Ung thư: Thực phẩm bẩn có vai trò không thể chối cãi

Phương Thuý |

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Saint Paul) đã có những chia sẻ quan điểm của cá nhân anh với độc giả của báo Infonet.


Bác sĩ Trần Văn Phúc.

Bác sĩ Trần Văn Phúc.

Chào bác sĩ, mấy ngày qua truyền thông cũng như nhiều chuyên gia lên tiếng về việc thực phẩm độc hại gây ung thư. Theo anh vấn đề này như thế nào?

Bác sĩ Trần Văn Phúc: Theo đánh giá của cá nhân tôi, căn bệnh ung thư đã thực sự lan truyền đến nhãn quan của tất cả cộng đồng, làm cho cộng đồng nhìn thấy nó với độ rõ nét hơn bao giờ hết.

Ung thư với biểu hiện khốc liệt nhất của sự sống và cái chết, nó không tha cho bất cứ ai, từ em bé sơ sinh cho đến các cụ già.

Mặc dù y học đã rất phát triển, nhưng không khó để cảm nhận thấy sự bất lực trước căn bệnh ung thư, mà đồ ăn thức uống hàng ngày có vai trò không thể chối cãi.

Hầu hết chúng ta đều đã từng là nạn nhân của thực phẩm không an toàn. Biểu hiện có thể là rất nhẹ như buồn nôn thoáng qua, tiêu chảy, hay các rối loạn tiêu hóa khác.

Nhưng tôi cho rằng, hậu quả của thực phẩm không an toàn là rất nghiêm trọng, đó là những căn bệnh mãn tính với cái chết dây dai, là căn bệnh quái gở như bệnh bò điên do ăn phải thực phẩm biến đổi gen, là căn bệnh ung thư với cái chết khốc liệt và hủy diệt.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thực phẩm không an toàn có chứa những tác nhân gây hại như vi khuẩn, vi rút, kí sinh trùng, nấm mốc, chất hóa học; là nguyên nhân của hơn 200 loại bệnh (từ tiêu chảy đến ung thư); mỗi năm ước tính có khoảng 600 triệu người mắc bệnh, giết chết khoảng 420 nghìn người, cướp đi 33 triệu năm sống khỏe mạnh.

Trong phạm vi rộng là toàn thế giới, thì con số thống kê của WHO như 10 người thì có 1 người mắc bệnh bởi thực phẩm không an toàn, con số ấy có ý nghĩa cảnh báo rất cao.

Nhưng trong phạm vi hẹp, là ở điều kiện của Việt Nam, thì con số ấy chắc chắn không phù hợp, mà nó sẽ cao hơn nhiều.

Vâng, nói đến con số thống kê, có chuyên gia cho rằng ở Việt Nam, tỉ lệ bệnh nhân mắc ung thư do thực phẩm độc hại là rất thấp, khả năng mắc ung thư của người Việt là thấp hơn nhiều so với thế giới.

Cụ thể, người Việt Nam có nguy cơ mắc ung thư khoảng 14,5%, trong khi các nước tiên tiến khác tăng gấp đôi, Pháp (32%) và Mỹ (31,1%) là hai quốc gia dẫn đầu tỉ lệ này. Với những thông tin như vậy, liệu ông có thấy lạc quan cho người Việt Nam?

Bác sĩ Trần Văn Phúc: Sức mạnh của những con số là sự rõ ràng của nó, cho phép người ta dễ suy đoán thông qua phép so sánh trực quan.

Nhưng chúng ta cần phải hiểu rằng, ngôn ngữ cuộc sống không chỉ được viết bằng những con số toán học đơn thuần.

Nhìn vào con số 14,5% người Việt có nguy cơ mắc bệnh ung thư, thấp bằng một nửa so với các quốc gia khác, không có nghĩa rằng chúng ta đang sống trong môi trường an toàn, mà có điều gì đó ẩn chứa sự hài hước.

Tại sao nước Mỹ tỉ lệ ung thư lại cao nhất thế giới?

Hãy nhìn vào các chương trình khám sàng lọc ung thư để thấy họ làm rất khoa học và bài bản, như ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung buồng trứng, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi.

Ví dụ chương trình khám sàng lọc ung thư vú, Mỹ sử dụng kĩ thuật chụp Xquang tuyến vú, thực hiện đồng loạt từ độ tuổi 40 – 44; sau đó từ 45 – 54 tuổi mỗi năm chụp 1 lần, từ 55 tuổi trở lên được chụp 2 năm 1 lần; kết quả tỉ lệ ung thư vú ở Mỹ phát hiện khoảng 12% phụ nữ (cứ 8 người thì có 1 người ung thư vú).

Ngược lại ở Việt Nam, các chương trình khám sàng lọc ung thư như của Mỹ chưa được triển khai.

Tôi đã chứng kiến nhiều bệnh nhân có bệnh cảnh lâm sàng phù hợp với ung thư, nhưng vì nhiều lí do mà họ chịu chết ở nhà chứ không đến bệnh viện.

Trang thiết bị máy móc và năng lực chuyên môn các tuyến đang thiếu sự đồng đều, không cho phép phát hiện ung thư sớm, khó thực hiện chẩn đoán đúng bệnh ung thư.

Tất cả những yếu tố khác biệt đó, đủ để nói lên tại sao khả năng mắc ung thư của người Việt là 14,5%, trong khi người Mỹ lên tới 31,1%.

Con số, đôi khi giống như trò ảo thuật, làm cho khán giả không còn tập trung vào những điều khác đang diễn ra.

Chúng ta đang có những hiểu biết rất nghèo nàn về thực phẩm không an toàn, trong khi ung thư đang trở thành đại dịch.

Tôi không ngạc nhiên khi mà những thông tin đưa ra ngày càng trở nên nhiễu loạn, để trong cộng đồng hình thành những nhóm chống lại thực phẩm không an toàn mang tính tự phát, có khi xuất hiện sự mâu thuẫn, đối kháng giữa các nhóm.

Vâng, ông có thể nói rõ hơn về những nhóm chống lại thực phẩm bẩn với những thông tin nhiễu loạn?

Bác sĩ Trần Văn Phúc: Chống lại thực phẩm không an toàn bằng cách chống lại người nông dân sử dụng hóa chất trong nuôi trồng, chế biến và bảo quản mà không đưa ra được những bằng chứng hay lời giải thích thỏa đáng; cách này thu hút được đám đông, giải tỏa được những ẩn ức tức thời, nhưng về lâu dài sẽ giết chết cả một nền nông nghiệp đang lần mò tìm cách tiếp cận hiện đại, kéo nó trở về thời kì lạc hậu.

Một phương cách khác, là đòi hỏi phải có công trình nghiên cứu chứng minh cho bằng được chất tăng trọng vượt quá mức quy định sẽ gây ung thư, phải chỉ ra được tỉ lệ gây ung thư ấy là bao nhiêu, khi ấy mới được công bố cảnh báo; điều đó hoàn toàn đúng nhưng e rằng trong điều kiện Việt Nam hiện tại không làm nổi và không ai đủ kiên nhẫn chờ đợi kết quả để công bố.

Để chống được thực phẩm không an toàn, phải xuất phát từ nhận thức của người dân, từ tri thức của những người làm khoa học, từ công tác quản lí của cơ quan chức năng đảm bảo thiết lập bằng được chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chứ không phải chạy theo dư luận xã hội để điều chỉnh tình huống mang tính đối phó hình thức.

Vấn đề nhận thức mà ông vừa đề cập, đó có phải là giáo dục? Và truyền thông có đóng vai trò gì trong nâng cao nhận thức?

Bác sĩ Trần Văn Phúc: Tôi ủng hộ truyền thông đang quyết liệt lên tiếng về thực phẩm không an toàn.

Cần phải có giải pháp tổng thể, nhưng hãy bắt đầu bằng những ý kiến cá nhân, bằng tiếng nói của các chuyên gia, các nhà khoa học.

Tôi lo lắng nhiều hơn về nhận thức của con người, nên chỉ truyền thông vào cuộc thôi chưa đủ, mà phải giáo dục ngay từ chính trường học, giáo dục liên tục cho chính người lao động bởi đội ngũ kĩ sư nông nghiệp thực thụ.

Để có sự hiểu biết về thực phẩm không an toàn, chỉ có một cách duy nhất là giáo dục, huấn luyện và hướng dẫn.

Bản thân tôi trước đây, mọi người ăn gì tôi ăn đấy, thậm chí còn mặc định trong đầu là “ăn bẩn sống lâu”. Và tôi chỉ thực sự biết về thực phẩm không an toàn kể từ khi bước chân vào giảng đường Đại học Y Hà Nội.

Nhưng phản ứng duy nhất của tôi chỉ có thế là hạn chế tối đa ăn linh tinh, ít ăn ngoài hàng quán, không ăn vặt.

Vậy mà ngay cả khi nấu ăn ở nhà, tôi vẫn không tránh khỏi ngộ độc thực phẩm, cho dù tôi đã áp dụng tất cả các biện pháp phòng ngừa có thể.

Với những người tiêu dùng, một số rất ít có điều kiện, thì họ tự tìm cho mình nguồn cung cấp thực phẩm riêng để đảm bảo an toàn cho họ.

Nhưng sự an toàn ấy cũng vẫn chỉ là cảm tính chủ quan, chứ chưa ai có được những quy chuẩn chất lượng cụ thể của cơ quan chức năng.

Tại sao các mặt hàng nông sản thực phẩm của ta được coi là nuôi trồng theo quy trình chuẩn đảm bảo sạch sẽ, mà vẫn không xuất khẩu nổi sang thị trường Mỹ, thị trường Nhật, hay các nước châu Âu?

Chúng ta chưa quên câu chuyện 32.000 tấn tôm cá xuất khẩu bị trả về trong tháng 10 năm ngoái vì dư lượng kháng sinh cao; lúc đó có một vị cán bộ của ta trả lời trước truyền thông là tôm ấy luộc lên ăn vẫn ngon.

Hãy nhớ rằng, khi điều kiện kinh tế đảm bảo thừa ăn, mà vẫn chấp nhận ăn những thực phẩm không an toàn, thì dù biết là ăn như thế vẫn sống tốt, nhưng đó chỉ là cách ăn và sống theo bản năng.

Còn lại với đa số người dân, họ không có điều kiện nên không có sự lựa chọn nào khác là phải ăn để không bị chết vì đói và thiếu chất.

Khi bắt đầu hiểu được những thứ ăn vào miệng không hề an toàn, người ta trở nên sợ hãi chính mâm cơm của mình, thì đó là tột cùng của nỗi hoang mang về sự sống.

Một biên đạo múa người Thụy Điển hỏi tôi: Tại sao ở một quốc gia thiên nhiên ưu đãi như Việt Nam mà hầu hết những thứ ăn vào miệng lại không an toàn?

Tôi chỉ có thể trả lời rằng, ở Việt Nam, từ những người nông dân, cho đến những người công nhân chế biến, những đầu bếp ở hàng quán, cao nhất là những nhà quản lí, họ đều là những người không được trang bị những kiến thức về thực phẩm an toàn.

Xin cám ơn bác sĩ!

Qua câu chuyện của bác sĩ Trần Văn Phúc, chúng tôi được biết một biên đạo múa người Thụy Điển đã 4 lần sang Việt Nam và đều bị ngộ độc thức ăn. Con gái bà cũng rất muốn theo mẹ sang du lịch, nhưng bà chưa bao giờ dám mạo hiểm vì vấn đề an toàn thực phẩm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại