạt động điệp viên, Ursula Kuczynski chuyển sang viết truyện ngắn, tiểu sử và tự truyện.
Ông Norman Moss – tác giả cuốn sách "Klaus Fuchs: người đàn ông đánh cắp bom nguyên tử" - khẳng định chính từ những thông tin mà Fuchs và Kuczynski chuyển về mà vào năm 1942, trợ lý của nhà lãnh đạo Stalin là Vyacheslav Molotov đã quyết định lập dự án bom hạt nhân của Liên Xô.
Những thông tin đó đã giúp các nhà nghiên cứu Liên Xô rút ngắn được rất nhiều thời gian nghiên cứu. Năm 1949, người Liên Xô đã thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên, sớm hơn đến 4 năm so với dự đoán của tình báo Anh và Mỹ.
Những năm tháng từ bỏ vai trò điệp viên, bà Kuczynski thành công với tư cách tác giả một số cuốn truyền ngắn, tiểu sử của Olga Benario, một chiến sĩ Cộng sản Đức chết trong lò hơi của Đức quốc xã, và hồi ký của mình. Bà qua đời năm 2000, ở tuổi 93 tại Berlin.