Bất ngờ và sốc sau khi được thông báo mắc ung thư tuyến giáp
Bệnh nhân N. T. A 47 tuổi, (huyện Hạ Hòa – tỉnh Phú Thọ) đến bệnh viện phẫu thuật theo lịch hẹn khám định kỳ của bác sỹ. Sau thăm khám, bệnh nhân vô cùng bất ngờ và sốc khi được bác sỹ thông báo về kết quả sinh thiết tế bào học. Anh A. bị ung thư tuyến giáp.
Được biết trước khi biết mình mắc bệnh, anh A. không có biểu hiện bất thường như nuốt vướng, khản tiếng… Bệnh nhân chỉ thấy thấy xuất hiện hạch nhỏ vùng cổ.
Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, các bác sỹ đã chỉ định cận lâm sàng cần thiết với bệnh nhân. Hình ảnh sinh thiết tế bào học cho cho thấy vùng cổ tương ứng tuyến giáp có khối u mật độ chắc, di động theo nhịp thở, không đau kích thước khoảng 2 x 2 cm.
Bệnh nhân được xác định bị ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm. Sau hội chẩn liên khoa, các bác sỹ thống nhất phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp để loại bỏ hoàn toàn khối u ác tính tránh di căn sang các cơ quan khác trên cơ thể.
Không giống với trường hợp anh A. ở Phú Thọ, chị Đ.Đ.V (40 tuổi - Vĩnh Phúc) làm nghề công nhân dọn vệ sinh môi trường nên thường xuyên làm việc ngoài đường và hít nhiều bụi bặm.
Thời gian gần đây, chị thấy ho và khàn giọng nhiều nhưng nghĩ do đặc thù công việc nên chị lơ là không để ý đến sức khỏe. Chỉ đến khi những cơn ho liên tiếp với tần suất dày đặc, chị mới hốt hoảng đi khám tuyến y tế địa phương.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có dấu hiệu bất thường ở vùng họng. Không muốn tin vào kết quả tại tuyến cơ sở, chị bắt xe xuống Bệnh viện Nội tiết Trung ương kiểm tra sinh thiết và chị được thông báo bị ung thư tuyến giáp.
Qua khai thác bệnh sử, chị V. cho biết: "Tôi gặp tình trạng ho dai dẳng đã lâu nhưng một phần bận công việc chưa thể đi khám, phần nghĩ chỉ là ho khan bình thường nên chủ quan.
Thời gian gần đây, tôi ho nhiều kèm theo sốt, và ho có đờm nên mới tiến hành gặp bác sĩ. May mắn thế nào mà tôi phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu nên các bác sỹ nói là có thể can thiệp và chữa khỏi".
Khó thở, khó nuốt, nổi hạch ở cổ, khản giọng , mất tiếng là biểu hiện của ung thư tuyến giáp.
ThS.BS Nguyễn Thái Hoàng - Khoa điều trị kỹ thuật cao, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, trung bình mỗi tháng, khoa tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân ung thư tuyến giáp tìm đến khám và điều trị, có nhiều trường hợp đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, di căn ngoài tuyến giáp, làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Một người bình thường khi thấy các biểu hiện như khó thở, khó nuốt, nổi hạch ở cổ, khản giọng, mất tiếng, xuất hiện khối u lạ ở cổ… rất có thể đã bị u tuyến giáp gây rắc rối.
5 yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến giáp
Mặc dù những nguyên nhân chính xác gây ra ung thư tuyến giáp vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng các nhà khoa học cho rằng có một số yếu tố nguy cơ cao gây ra căn bệnh này.
1. Phóng xạ
Tuyến giáp bị nhiễm phóng xạ từ thời kỳ ấu thơ, cho đến nay vẫn được xem là yếu tố chính dẫn đến căn bệnh ung thư tuyến giáp.
Nhiễm phóng xạ có thể từ bên ngoài (tia phóng xạ được dùng để điều trị một số bệnh) hoặc bị nhiễm vào bên trong cơ thể (đường tiêu hoá hoặc đường hô hấp) do iot phóng xạ.
2. Di truyền
Theo số liệu nghiên cứu, khoảng 3-5% bệnh nhân ung thư tuyến giáp (chiếm 70% số lượng bệnh nhân ung thư tuyến giáp) có bố hoặc mẹ đã từng bị ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết hiện nay vẫn chưa pháp hiện được gene nào dẫn tới sự di truyền này.
3. Tuổi tác, thay đổi hooc-môn
Phần lớn bệnh nhân ung thư tuyến giáp được phát hiện ở độ tuổi từ 30-50. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn nam giới từ 2-4 lần.
Sự chệnh lệch này được giải thích là do yếu tố hooc-môn đặc thù ở nữ giới và quá trình mang thai đã kích thích sự hình thành bưới giáp và hạch tuyến giáp.
4. Do mắc bệnh tuyến giáp
Rất nhiều giả thiết đưa ra là những người bị bướu giáp, bệnh basedow hoặc hooc-môn tuyến giáp TSH mãn tính có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp cao hơn những người khác.
5. Các nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân quan trọng được kể ở trên, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra rất nhiều nguyên nhân khác gây nên bệnh ung thư tuyến giáp như thiếu iot, thừa cân, nghiện rượu, nghiện thuốc lá...
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh
Ung thư tuyến giáp thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới. Phụ nữ có xu hướng mắc bệnh ung thư tuyến giáp ở độ tuổi 40 và 50, trong khi nam giới mắc bệnh ung thư tuyến giáp thường ở độ tuổi 60 hoặc 70.
Ung thư tuyến giáp thể nang chủ yếu xảy ra với những người trên 50 tuổi. Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa thường xảy ra ở những đối tượng trên 60 tuổi.
Những người trẻ tuổi vẫn có thể bị ung thư tuyến giáp và loại ung thư thường gặp nhất là ung thư tuyến giáp thể nhú, xảy ra với những người từ 30 đến 50 tuổi.
Chuyên gia khuyến cáo
Thực tế có những trường hợp bệnh nhân phát hiện muộn dẫn đến xâm lấn ra thực quản, khí quản, động tĩnh mạch cảnh khiến cho quá trình phẫu thuật bóc tách khối u di căn trở nên vô cùng phức tạp và nguy hiểm cho bệnh nhân.
Một số trường hợp khối u xâm lấn không có khả năng phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị sau phẫu thuật thấp, khả năng bệnh tái phát cao.
Bác sĩ Hoàng cũng cho biết việc phát hiện ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm vô cùng quan trọng vì nó không chỉ giúp gia tăng tỷ lệ chữa trị thành công mà còn hạn chế biến chứng của các phương thức điều trị (phẫu thuật, xạ trị).
Theo bác sỹ chuyên khoa ung bướu, ung thư tuyến giáp là bệnh khó phát hiện với những biểu hiện không rõ ràng nhưng có tiên lượng rất tốt ở giai đoạn đầu.
Vì vậy, những người có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến giáp nên tầm soát định kỳ. Người có nguy cơ cao gồm những người có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến giáp.
Tầm soát ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ).
Tầm soát ung thư và kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm là cách tốt nhất phát hiện những thay đổi bất thường của cơ thể và có thể điều trị sớm những bệnh nguy hiểm như ung thư ở giai đoạn đầu.
Với những trường hợp không có những triệu chứng lâm sàng cũng nên được khuyến cáo khám định kỳ 6 tháng/lần, BS Hoàng khuyến cáo khi đã phát hiện bệnh lý tuyến giáp bướu nhân người bệnh nên đi tái khám thường xuyên dù là lành tính để được theo dõi sát tình trạng nhân.
Phòng ngừa bệnh ung thư tuyến giáp
Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh lý này mỗi người dân cần:
- Thực hiện lối sống lành mạnh
- Không dùng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, ăn nhiều rau xanh
- Hạn chế dùng các thực phẩm chứa nhiều chất béo
- Tăng cường vận động để giúp cơ thể chuyển hóa tốt.