Viết trên tạp chí khoa học Nutrients, nhóm tác giả từ Đại học Y khoa tỉnh Kyoto (Nhật Bản) cho biết thói quen tiêu thụ cà phê có thể liên quan đến tỉ lệ mỡ nội tạng thấp hơn đáng kể ở cả nam và nữ.
Khác với lớp mỡ dưới da, mỡ nội tạng bao bọc xung quanh các cơ quan vùng bụng sâu bên trong cơ thể.
Một trong những đặc trưng của tình trạng nhiều mỡ nội tạng có thể nhận biết là vòng bụng thường to quá khổ, kiểu "bụng bia". Nguy cơ xuất hiện nhiều mỡ nội tạng thường tăng lên theo tuổi tác và thói quen tiêu thụ rượu bia.
Mỡ nội tạng từng được chứng minh là làm tăng nguy cơ các vấn đề sức khỏe đáng ngại bao gồm bệnh tim, Alzheimer, tiểu đường type 2, đột quỵ....
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã đưa ra một giải pháp cực kỳ hấp dẫn: Uống cà phê và ăn bánh mì vào buổi sáng.
Họ đã xem xét dữ liệu của hơn 3.500 người, bao gồm hơn 1.200 nam giới và 2.300 phụ nữ.
Kết quả cho thấy tỉ lệ béo phì nội tạng thấp hơn khoảng 24%, tỉ lệ mắc hội chứng chuyển hóa thấp hơn khoảng 30% ở những người thường xuyên uống cà phê sáng.
Một cách thú vị, mức giảm nguy cơ tăng lên lần lượt là 45% và 41% ở những người dùng cà phê kèm bánh mì cho bữa sáng.
Tuy vậy, các bước nghiên cứu sau đó cho thấy giá trị của bánh mì chỉ là vì người hay ăn bánh mì buổi sáng hay thích ăn kèm món này với một ly cà phê, nên việc uống cà phê sáng của họ đều đặn hơn hoặc uống nhiều hơn.
Nhìn chung, tác dụng giảm béo phì nội tạng và giảm các chỉ số liên quan đến hội chứng chuyển hóa là nhờ cà phê.
Trong đó, hội chứng chuyển hóa là tình trạng đặc trưng bởi ít nhất 2 trong 5 yếu tố: Béo bụng, mức cholesterol toàn phần cao, cholesterol xấu LDL cao, triglyceride (chất béo trung tính) cao, cholesterol tốt HDL thấp.
Tác dụng kỳ diệu của cà phê đối với mỡ nội tạng và hội chứng chuyển hóa được cho là nhờ các hợp chất hoạt tính sinh học bên trong loại đồ uống này: Caffeine, các hợp chất polyphenol bao gồm axit chlorogen.
Đó là những hợp chất chống oxy hóa, chống viêm cực tốt, hỗ trợ cân bằng năng lượng cho cơ thể, giảm cân và đặc biệt là giảm mỡ vùng bụng nói chung.