Là bộ phận lớn nhất cơ thể con người, làn da được xem là cửa sổ để nhìn vào sức khỏe .
"Tất cả các hệ thống nội tạng của chúng ta đều có liên quan với nhau. Bất kỳ điều gì đang diễn ra ở các cơ quan này đều ảnh hưởng đến làn da và ngược lại", Whitney High, Phó giáo sư – bác sĩ chuyên khoa da liễu và bệnh lý tại Đại học Colorado ở Denver (Mỹ) cho biết.
Vấn đề là các bác sĩ không cần thiết bị đặc biệt để kiểm tra da mà cũng có thể nói được nhiều điều về những gì đang xảy ra bên trong cơ thể, với sức khỏe của bạn. Dưới đây là những biểu hiện ở da mà bạn nên theo dõi.
1. Nhiều "cục da thừa" mọc lên
Bác sĩ da liễu Rachel Reynolds thuộc Trung tâm y tế Beth Israel Deaconess cho biết một vài nốt như thế mọc lác đác trên da là bình thường, nhưng nhiều "cục da thừa" bắt đầu mọc có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Chúng được thúc đẩy bởi yếu tố tăng trưởng dạng insulin 1, một protein có vai trò trong bệnh tiểu đường kích thích sự phát triển quá mức của da. Các dấu hiệu khác của bệnh tiểu đường túyp 2 bao gồm khát nước nhiều, vết thương lâu lành và nhanh đói.
2. Mụn mọc nhiều
Người trưởng thành bị mụn trứng cá là chuyện bình thường, nhưng bạn cũng nên chú ý những thay đổi về da như mụn trứng cá. Đó có thể là dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), tình trạng mất cân bằng nội tiết ảnh hưởng đến 10 triệu phụ nữ trên toàn thế giới.
Khi cơ thể người phụ nữ tạo ra nội tiết "nam" gọi là androgen quá nhiều, mụn trứng cá sẽ xuất hiện. Các bác sĩ có thể nghi ngờ PCOS nếu bạn bị mụn trứng cá cùng với kinh nguyệt không đều hoặc mụn trứng cá bùng phát ngay trước kỳ kinh, bác sĩ Reynolds giải thích.
3. Phát ban khác thường
Một thứ gì đó lành tính như bột giặt mới hoặc nút kim loại trên quần có thể là nguyên nhân đằng sau những nốt phát ban mới, nhưng bị ve cắn cũng có thể là thủ phạm.
5 loại bệnh khác nhau do bọ ve đốt có thể gây phát ban da, từ bệnh Lyme và STARI (bệnh phát ban do ve phương nam) đến những đốm nhỏ màu hồng rải rác cổ tay, cẳng tay và mắt cá chân có liên quan đến sốt phát ban Rocky Mountain.
Hãy theo dõi những thay đổi trên da nếu bạn vừa đi cắm trại, đi bộ đường dài hoặc ở ngoài trời trong những khu vực có bọ ve.
4. Phát ban sau dùng thuốc mới
Bắt đầu dùng một loại thuốc mới luôn đi kèm với các phản ứng tiềm ẩn.
Bác sĩ da liễu Cindy Owen, trợ lý giáo sư Khoa da liễu thuộc Đại học Louisville (Mỹ) cho biết có một vấn đề nghiêm trọng là dị ứng, hay còn gọi là "phản ứng thuốc với bạch cầu ưa axít và triệu chứng toàn thân", hoặc hội chứng DRESS, một tình trạng đe dọa tính mạng biểu hiện bởi viêm gan, tim và phổi.
Thậm chí còn dễ nhầm lẫn hơn: Phát ban này có thể xuất hiện từ 2 đến 8 tuần sau khi bắt đầu dùng thuốc. Hãy cảnh giác nếu bạn bị phát ban kèm theo sốt hoặc sưng hạch bạch huyết.
5. Ngứa nhiều
Nếu da bị khô, đặc biệt là trong những tháng mùa đông, bạn thường cảm thấy ngứa. Nhưng đã sử dụng kem dưỡng ẩm tốt mà triệu chứng ngứa không giảm, nguyên nhân có thể nghiêm trọng hơn là do khô da.
Ngứa có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh ung thư như bệnh bạch cầu và u lympho, cũng như bệnh gan và suy thận. Bác sĩ Reynolds khuyên nếu bị ngứa khắp người, ngứa nhiều, và không có nguyên nhân, hoặc nghiêm trọng đến nỗi bạn mất ngủ vì khó chịu, hãy nói chuyện với bác sĩ.
Ngứa kèm theo ra mồ hôi ban đêm, sốt và giảm cân không rõ nguyên nhân là những triệu chứng khác đáng báo động.
6. Tàn nhang nổi trên mặt
U hắc tố sớm có thể đưa ra dấu hiệu như một nốt tàn nhang mới trong vài tuần hoặc vài tháng đầu tiên, bác sĩ High cho biết.
Nhưng nếu đó là dạng ung thư da ác tính, sau một thời gian các nốt đó sẽ không còn giống tàn nhang mà phát triển thêm. Sau đó, chúng sẽ thay đổi kích thước, hình dạng và màu sắc.
7. Những nốt sưng nề đỏ dưới da
Nhiều người nghĩ ruột và da không liên quan gì đến nhau, nhưng thực ra là có. Các tình trạng viêm như bệnh ruột kích thích (IBD) có thể biểu hiện trên da. Các nốt đỏ và gây đau có thể xuất hiện trên chân, nằm sâu dưới bề mặt da.
8. Da đổ mồ hôi và đỏ
Trừ khi bạn đang thư giãn trong phòng xông hơi hoặc sống ở vùng nhiệt đới, đây có thể là dấu hiệu của tuyến giáp hoạt động quá mức.
Ở những người bị cường giáp, chuyển hóa tăng lên, dẫ tới tình trạng gây nóng và và đỏ mặt. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng khác có thể báo hiệu rối loạn chức năng tuyến giáp, như giảm cân hoặc khó ngủ.
9. Cẳng chân sưng và đỏ
Khi một ai đó trải qua tình trạng bị suy tim sung huyết, trái tim suy yếu sẽ rất vất vả để giữ máu lưu thông chống lại lực hấp dẫn. Kết quả là máu có thể ứ đọng ở chân.
Nhìn thấy những đường hằn sâu sau khi cởi tất lại là một dấu hiệu khác. Suy tim sung huyết dễ xảy ra nhất ở người già. Nếu bạn còn trẻ và đi tất bị hằn, nguyên nhân là do tất quá chật.
10. Những nốt sưng màu vàng dưới da
Những nốt sưng màu vàng xuất hiện trên khớp, bàn tay, bàn chân và mi mắt có thể là mỡ tích tụ dưới da. Được gọi là u vàng, những nốt sưng này là dấu hiệu cho thấy cholesterol hoặc mỡ trong máu quá cao.
Chúng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường, viêm tụy và thậm chí một số bệnh ung thư.
Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
Bác sĩ High cho biết các vấn đề ở da có thể là một dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng hơn nhưng khi bị da khô hoặc ngứa, đừng vội nghĩ ngay đến kịch bản xấu nhất.
Nếu bạn bị ngứa, trước tiên hãy thử một loại kem dưỡng ẩm. Nếu bạn bị phát ban, hãy uống thuốc kháng histamin hoặc thử dùng kem hydrocortisone. Sau đó, nếu vấn đề không được giải quyết nhanh chóng, bạn hãy đi khám bác sĩ.
Nhưng trong trường hợp này, bạn nhất thiết phải đi khám ngay. Các vết phát ban mới không hết sau 1 hoặc 2 tuần, kèm theo đó là triệu chứng đau, sốt, ứ mủ hoặc rét run... hãy đến gặp bác sĩ.
* Theo RD