Vào khoảng 7h, ngày 25/5/2024, tại gia đình nhà ông H.S.S. (thôn Nà Chí Phàng, xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) đã tổ chức bữa ăn sáng gồm 14 người ăn với các món: Thịt gà luộc, thịt vịt luộc, thịt lợn treo gác bếp xào, rau bí xào. Trong bữa ăn, có 3 người đàn ông uống thêm rượu ngâm rễ cây (tiếng H’Mông gọi là cây tẩu hỏa hảng).
Sau uống một chén rượu, ông V.S.C., có biểu hiện đau bụng, vã mồ hôi, buồn nôn, buồn đi đại tiện, người mệt mỏi, chóng mặt, rét run. Đến khoảng 11h, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà với tình trạng tiếp xúc chậm, vã mồ hôi, da niêm mạc hồng nhợt, sốt nhẹ 37,5 độ, huyết áp: 78/40mmHg, cảm giác khó thở, đau vùng thượng vị, bụng mềm, nhịp chậm xoang, tăng gánh thất trái.
Ông C. được chẩn đoán: Nhồi máu cơ tim cấp, sốc tim, ngộ độc rượu ngâm rễ cây không rõ loại, hạ kali máu, suy thận cấp. Khoảng 21h30 ngày 26/5, ông C. được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Hai người khác có uống khoảng hai chén, cũng có biểu hiện vã mồ hôi, đau bụng, chóng mặt. Tuy nhiên, do sơ cứu kịp thời nên tình trạng đỡ hơn, không vào viện.
Qua điều tra cho thấy, đây là loại rượu được người nhà ông S. mua ở chợ với mục đích xoa bóp ngoài da để chữa trật khớp; nhưng do không biết nên đã mang ra uống. Hiện nay, người dân vùng núi thường có thói quen ngâm các loại động, thực vật với rượu nhằm mục đích bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, với việc không biết rõ các loại động thực vật đó có độc hay không hoặc uống rượu ngâm với liều lượng lớn hay uống nhầm các loại rượu ngâm như vụ việc nói trên thì nguy gây ra ngộ độc rất cao, tỷ lệ tử vong do độc tố tự nhiên là rất lớn.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Trung tâm Y tế Si Ma Cai lấy được 1 mẫu rượu ngâm rễ cây đang uống dở; 1 mẫu cây tươi có cả rễ, thân, lá (là loại cây dùng để ngâm loại rượu nói trên) được người nhà lấy trên đồi để gửi kiểm nghiệm tìm nguyên nhân để cảnh báo rộng rãi trong cộng đồng.